Thứ hai 29/04/2024 04:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sân bay Chu Lai là hạt nhân phát triển kinh tế, tiền đề hình thành trung tâm logistics khu vực

14:42 | 12/03/2024

(Xây dựng) – Quảng Nam sẽ phát triển đồng bộ 5 loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường không, theo hướng hiện đại phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia. Địa phương sẽ lấy Sân bay Chu Lai và Cảng biển Quảng Nam là hạt nhân để thúc đẩy phát triển các khu kinh tế của Quảng Nam và Quảng Ngãi, tạo tiền đề hình thành trung tâm logistics của khu vực.

Sân bay Chu Lai là hạt nhân phát triển kinh tế, tiền đề hình thành trung tâm logistics khu vực
Sân bay Chu Lai và Cảng biển Quảng Nam sẽ là hạt nhân để thúc đẩy phát triển các khu kinh tế của Quảng Nam và Quảng Ngãi, tạo tiền đề hình thành trung tâm logistics của khu vực.

Sân bay Chu Lai làm hạt nhân thúc đẩy phát triển các khu kinh tế của Quảng Nam và Quảng Ngãi

Về hệ thống hạ tầng, tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm mạng lưới đường bộ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, mạng lưới đường sắt tại Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021; kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021; hệ thống cảng biển Việt Nam tại Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 và hệ thống cảng hàng không, sân bay Việt Nam tại Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.

Hệ thống hạ tầng giao thông cấp Vùng cũng đã đề ra các định hướng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phương án kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với quan điểm phát triển đồng bộ 5 loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường không, theo hướng hiện đại phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Lấy phát triển Sân bay Chu Lai và Cảng biển Quảng Nam là hạt nhân để thúc đẩy phát triển các khu kinh tế của Quảng Nam và Quảng Ngãi, tạo tiền đề hình thành trung tâm logistics của khu vực. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống đường trục chính, các đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và địa phương để tăng cường tính kết nối giữa các khu vực của tỉnh với khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Tăng cường mạng lưới đường tỉnh, xây dựng mới các nút giao khác mức để bảo đảm kết nối đồng bộ với mạng lưới đường quốc gia, kết nối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang, cảng biển Quảng Nam và các khu kinh tế, khu đô thị. Phát triển đường thủy nội địa và đường sắt đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, chia sẻ thị phần với vận tải đường bộ.

Sân bay Chu Lai là hạt nhân phát triển kinh tế, tiền đề hình thành trung tâm logistics khu vực
Quảng Nam đặt mục tiêu về các đầu mối giao thông (hàng không và cảng biển) sẽ phát triển mạnh lĩnh vực hàng không và cảng biển gắn với Khu kinh tế mở Chu Lai, hình thành trung tâm logistics của khu vực.

Quảng Nam đặt mục tiêu về các đầu mối giao thông (hàng không và cảng biển) sẽ phát triển mạnh lĩnh vực hàng không và cảng biển gắn với Khu kinh tế mở Chu Lai, hình thành trung tâm logistics của khu vực. Phát triển cảng hàng không quốc tế Chu Lai đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, sẵn sàng nâng công suất để chia sẻ lưu lượng khi sân bay Đà Nẵng đạt ngưỡng khai thác. Phát triển hạ tầng cảng biển Quảng Nam thành cảng loại 1 đáp ứng yêu cầu thông quan hàng hóa.

Cụ thể, về đường bộ Quảng Nam sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tuyến đường trục chính để bảo đảm kết nối các khu vực trong tỉnh với các tỉnh lân cận và cả nước; kết nối thông suốt khu vực nguyên liệu phía Tây (bao gồm cả nước bạn Lào và Bắc Tây Nguyên) với khu vực chế biến và các đầu mối giao thông ở phía Đông.

Về đường sắt sẽ triển khai quy hoạch đường sắt Quốc gia qua địa bàn tỉnh, xác định hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để quy hoạch và xây dựng động bộ hệ thống hạ tầng kết nối; duy trì tuyến đường sắt hiện hữu để cải tạo thành đường sắt vận chuyển hàng hóa. Bố trí dành quỹ đất để xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối các đầu mối giao thông và khu kinh tế, đô thị phía đông của tỉnh từ Điện Bàn đến sân bay Chu Lai, kết nối với hệ thống đường sắt đô thị thành phố Đà Nẵng.

Về đường thủy nội địa thực hiện khai thác có hiệu quả hệ thống các tuyến sông thuộc lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn, khơi thông các tuyến sông ven biển (Trường Giang, Cổ Cò) để phát triển tuyến vận tải thủy theo hướng Bắc - Nam kết hợp phục vụ thoát lũ và cải tạo cảnh quan, phát triển du lịch; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa để kết nối vận tải thủy nội địa với các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không.

Trong đó, về đường bộ có các cao tốc qua địa bàn tỉnh gồm cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi sẽ giúp kết nối Quảng Nam với các tỉnh duyên hải miền Trung và kế nối các khu vực đô thị, các khu du lịch và Khu kinh tế mở Chu Lai ở phía Đông tỉnh Quảng Nam. Cao tốc Đà Nẵng - Kon Tum qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, kết nối Đà Nẵng, Quảng Nam với khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), chiều dài khoảng 111,5km đạt tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô 4 làn xe. Cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi sẽ kết nối Quảng Nam với Quảng Ngãi, tuyến đi về phía Tây qua địa bàn huyện Nam Trà My và kết thúc tại cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).

Về quốc lộ qua địa bàn tỉnh có 10 tuyến Quốc lộ và đường bộ ven biển tạo thành các trục kết nối Bắc – Nam; Đông – Tây qua địa bàn tỉnh. Trong đó kết nối Bắc – Nam gồm 4 tuyến chính Quốc lộ 1; đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14); đường Trường Sơn Đông, đường bộ ven biển. Kết nối Đông – Tây gồm các Quốc lộ: Quốc lộ 14B; Quốc lộ 14D; Quốc lộ 14G; Quốc lộ 14E; Quốc lộ 14H; Quốc lộ 40; Quốc lộ 24C.

Về hang không, Quảng Nam sẽ phát triển Cảng hàng không Chu Lai theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.

Đến năm 2030, Sân bay Chu Lai là cảng hàng không quốc tế cấp 4F, công suất thiết kế 10 triệu hành khách/năm, diện tích 2.006,56ha; các hạng mục chủ yếu cần đầu tư gồm nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, đường cất hạ cánh số 1, hệ thống đường lăn, sân đỗ và các công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư dự kiến 15.968 tỷ đồng.

Đến năm 2050, Sân bay Chu Lai là cảng hàng không quốc tế cấp 4F, công suất thiết kế 30 triệu hành khách/năm, diện tích 2.006,56ha. Các công trình chính cần đầu tư gồm mở rộng nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, xây dựng đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn, sân đỗ và các công trình phụ trợ khác, tổng mức đầu tư dự kiến 37.950 tỷ đồng.

Sân bay Chu Lai là hạt nhân phát triển kinh tế, tiền đề hình thành trung tâm logistics khu vực
Quảng Nam sẽ có 4 trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không.

Quy hoạch 4 trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không

Theo quy hoạch được phê duyệt, Quảng Nam sẽ có 4 trung tâm logistics trên địa bàn gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Cụ thể, Trung tâm logistics phục vụ cảng biển Quảng Nam đảm nhận vai trò là trung tâm dịch vụ vận tải, có khu bến chuyên dùng phục vụ container, tiếp nhận và phân phối hàng hóa thông qua cảng biển, đường bộ và đường sắt. Vị trí tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia bằng đường bộ, hàng không, cảng biển, đường sắt và đường thủy nội địa. Quy mô của trung tâm khoảng 50ha không tính diện tích khu bến cảng và dịch vụ hậu cần sau cảng.

Trung tâm Logistics chuyên dùng hàng không đảm nhận vai trò là trung tâm dịch vụ vận tải, phân phối hàng hóa thông qua cảng hàng không Chu Lai, là trung tâm dự trữ hàng hóa, phân phối nguồn hàng, của khu vực và cả nước. Vị trí dự kiến trong cảng hàng không quốc tế Chu Lai, tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành. Với khả năng kết nối với mạng giao thông quốc gia bằng đường bộ, đường sắt. Quy mô của trung tâm khoảng 25ha.

Trung tâm logistics khu vực đường Hồ Chí Minh đảm nhận vai trò là trung tâm dự trữ hàng hóa, phân phối nguồn hàng phục vụ các khu chế xuất, phân phối hàng hóa đi các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Quy mô khoảng 30ha, dự kiến tại huyện Nam Giang hoặc Phước Sơn để kết nối với mạng giao thông quốc gia bằng đường bộ thông qua tuyến cao tốc Đà Nẵng - Kon Tum, tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14D, Quốc lộ 14E.

Trung tâm logistics khu vực cửa khẩu quốc tế Nam Giang đảm nhận vai trò là trung tâm dự trữ hàng hóa, phân phối nguồn hàng phục vụ các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang, phân phối hàng hóa cửa khẩu quốc tế Nam Giang kết nối với Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Quy mô khoảng 20ha, vị trí dự kiến tại xã Chaval hoặc La Dêê, huyện Nam Giang, kết nối với Quốc lộ 14D. Ngoài ra phát triển thêm các trung tâm logistics nhỏ lẻ gắn với các đầu mối vận tải, khu vực ga hàng hóa đường sắt, khu đầu mối giao thông, cửa khẩu phục vụ thu gom hàng hóa.

Thanh Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load