(Xây dựng) – Thời gian qua, với quyết tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự ủng hộ của nhân dân, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã tập chung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa.
Một góc thành phố Lai Châu. |
Tích cực vào cuộc xây dựng nông thôn mới
Ông Trần Bảo Trung - Chủ tịch huyện Phong Thổ chia sẻ, nhờ tích cực tuyên truyền vận động thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi tích cực nhận thức của người dân. Đi đầu là cán bộ, công chức, đảng viên sau khi được tuyên truyền vận động đã tích cực hiến đất, góp công lao động tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, di chuyển chuồng trại, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Trong năm 2023, huyện đã huy động nhân dân đóng góp thực hiện các dự án với 279 hộ dân đóng góp 58.690m2 đất để triển khai thực hiện các công trình trên địa bàn.
Song song với đó là việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hiện đại, đảm bảo kết nối giao thông - đô thị và kết nối vùng miền. Hiện nay huyện có 05/16 xã cơ bản đã đạt tiêu chí Giao thông (Mường So, Khổng Lào, Ma Li Pho, Huổi Luông, Sì Lở Lầu). Tiếp tục quản lý, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Đồng thời tạo sự đồng thuận và tự nguyện của nhân dân trong việc thực hiện đóng góp ngày công lao động, hiến đất để làm đường.
Trên địa bàn huyện có 16/16 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại, có 04 chợ đạt chuẩn theo quy định (Mường So, Dào San, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu), phục vụ nhu cầu người dân. Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự - an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy tại các chợ cơ bản được đảm bảo.
Nhờ sự hỗ trợ về nguồn vốn, hiện hệ thống điện có 16/16 xã đạt chuẩn. Huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện lưới quốc gia, đảm bảo tỷ lệ số bản được sử dụng điện đạt 100%.
Về nhà ở dân cư, trên địa bàn huyện có 5 xã đạt tiêu chí, tăng 01 xã so với năm 2022 (Mường So, Khổng Lào, Ma Li Pho, Huổi Luông, Lản Nhì Thàng) và còn 364 nhà tạm, dột nát. Huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân chỉnh trang, xây dựng nhà cửa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Cụ thể, toàn huyện có 13.181/15.621 hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, đạt 84,4% và có 16/16 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhà ở chủ yếu là nhà truyền thống, diện tích trung bình mỗi nhà đạt 52m2, còn thiếu diện tích sinh hoạt tối thiểu như bếp, nhà vệ sinh, các công trình phù trợ khác.
Về cơ sở vật chất văn hóa, có 4 xã đạt tiêu chí (Mường So, Ma Li Pho, Khổng Lào, Huổi Luông). Có 13 xã có nhà văn hóa xã, và điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định. Toàn huyện (xã NTM) có 138/163 thôn, bản có nhà văn hóa, phục vụ sinh hoạt cộng đồng, trong đó có 05/16 xã đảm bảo tiêu chí 100% bản có nhà văn hóa (Mường So, Ma Li Pho, Khổng Lào, Huổi Luông, Lản Nhì Thàng).
Huyện Phong Thổ đã tích cực cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, áp dụng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Tính đến hết năm 2023, có 08 sản phẩm của 04 chủ thể tham gia đạt OCOP 3 sao. Lũy kế đến hết năm 2023, huyện có 23 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lai Châu năm 2022. Mục tiêu năm 2024 huyện tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá các sản phẩm nông nghiệp thông qua các hội chợ, lễ hội, đưa 100% sản phẩn OCOP lên sàn thương mại điện tử....
Ông Lý A Sài – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Dền Thàng, xã Nậm Xe chia sẻ: Thực hiện xây dựng NTM của huyện, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền vận động đảng viên, nhân dân hăng hái tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn đem lại thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân từ 100-150 triệu đồng/ha.
Đường giao thông tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ được bê tông hóa. |
Nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cho đến nay huyện Phong Thổ đã có 04/16 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (Đạt chuẩn theo Quyết định 935/QĐ-UBND, ngày 28/8/2017 của UBND tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020) chiếm 25%; 12 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Hoang Thèn, Bản Lang, Lản Nhì Thàng, Nậm Xe, Sin Suối Hồ, Mù Sang, Dào San, Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Mồ Sì San). Số xã đạt 19 tiêu chí là 04 xã, số xã đạt 10-14 tiêu chí là 4 xã, số xã dưới 10 tiêu chí là 8 xã. Bình quân đạt 11,63 tiêu chí/xã.
Công tác phát triển sản xuất, tạo việc làm mới nâng cao thu nhập gắn với xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh. Kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện. Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành từng bước đầu tư có hiệu quả.
Để triển khai thực hiện tốt Chỉ tiêu năm 2024, huyện Phong Thổ tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch. Duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí tại các xã, bản dự kiến đạt chuẩn. Phát triển và nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP của huyện, qua đó, thu hút kêu gọi doanh nghiệp, HTX vào đầu tư vào địa bàn. Đồng thời, tăng cường thực hiện mở rộng truy suất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, huy động mọi nguồn lực để đầu tư.
Ông Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2023 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động với các cơ quan tham mưu UBND huyện xây dựng Kế hoạch, tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị phụ trách tiêu chí. Đồng thời tổ chức kiểm tra, theo dõi, rà soát để triển khai thực hiện, chính vì vậy trong năm qua huyện đã đạt được một số kết quả nhất định. Năm nay, Phong Thổ sẽ phát huy các điều kiện cơ sở vật chất của C hương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để phát triển du lịch cộng đồng. Đây chính là hướng đi lâu dài trong tương lai cho ngành Công nghiệp "không khói" của địa phương.
Mục tiêu của huyện là thu hút nhiều hơn lượng khách du lịch đến tham quan từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bởi nơi đây được biết đến với các di tích cấp quốc gia Di chỉ khảo cổ Nậm Tun, đền thờ Nàng Han, hang kháng chiến Nà Củng, lễ hội Then Kin Pang hay Sin Suối Hồ… Định hướng trong tương lai, huyện Phong Thổ tiếp tục phát triển du lịch tại các điểm đang khai thác và một số điểm mới được đầu tư như Đường đá cổ PaVi, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, suối nước nóng Vàng Bó...
Phượng Nguyễn
Theo