Thứ bảy 20/04/2024 13:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tập trung khai thác hiệu quả và thu hút các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế ven biển Nam Định

14:48 | 10/08/2022

(Xây dựng) - Kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định, hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Vì thế, kinh tế biển tỉnh Nam Định đã và đang trở thành một bộ phận quan trọng trong quy mô GDP của tỉnh và có đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Trên cơ sở đó, chính quyền tỉnh đã tập trung khai thác tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế biển hướng đến mục tiêu phát triển vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.

tap trung khai thac hieu qua va thu hut cac thanh phan kinh te vao phat trien kinh te ven bien nam dinh
Phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh.

Khai thác, phát huy mọi lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế ven biển

Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên Nam Định có vị trí quan trọng trong hệ thống biển, đảo cả nước với 72km bờ biển; có 22 xã, thị trấn ven biển của 3 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy; có ba cửa sông lớn là cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ), cửa Đáy (sông Đáy), điều này thuận lợi cho việc hình thành nhiều bãi cá, bãi tôm lớn của vịnh Bắc bộ. Về kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, tỉnh rất chú ý đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ để phục vụ phát triển kinh tế biển. Từ năm 2015 đến nay, có nhiều công trình, dự án giao thông đường bộ, đường thủy được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác để rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án kinh tế biển trọng điểm. Từ đó, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh.

Về nguồn nhân lực, Nam Định có nhiều lợi thế trong phát triển nguồn nhân lực, là một trong 10 tỉnh đông dân (1,8 triệu dân) và có truyền thống hiếu học nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.110.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo rất cao, khoảng 72%. Tỷ lệ người lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%, với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Do đó, tỉnh có tiềm năng cung cấp một lượng lớn lao động cho xã hội, đồng thời, nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh với các địa phương lân cận.

Về môi trường kinh doanh và môi trường sinh thái khu kinh tế biển tỉnh Nam Định, trong giai đoạn hiện nay, kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định phát triển toàn diện. Tổng sản phẩm GDP giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 7,9%/năm, gần 80.000 tỷ đồng năm 2020, cao hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2010-2015 (6,2%/năm). Đối với vấn đề môi trường khu kinh tế biển, do còn đang trong giai đoạn sơ khai nên môi trường sinh thái còn tương đối tốt, chưa bị ô nhiễm hay ảnh hưởng nhiều của sức ép dân số và rác thải công nghiệp. Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đời sống kinh tế - xã hội ổn định và tiến bộ, Nam Định đang có môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Quyết tâm tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế ven biển

Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021, việc thu hút các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế ven biển tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Dưới sự chỉ đạo chiến lược của Tỉnh ủy và các cơ quan chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân ven biển tỉnh Nam Định đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cho đến năm 2021, kinh tế biển và các vùng ven biển đã dần trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Hệ thống doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh đã được chú trọng phát triển và dần phát huy được những lợi thế, tiềm năng kinh tế ven biển của tỉnh Nam Định. Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng biển, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh yêu cầu cấp ủy các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tiếp các giải pháp hiệu quả, kịp thời bổ sung các giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Tiếp tục tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển. Trước mắt, tập trung phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để triển khai đúng tiến độ dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1; sớm đưa vào hoạt động Dự án Tổng kho xăng dầu và cảng xuất - nhập xăng dầu tại cửa Lạch Giang. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng: tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Khẩn trương hoàn thành giai đoạn I và thu hút nhà đầu tư thứ cấp cơ bản lấp đầy Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng và Cụm công nghiệp Thịnh Lâm, huyện Giao Thủy. Tập trung củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè các khu vực xung yếu; rà soát và tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về thoát lũ, hạn chế xâm nhập mặn và công trình trọng điểm khu vực ven biển. Giai đoạn từ nay đến 2025, các ngành, các địa phương tập trung thành lập và đưa vào hoạt động Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dần hình thành các đô thị, khu dân cư ven biển theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh. Khai thác hiệu quả các công trình đã được đầu tư nâng cấp tại khu vực cửa Lạch Giang, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, cảng Hải Thịnh, tận dụng triệt để lợi thế tiềm năng vận tải biển để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường biển, thúc đẩy việc giao thương hàng hóa với nước ngoài.

Phát triển mạnh kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biển của tỉnh; thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển. Tiếp tục phát huy giá trị du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các khu du lịch biển hiện có và Vườn quốc gia Xuân Thủy; mở rộng không gian du lịch tại khu vực bãi bồi Rạng Đông trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh và là điểm Ramsar thứ hai sau Vườn quốc gia Xuân Thủy; chú trọng phát triển đa dạng các chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là các sản phẩm hàng hóa du lịch từ tài nguyên biển, các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học biển. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành Thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng một số trại giống thủy sản chất lượng cao; lựa chọn các con giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực ven biển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Như vậy, với quyết tâm cao của tỉnh cùng các giải pháp gợi ý, khu vực ven biển sẽ trở thành cực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 3 huyện ven biển có thể chiếm tỷ trọng hơn 45% so với toàn tỉnh; tổng thu ngân sách Nhà nước của khu vực này đạt 8.000 - 9.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/người/năm. Tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế của tỉnh sẽ ngày càng được khai thác hiệu quả.

Quốc Gia

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load