Thứ sáu 27/12/2024 14:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải

09:10 | 08/12/2023

(Xây dựng) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 509/TB-VPCP ngày 7/12/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 8 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải
Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá thỏa thuận làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.

Thông báo kết luận nêu rõ, sau phiên họp lần thứ 7, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã quyết định bổ sung 08 dự án vào danh mục dự án của Ban Chỉ đạo, nâng số dự án, dự án thành phần lên thành 86 dự án/dự án thành phần; các dự án qua 45 tỉnh, thành phố, trải dài, đồng đều khắp các vùng miền của đất nước.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhằm thực hiện thành công Nghị quyết đại hội XIII của Đảng về đầu tư xây dựng hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc.

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực, tích cực, chủ động triển khai, đến nay đạt được một số kết quả như: khánh thành dự án đường bộ cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu; khởi công gói thầu nhà ga hàng khách Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, gói thầu nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; các dự án đều triển khai thi công bám sát tiến độ yêu cầu.

Đồng thời để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, tích cực với Quốc hội trong việc phân bổ vốn, áp dụng các cơ chế đặc thù cho các dự án công trình giao thông, làm cơ sở để triển khai các dự án.

Các Bộ, các ngành đã tích cực vào cuộc, xử lý nhanh, hiệu quả các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các địa phương đã nâng cao trách nhiệm, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện. Các nhà thầu xây dựng đã "vượt nắng, thắng mưa", không quản ngại khó khăn để triển khai thi công các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) một số dự án còn chậm, điển hình là dự án Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ; chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Chợ Chu - ngã 3 Trung Sơn và dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) còn thiếu nhiều; một số dự án tổ chức thi công còn chậm...

Thực hiện đồng bộ 6 giải pháp

Để tháo gỡ các tồn tại nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là rà soát lại các các thủ tục pháp lý, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm này; Hai là kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện bảo đảm bám sát tiến độ đã đề ra; Ba là tập trung kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình đường bộ cao tốc gắn liền với việc xây dựng quy chuẩn đường ô tô cao tốc.

Bốn là tập trung giải quyết các khó khăn về nguồn VLXD, nghiên cứu sử dụng vật liệu cát biển cho đắp nền đường; Năm là tăng cường giám sát về kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; Sáu là tập trung cho công tác GPMB đặc biệt là xây dựng các khu tái định cư.

Hàng tháng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện giao ban để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; kịp thời có các đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Giải quyết dứt điểm công tác GPMB, bảo đảm người dân có chỗ ở mới, ổn định trước Tết Nguyên đán

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về công tác GPMB, Thủ tướng cho rằng phần mặt bằng còn lại mặc dù không lớn nhưng tập trung chủ yếu tại khu vực đất ở (vướng mắc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, chưa hoàn thành khu tái định cư…). Các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt trong triển khai, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân đồng lòng với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Quan tâm đến công tác xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt bằng và tốt hơn nơi ở cũ; người dân sớm có chỗ ở mới, ổn định trước Tết Nguyên đán.

Các địa phương giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân (đặc biệt các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai); phối hợp với EVN, Bộ Công Thương hoàn thành thỏa thuận, thẩm định phương án di dời đường điện cao thế.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng các khu đất thuộc quyền quản lý cho chủ đầu tư.

Bộ Công Thương và EVN đẩy nhanh thủ tục để di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để dự án chậm tiến độ do chậm di dời đường điện cao thế.

Sớm hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, theo chức năng nhiệm vụ được giao để sớm hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành Báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 10 tháng 12 năm 2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay công tác chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích tăng thêm, nằm ngoài phạm vi của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; tổng hợp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng với phần diện tích tăng thêm, nằm ngoài phạm vi của Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá

Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá thỏa thuận làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.

Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và cảnh báo, xử lý việc thực hiện chưa đúng quy định trong cấp phép các mỏ VLXD tại các địa phương.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục để có thể khai thác các mỏ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Các địa phương cần chủ động, tích cực triển khai các thủ tục để bảo đảm giao mỏ cho các nhà thầu đặc biệt là các nhà thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trong tháng 12 năm 2023 đúng theo thời hạn đã được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển và báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 12 năm 2023.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load