(Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. |
Xây dựng hoạt động xúc tiến đầu tư
Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngoài tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai dự án, việc hỗ trợ, giám sát tiến độ dự án cũng được tỉnh chú trọng. Tiến độ các dự án được cập nhật thường xuyên và liên tục; các tổ công tác của tỉnh cũng tích cực hỗ trợ nhà đầu tư.
Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa xây dựng 5 hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Thứ nhất là Hội nghị xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Châu Âu tại Khánh Hòa (ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư gồm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng…).
Thứ hai, Hội nghị xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Đài Loan tại Khánh Hòa dự kiến vào tháng 8/2024 (ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, viễn thông, bán dẫn, công nghiệp phụ trợ…).
Khu kinh tế Vân Phong dự kiến thu hút hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư trong thời gian tới. |
Thứ ba, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp tỉnh Khánh Hòa, dự kiến vào quý II hoặc quý III/2024 (ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư theo quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội và các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh).
Thứ tư, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa tại Hoa Kỳ dự kiến vào tháng 4/2024 (ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư gồm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực…).
Thứ năm, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa tại Hàn Quốc dự kiến vào quý II/2024 (ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư gồm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ logistics, năng lượng xanh, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực…).
Cùng với đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ tích cực chủ động đăng ký các phiên chuyên đề tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế do Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, các cơ quan hiệp hội, tổ chức quốc tế nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường kinh doanh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư, đồng thời kết nối doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, thị trường phân phối sản phẩm…
Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa sẽ kết nối các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong việc xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Hình thành 4 hành lang kinh tế
Theo quy hoạch được duyệt, trong những năm tới, Khánh Hòa sẽ hình thành 4 hành lang kinh tế, kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, hành lang kinh tế Bắc - Nam là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối 3 vùng động lực phát triển, gồm: Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như: cảng biển, cảng hàng không…
Hành lang kinh tế Đông - Tây được hình thành trên cơ sở trục giao thông Đông - Tây, bao gồm: QL26, QL26B và đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; đồng thời kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên.
Tuyến đường Quốc lộ 27C đoạn đèo Khánh Lê – nối 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. |
Ngoài ra, còn có tuyến đường liên vùng Ninh Thuận - Khánh Hòa - Lâm Đồng đã được khởi công ngày 01/3/2024. Dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có quy mô đường cấp III miền núi, chiều dài khoảng 56,70 km, được thiết kế 2 làn xe, có tổng chiều rộng nền 9 m. Tổng mức đầu tư là 1.930 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương 1.000 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng.
Dự án tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động, thông suốt trong mọi tình huống để bảo đảm an ninh, quốc phòng; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các vùng động lực và hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch phân khu. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện chỉ số quản trị địa phương để tăng năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, trở thành trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước. Để đạt được mục tiêu đề ra, Khánh Hòa phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào những ngành quan trọng; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, phải tập trung phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và đô thị Cam Lâm để tạo động lực phát triển mới.
Hành lang kinh tế Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh được hình thành trên cơ sở QL27C và đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) đang nghiên cứu đề xuất Trung ương xem xét, sẽ giúp tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ TP Nha Trang, kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và sẽ hình thành các khu vực đô thị. Hành lang kinh tế Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn hình thành trên cơ sở Tỉnh lộ 9, giúp kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là TP Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển, đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa; kết nối giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
3 vùng trọng điểm, động lực phát triển của tỉnh
Bên cạnh 4 hành lang kinh tế, Khánh Hòa cũng đã xác định 3 vùng động lực để tập trung thu hút đầu tư, vươn tầm trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Đối với khu vực vịnh Vân Phong, tỉnh sẽ tập trung thu hút danh mục ngành, nghề ưu tiên theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội gồm đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Cùng với đó là đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.
Khu kinh tế Vân Phong tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. |
Ngoài ra, khu vực này sẽ thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
Đặc biệt, xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
Đối với vùng động lực Nha Trang, đây sẽ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh.
Đối với vùng động lực Cam Ranh, tỉnh sẽ phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; phát triển TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Hoàng Sơn
Theo