Thứ ba 24/12/2024 10:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Nghệ An: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

12:37 | 07/11/2024

(Xây dựng) – UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Trong đó, phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nghệ An: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới
Nghệ An đang xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Tại Văn bản số 9600/UBND-VX ngày 31/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long giao Sở Du lịch chủ trì, các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL. Mục tiêu của đề án là thống nhất nhận thức, quan điểm và cơ bản định vị được thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào xây dựng kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Cùng với đó, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn liền với hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Hình thành đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền; hình thành cơ chế phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Có ít nhất 30% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 20% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất 10% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 1 người có khả năng giao tiếp được một ngoại ngữ...

Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 10% làng nghề truyền thống mỗi huyện nông thôn mới có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Phấn đấu 20% điểm du lịch cộng đồng được công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng tại Việt Nam được giới thiệu, quảng bá; 10% điểm du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tiến tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc...

Đề án đưa ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu gồm có: Giải pháp tăng cường lồng ghép chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; giải pháp về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; giải pháp về thị trường, xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm; giải pháp về quy hoạch, khuyến khích đầu tư; giải pháp về bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa; giải pháp về quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường...

Quang Hợp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load