(Xây dựng) – Với sự đồng thuận cao về “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, huyện Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu văn minh đô thị, góp phần hoàn thành các tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận.
Trong những năm qua, huyện Hoài Đức đã từng bước hoàn thiện hạ tầng khung, làm cơ sở để tăng trưởng kinh tế bền vững. |
Nỗ lực hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao
Huyện Hoài Đức được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2017. Kể từ thời điểm đó, huyện tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” xây dựng huyện NTM nâng cao, gắn với hoàn thành các tiêu chí huyện thành quận. Bên cạnh đó, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV và sự quyết liệt từ phía chính quyền huyện Hoài Đức, đến nay, huyện Hoài Đức có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; chỉ tiêu phấn đấu trong thời gian tới sẽ có 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chính quyền huyện Hoài Đức đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch bao gồm nhiều kinh tế, du lịch thương mại tạo tiền đề hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận.
Tính đến hết năm 2023, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện là 16 xã, hoàn thành vượt tiến độ 4 xã so với mục tiêu và đạt 88,89% chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2024, huyện dự kiến sẽ có thêm 03 xã (Dương Liễu, Vân Côn, Song Phương) hoàn thành đạt chuẩn NTM nâng cao, hoàn thành 100% các xã đạt chuẩn NTM và đạt kết quả sớm trước 01 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Về NTM kiểu mẫu, trong năm 2024 huyện sẽ phấn đấu có thêm 4 xã (Sơn Đồng, Kim Chung, Đức Thượng, An Khánh) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 07 xã (đạt 70%). Bên cạnh đó, huyện dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu theo chương trình đề ra trong năm 2025 với 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trong những năm qua, huyện Hoài Đức đã từng bước hoàn thiện hạ tầng khung, làm cơ sở để tăng trưởng kinh tế bền vững. Cụ thể, tính tới thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có 9 cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật để đem lại sản lượng lớn, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 12 làng nghề, trong đó 09 làng nghề đã được UBND huyện phê duyệt phương án Bảo vệ môi trường làng nghề. Để tạo ra nguồn lực bền vững trong xây dựng NTM, huyện chú trọng đầu tư, giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống, qua đó vừa tạo ra thu nhập cho người dân, vừa phát triển kinh tế vùng. Các làng nghề hiện chiếm gần 40% tổn giá trị ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện với gần 400 doanh nghiệp và hơn 7.900 hộ sản xuất, kinh doanh, giải quyết bài toán việc làm cho khoảng 44.000 lao động trong và ngoài địa phương.
Tại báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 95 triệu đồng/người/năm trở lên. Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 78,34 triệu đồng/người/năm; đạt 82% mục tiêu Chương trình. Dự kiến đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người sẽ nâng lên đạt 85 triệu đồng/người/ năm.
Các sản phẩm OCOP đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện. |
Ông Khuất Trọng Kiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức chia sẻ: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất vừa và nhỏ, nhằm phát huy giá trị truyền thống của các địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Tính tới cuối năm 2023, huyện Hoài Đức đã có 144 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên. Trong năm 2024, huyện dự kiến sẽ xây dựng ít nhất 01 trung tâm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch.
Đến nay, huyện đã có 05 điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại các xã Cát Quế, xã An Khánh, xã Di Trạch, xã Vân Canh và và sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng vùa được công nhận tại Quyết định số 717/QĐ-SCT ngày 28/12/2023 của Sở Công Thương Hà Nội. Đây được coi là một khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân xã An Khánh phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, hạ tầng nông thôn mới được đồng bộ, nhiều khu công viên cây xanh, vườn hoa tại các địa điểm công cộng, trường học cũng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao diện mạo nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp… Đời sống được chăm lo giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều hộ dân đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kinh doanh, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để bán hàng qua trang thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội như: Facebook, TikTok... đem lại hiệu quả kinh tế cao..
Tạo lực đẩy phát triển đô thị
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM được coi là bản lề, đòn bẩy để Hoài Đức phát triển đô thị và trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, huyện Hoài Đức được chia làm 3 khu vực chính: Vùng ngoài đê sông Đáy, vùng từ đê sông Đáy đến đường Vành đai 4, vùng phía Đông đường Vành đai 4. Trong đó, vùng phía Đông đường Vành đai 4 được quy hoạch là đô thị trung tâm với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuộc các quy hoạch phân khu đô thị S2, S3, S4 và GS. Trên địa bàn huyện có một số đường giao thông lớn chạy qua, như: Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, tuyến đường Vành đai 3,5, Vành đai 4, tỉnh lộ 422, 422B, 423 và tuyến đê Tả Đáy với chiều dài hơn 19km. Đây là các tuyến đường giao thông quan trọng, giúp kết nối với các quận nội thành, các huyện và các tỉnh trong cả nước, là điều kiện thuận lợi giúp huyện phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn. Tại 19 xã của huyện có 774,51km đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng đã được bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng yêu cầu của tiêu chí giao thông. Huyện đang triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức quy mô 500 giường, đáp ứng tiêu chí quận.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Trong thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ tập trung tạo nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với hoàn thành các tiêu chí xã thành phường và hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao gắn với hoàn thành các tiêu chí quận với hạ tầng ngày càng đồng bộ, môi trường sinh thái, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.
“Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng; trọng tâm là đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa trung tâm, sân tập thể thao, khu vui chơi vườn hoa cây xanh, hệ thống thủy lợi, hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp, hạ tầng thoát nước thải sinh hoạt, các trạm xử lý nước thải,... đồng bộ với tiến độ hoàn thành các tiêu chí quận theo quy định. Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đối với các xã được giao hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024 tập trung thực hiện các tiêu chí đảm bảo đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí” – ông Nguyễn Hoàng Trường chia sẻ thêm.
Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn liền với hoàn thiện các tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận là việc làm “hợp với ý Đảng lòng dân”, là nguyện vọng chính đáng của các cấp Đảng bộ, chính quyền và dân nhân huyện Hoài Đức. Với những thành tựu to lớn đã đạt được trong phong trào xây dựng NTM là nền tảng vững chắc góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Hoài Đức ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại; sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận.
Khánh Hòa – Hưng Thịnh
Theo