Thứ sáu 03/01/2025 02:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Sớm giải quyết việc tranh chấp đất bãi ven sông Lô

16:22 | 13/07/2015

Trong thời gian gần đây, tại xã Tử Đà, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã xảy ra tình trạng tranh chấp đất bãi ven sông Lô giữa một số hộ dân và Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (đơn vị được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát sỏi) gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Điều đáng chú ý là nhiều cuộc họp đã được tổ chức nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa người dân và doanh nghiệp, khiến tình trạng tranh chấp kéo dài.


Diện tích đất bãi đã xảy ra tranh chấp kéo dài vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo UBND xã Tử Đà, ngày 28-11-2013, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp phép khai thác cát sỏi cho Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn) dọc bờ sông Lô thuộc khu 3 của xã Tử Đà, thời hạn giấy phép một năm. Tiếp đó, ngày 23-1-2015, UBND tỉnh Phú Thọ gia hạn giấy phép số 06/GP-UBND cho Công ty Thái Sơn được khai thác cát tại địa điểm này, thời hạn giấy phép ba năm; diện tích mỏ được cấp là 36,5 ha, trong đó khu vực được phép khai thác là 27,7 ha lòng sông (đất mặt nước), diện tích quản lý bảo vệ không được khai thác là 8,8 ha (đất bãi bồi ven sông). Ngay sau khi được cấp phép khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Phù Ninh, xã Tử Đà, trưởng các khu dân cư và Công ty Thái Sơn tổ chức cắm mốc giới tại thực địa và tiến hành khai thác.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong thời gian qua, Công ty Thái Sơn tiến hành khai thác cát sỏi trong phạm vi được cấp phép có xảy ra tình trạng sạt lở một phần diện tích đất đang canh tác của người dân, gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Điều đáng nói là sau khi có ý kiến của nhân dân, nhiều cuộc họp giữa người dân, chính quyền địa phương và đơn vị khai thác cát sỏi đã được tổ chức. Nhiều văn bản, thông báo kết luận được đưa ra nhưng vẫn chưa đi đến một sự thống nhất hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Điểm mấu chốt khiến chưa tìm được tiếng nói chung và còn nhiều tranh cãi chính là diện tích 1,5 ha nằm trong phạm vi 27,7 ha được cấp phép khai thác khi giao cho Công ty Thái Sơn thì ngập nước, nhưng vào mùa cạn thì là bãi bồi. Nhân dân địa phương tận dụng diện tích này để canh tác và chưa được giao, chưa cho thuê nên không được đền bù. Chính vì thế, UBND huyện đã chỉ đạo xã lên phương án hỗ trợ để tránh thiệt thòi cho người dân.

Nhiều người dân cho rằng, cần tổ chức một cuộc đối thoại có quy mô để các cơ quan của tỉnh, huyện, xã giải đáp các thắc mắc của nhân dân và có một quyết định chính thức, thấu tình đạt lý, phân rõ đúng sai và bảo đảm tính chính xác, công bằng trên cơ sở pháp luật.

Để bảo đảm thông tin chính xác, đúng thực tế về tình trạng khai thác cát sỏi tại khu 3 xã Tử Đà, vừa qua, UBND huyện Phù Ninh đã tổ chức đối thoại với nhân dân và cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề này. Tham dự có đầy đủ các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã, đơn vị khai thác và người dân. Nội dung chính của cuộc họp là cần xác minh rõ quyền và lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp đối với 1,5 ha mà người dân cho rằng tỉnh đã cấp chồng lấn vào đất canh tác của nhân dân.

Theo ông Đỗ Văn Kính, người đại diện cho 28 hộ dân bị ảnh hưởng, đây là diện tích các hộ đã khai hoang canh tác từ những năm 1990 và khẳng định đây là diện tích đất ổn định chứ không phải là đất bị ngập nước vào mùa lũ. Vì đây là diện tích do người dân tự khai phá và không được giao, nên khi áp dụng vào những quy định pháp luật thì cần áp dụng theo Luật Đất đai năm 1993. Đã có nhiều cuộc họp được tổ chức nhưng do có sự mâu thuẫn trong cách giải quyết nên mới dẫn đến tình trạng kéo dài như hiện nay.

Tại cuộc đối thoại, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Thái Sơn tại Phú Thọ khẳng định, trong diện tích được cấp phép khai thác là 27,7 ha, công ty đã khai thác đúng chỉ giới. Đối với diện tích bị sạt lở nằm trong chỉ giới được cấp phép, đây cũng chính là diện tích bãi bồi non ven sông thường ngập chìm về mùa lũ, bà con chỉ canh tác hoa màu vào mùa cạn. Vì vậy, đơn vị khai thác phải đền bù, tuy nhiên, trong thời gian qua, công ty đã đề nghị huyện Phù Ninh và xã Tử Đà lập phương án hỗ trợ đền bù theo đúng quy định hiện hành.

Ông Vũ Minh Lý, Chủ tịch UBND xã Tử Đà cũng xác nhận, trong diện tích mặt nước được cấp phép khai thác (27,7 ha) có khoảng 1,5 ha đất bãi bồi đang được nhân dân khu 3 trồng hoa màu. Đây là diện tích mà người dân đã khai hoang canh tác từ những năm 1990. Đến năm 2005, UBND xã tiến hành kiểm kê đất đã cho người dân được canh tác trên diện tích này và người dân phải đóng tiền sản lượng 50 nghìn đồng/sào/năm. Vì vậy, nhiều hộ dân cho rằng Công ty Thái Sơn phải tiến hành đền bù cho nhân dân và kiên quyết giữ phần đất này. Trước sự việc trên, huyện Phù Ninh, xã Tử Đà đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết dứt điểm vấn đề này nhưng đến nay vẫn không được giải quyết thỏa đáng do bất đồng giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND huyện Phù Ninh và đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo UBND tỉnh và các ngành liên quan đã xem xét cụ thể và khẳng định việc giao đất, cấp mỏ cho Công ty Thái Sơn là đúng. Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích cho người dân, UBND huyện cũng chỉ đạo xã Tử Đà phối hợp với Công ty Thái Sơn lập phương án, xem xét cụ thể để hỗ trợ người dân. Vì dù sao đây cũng là diện tích nhân dân đã canh tác từ lâu. Đồng thời yêu cầu các hộ dân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm những vướng mắc. Trong thời gian này, Công ty Thái Sơn không được khai thác ở vị trí đang tranh chấp cho đến khi có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ sớm có biện pháp quyết liệt, làm rõ các vấn đề, giải đáp các thắc mắc, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định tại địa phương.

Theo Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load