(Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Diện mạo các vùng quê được đổi thay khi tuyến đường ven biển đi qua. |
“Bệ phóng” cho phát triển kinh tế - xã hội
Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định. Từ đó, những tuyến đường ven biển đã và đang dần hình thành, không chỉ có ý nghĩa kết nối giao thông liên vùng mà còn tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Hiện, tỉnh Bình Định đã có 3 dự án thành phần đường ven biển Bình Định gồm: Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, cầu Lại Giang - cầu Thiện Chánh được đưa vào sử dụng. Trong đó, việc xây dựng cầu Đề Gi kết nối giữa 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ được xem là nhịp cầu nối những bờ vui cho người dân khu vực này.
Quay ngược thời gian vào những năm trước, để qua lại, buôn bán giữa 2 xã Cát Khánh (Phù Cát) và Mỹ Thành (Phù Mỹ) người dân đã phải đi đường vòng xa hàng chục ki-lô-mét hoặc phải dùng thuyền, ghe để di chuyển. Có 1 chiếc cầu để đi lại thuận tiện, kết nối giao thương luôn là mong mỏi của người dân nơi đây. Niềm mong ước đó đã thành hiện thực khi cây cầu vượt biển Đề Gi dài gần 400 m được đầu tư xây dựng và hoàn thành đầu năm 2023. Cây cầu hình thành đã rút ngắn khoảng cách đi lại giữa 2 xã hơn 40 phút.
Chị Phan Mỹ Hạnh ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát vui mừng cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi giao hàng từ xã Cát Khánh đi Mỹ Thành tôi đã phải lái xe rất lâu, nhưng kể từ khi có cây cầu này, tôi cũng đỡ vất vả hơn, đỡ tốn chi phí trong quá trình vận chuyển hàng hóa”.
“Từ ngày có cầu Đề Gi, bà con đi lại được thuận tiện, hàng hóa được trao đổi khi ghe thuyền vào cảng Đề Gi buôn bán hải sản tấp nập, lợi nhuận thêm, bà con rất vui mừng”, ông Nguyễn Văn Hanh ở xã Cát Khánh hồ hởi nói.
Có thể nói, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, cầu vượt biển Đề Gi nối xã Cát Khánh (Phù Cát) đến xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) đã thực sự phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đánh giá về tuyến đường ven biển đi qua địa bàn, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay: “Tuyến đường ven biển đã tạo không gian phát triển quỹ đất mới, phát triển công nghiệp, dịch vụ. Huyện Phù Cát cũng đã tạo ra được quỹ đất hơn 4.000 ha dọc các xã thị trấn ven biển này. Quỹ đất đó đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Nam Đề Gi. Việc tuyến đường ven biển đi vào hoạt động sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ của huyện Phù Cát nói riêng và bao gồm huyện Phù Mỹ. Bà con ngư dân sẽ có điều kiện về giao thương”.
Nếu như trước đây, cuộc sống của Nhân dân các xã phía Đông 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ như xã Mỹ Thành (Phù Mỹ), Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát)... rất khó khăn, đi lại bất tiện thì bây giờ người dân ven biển đã có cuộc sống ấm no hơn. Dọc tuyến đường, hàng trăm ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang, nhiều quán xá được mọc lên dần hình thành các trung tâm đô thị mới.
Trong đợt dự lễ khánh thành tuyến đường ven biển vào đầu năm 2023 tại Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá rất cao tuyến đường này. "Tôi vừa đi qua nên thấy rõ, nếu không có tuyến đường ven biển này thì hai bên chỉ toàn là cát, đồi núi, không khai thác được các bãi tắm ven biển, các dịch vụ. Đây là giá trị của con đường ven biển mang lại", Thủ tướng nói.
Đường ven biển đi qua Bình Định có điểm đầu kết nối với đường bộ ven biển tỉnh Quảng Ngãi tại ranh giới giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi, điểm cuối kết nối với đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 115 km tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng với 8 dự án thành phần dài 99 km, còn lại tận dụng QL1D khoảng 16 km. Trong đó, tuyến đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân (ĐT639) được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn huyện Phù Cát và Tuy Phước với tổng mức đầu tư gần 2.675 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước. Đây là dự án nhóm A, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn huyện Phù Cát và Tuy Phước.
Những con đường Nghị quyết
Xác định lấy giao thông làm bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ này, tỉnh Bình Định đã thực hiện xây dựng hàng loạt các công trình giao thông lớn. Ngoài tuyến đường ven biển, tỉnh còn đầu tư xây dựng các tuyến đường như: Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; Tuyến đường kết nối từ đường phía tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn hyện Phù Mỹ; Xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong...
Đây là những công trình giao thông có quy mô lớn, có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định. Khi các dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các huyện, thị xã và thành phố; tạo thành hệ thống logicstic hiện đại và đồng bộ khi kết nối thuận tiện giữa Bình Định với Tây Nguyên, và các tỉnh lân cận; kết nối giữa đồng bằng với miền núi... Từ sự hình thành các tuyến đường, các vùng được tuyến đường đi qua trở nên phát triển hơn.
Tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII diễn ra vào trung tuần tháng 7/2023, nhiều Nghị quyết liên quan đầu tư hạ tầng giao thông đã được thông qua như: Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Đường phía tây huyện Vân Canh (từ Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex Bình Định đến thị trấn Vân Canh); Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường kết nối từ QL19 đến khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường tránh ĐT633 đoạn từ Núi Ghềnh đến giáp đường ven biển (ĐT 639) và tuyến đường địa phương kết nối QL1, giai đoạn 2021 - 2025… Đây là những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ của tỉnh nhằm kết nối thuận tiện giữa Bình Định với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế.
Ông Lưu Nhất Phong - Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh cho biết: Trong năm 2023, tỉnh đã khánh thành dự án Tuyến đường ven biển, đoạn Cát Tiến đến Mỹ Thành (đoạn Cát Tiến - Đề Gi, đoạn Đề Gi - Mỹ Thành) với tổng chiều dài hơn 29,1 km, tổng mức đầu tư hơn 1.967 tỷ đồng. Đồng thời, khởi công mới 2 dự án trọng điểm: Dự án xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ QL1D đến QL19 mới và Dự án xây dựng tuyến đường nối từ QL19 đến khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn.
Đây là những tuyến đường huyết mạch, rất cần thiết và cấp bách, tạo động lực phát triển kinh tế biển, góp phần hoàn thiện tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định thuộc hệ thống đường ven biển quốc gia.
Một số tuyến đường đã hoàn thành như Tuyến đường trục đông - tây kết nối với Tuyến đường phía tây tỉnh (ĐT.638); Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ QL1D - QL19 mới… đã tạo bệ phóng giúp cho Bình Định thu hút các nhà đầu tư về đầu tư tại tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho biết: Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Trong nhiệm kỳ vừa rồi chúng ta làm rất tốt. Đến nay, hạ tầng ở phía Đông của tỉnh đã cơ bản hoàn thiện. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ xong đường ven biển, mở rộng QL1A, hình thành đường cao tốc... Hiện tại, đang khảo sát, xác định hướng, tuyến cho chuẩn xác để quyết định việc đầu tư tuyến đường phía tây của tỉnh.
Người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh, khi đã có hạ tầng giao thông tương đối đầy đủ, chúng ta sẽ phát triển không gian của tỉnh Bình Định phù hợp với quy hoạch, sẽ bố trí lại không gian phát triển của tỉnh, vùng nào phát triển đô thị, vùng nào du lịch, vùng nào là công nghiệp, vùng nào là nông nghiệp. Chúng ta sẽ cố gắng trong nhiệm kỳ tới sẽ thực hiện tốt quy hoạch đã được Chính phủ thông qua, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông.
Thu Loan
Theo