Auto Investment Group thông báo giải thể công ty chỉ sau 6 tháng đăng ký thành lập vì các cổ đông không góp đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) mới đây đã có thông báo về việc quyết định giải thể công ty.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nêu lý do giải thể là các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu.
Cuối tháng 5 năm 2021, Auto Investment Group gây xôn xao khi đăng ký thành lập tại TP.HCM trong 15 lĩnh vực với số vốn 500.000 tỷ đồng (khoảng 21,7 tỷ USD), cao hơn cả vốn điều lệ của PVN, Viettel, Vingroup...
Cụ thể, doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower (số 2 đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Auto Investment Group đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính, làm thêm dịch vụ liên quan đến in ấn; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; sản xuất linh kiện điện tử; bán lẻ đồ điện gia dụng; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh tại buổi họp báo trực tuyến của Auto Investment Group. |
Về phần vốn góp, ông Quốc Anh sẽ góp 499.998 tỷ đồng vào Auto Investment Group. Hai cá nhân còn lại là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện (cùng trú tại TP Thủ Đức, TP.HCM) mỗi người góp 1 tỷ đồng.
Trao đổi với Zing hồi tháng 6 năm 2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định đã cân nhắc rất kỹ trước khi đi đăng ký vốn điều lệ.
“Hiện tại, bên tôi phát triển 1,4-1,6 triệu khách hàng, chủ yếu giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Ví dụ khi phân phối một sản phẩm cho doanh nghiệp lấy giá 1 triệu đồng/tháng, vốn hóa công ty mình đã rất khủng”, ông Quốc Anh nói.
Ông Quốc Anh cho biết do trước đây "toàn làm cho những tập đoàn lớn" như: Central Group, Vingroup, SCI Group, K-Group nên quen biết nhiều và không lo thiếu nguồn vốn từ nước ngoài. Bên cạnh đó ông sẽ làm việc với một số ngân hàng như Vietcombank, Oceanbank, Techcombank và các tập đoàn bất động sản như Novaland, FLC, Hà Đô để huy động thêm.
Ngoài ra, ông Quốc Anh thông tin tập đoàn của ông sẽ có tới 17 công ty.
Theo Nghị định 50 về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Khoản 1, Điều 46, Mục 4, của Nghị định 50 cũng quy định rõ: “Trường hợp phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không huy động đủ, đúng thời hạn số vốn đã đăng ký”. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm. |
Theo Văn Hưng/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/sieu-doanh-nghiep-dang-ky-von-21-7-ty-usd-giai-the-post1290046.html