(Xây dựng) - Thời gian qua, Cty Than Hồng Thái (thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) đang ngang nhiên sử dụng hầm lò không có ký hiệu, số hiệu để vận chuyển goong, gỗ, nhân công vào hầm lò.
Hầm lò không ký hiệu gần phân xưởng khai thác 11 đang tập kết rất nhiều gỗ keo tại đây để đưa xuống lò.
Chưa kể về đêm, có một số dấu hiệu “bất thường” trong hoạt động khai thác và chuyên chở than. Theo một số ý kiến, khu vực hầm lò này là nơi xuyên, móc ở khu vực có mỏ số 23, 24, 25, thuộc xã Tràng Lương, Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm.
Chia sẻ với phóng viên về tình trạng “rỗng ruột” ở khu vực vỉa 24 thuộc địa phận xã Tràng Lương, ông Nguyễn Văn Cường, một cán bộ của Công ty Viễn Đông - đơn vị đang thi công mặt bằng xúc hót để làm dự án nhà máy rác thải cho biết: Để tiến hành làm cho kịp tiến độ, yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh về chủ trương, đầu tư xây dựng nhà máy rác thải để phục vụ, đáp ứng nhu cầu tẩy các chất thải độc hại. Phía Cty Viễn Đông đã tập trung vốn, máy móc để thi công nhưng khi đào xuống, chúng tôi phát hiện ra ở đây có khá nhiều hầm lò phía dưới. Gỗ được chèn cẩn trọng và rỗng ruột. Điều đó cho thấy than đã được khai thác từ rất lâu rồi, giờ chỉ có xít, nhiệt lượng cực thấp. Bởi vậy, khu vực này than đã được “thăm dò” hết từ năm 2013, theo như báo cáo của một doanh nghiệp đã báo cáo lên UBND tỉnh.
Cũng chính bởi “khoan thăm dò” này mà những đường hầm hiện nay như hang chuột, chồng chéo và mục rỗng hết. Thực trạng này khiến dư luận hoài nghi, có hay không việc lợi dụng xin phép khoan thăm dò rồi tiện thể đào xới than mang đi bán ở phía Công ty Than Hồng Thái, đơn vị được giao khoan thăm dò?!
“Mục sở thị” tại hiện trường, phóng viên thấy có một số hầm lò làm hầm thông gió, hầm chuyển gỗ xuống phía dưới. Trao đổi với phóng viên, một số anh em công nhân đang lao động ở đây cho biết: Hiện tại, hệ thống hầm lò do Công ty Than Hồng Thái vẫn đang hoạt động bình thường. Gỗ keo được đưa vào hầm để chống chèn phục vụ cho khai thác. Mỗi ngày, số lượng đưa vào chống là khá lớn. Khi được hỏi, các anh có đào “hàm ếch”, đánh sang khu vực vỉa 24 hay không thì hầu hết anh em đều từ chối trả lời vì lý do tế nhị.
Nhà báo Phạm Đức Hải, phóng viên Báo Xây dựng vào miệng 1 hầm lò, nhận thấy vẫn có hoạt động khai thác.
Qua điều tra, phóng viên được biết: trước đây, khu vực vỉa 24 có than nhưng đã bị “thăm dò” hết và kết thúc vào năm 2013. Tuy nhiên, số lượng hàng chục nghìn tấn than (theo đánh giá trữ lượng) đó đi đâu thì không ai rõ, không thấy báo cáo, chỉ biết đơn vị khoan thăm dò là phía Cty Than Hồng Thái.
Hiện tại, các vị trí hầm lò có ký hiệu cửa lò XV +126, cửa lò +200… vẫn đang hoạt động. Điều lạ, trong hàng loạt hầm lò đó, có 1 hầm lò đang chuyển gỗ vào và cũng đang hoạt động lại không có ký hiệu, số hiệu hầm lò. Căn cứ theo quy định thì việc này có nhiều khuất tất, cần phải sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ.
Gỗ keo vẫn được cắt, đưa xuống các hầm.
Rộng đường dư luận, phóng viên đến Cty Than Hồng Thái để đề nghị làm rõ việc tại sao lại có những khuất tất trong việc sử dụng hầm lò mà không có số hiệu, ký hiệu gì? Có hay không việc sử dụng lò “chui” ở đây, khu vực thuộc phân xưởng khai thác 11. Đặc biệt quá trình khoan thăm dò khai thác, sử dụng hầm lò số +30 thì sản lượng than đi đâu? Hiện tại khu vực đã cấp cho Cty Viễn Đông để làm nhà máy xử lý rác rồi, sao vẫn cho công nhân “đi hầm” phía dưới. Vậy có hay không việc lén lút nhặt than dưới chân các dự án khác bằng con đường “hầm lò”. Sau khi trình bày cụ thể với chị Hà, Chánh văn phòng của Công ty này và đề nghị gặp anh Hưng, Phó Giám đốc phụ trách khai thác hoặc anh Cường (quyền Giám đốc) để tìm hiểu về sự việc trên thì vị Chánh văn phòng này “ráo hoảnh” cho hay: Hàng ngày, tôi tiếp xúc hàng chục nhà báo, phóng viên. Giờ muốn làm việc phải đánh máy câu hỏi, Tổng biên tập báo ký vào gửi xuống rồi mới xếp lịch được. Bất cần biết các quy định của Luật Báo chí, khi nhà báo tác nghiệp có Thẻ nhà báo, hoặc Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.
Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: một số vị trí khai thác than ở đây là có vấn đề và còn nhiều khuất tất trong việc xuất than của Cty Than Hồng Thái (chúng tôi sẽ phản ánh ở 1 bài báo khác). Đề nghị các cơ quan chức năng quản lý của tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, làm rõ việc sử dụng hầm lò không ký hiệu, số hiệu phục vụ mục đích gì? Thêm nữa, cần kiểm tra xem công tác hoạt động khoan thăm dò ở vỉa số 24 đã kết thúc năm 2013 có thu hồi được than không? Số lượng than đó là bao nhiêu, hay lại “ỉm đi, chia nhau” rồi vẫn báo cáo là hoàn thành nhiệm vụ thăm dò?
Đức Hải
Theo