Đọc “tít” bài này hẳn sẽ có người thắc mắc rằng, làm lãnh đạo phải có tâm, có tài, có kiến thức… chứ nếu “biết bơi” thì phỏng có ích gì cho công việc. Chả lẽ bắt lãnh đạo đi thi… “bơi” với người lao động à.
Ấy vậy mà trong buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã phê phán cung cách làm việc, chỉ đạo theo kiểu “chỉ tay năm ngón”… Và lãnh đạo không biết “nhảy xuống nước bơi cùng doanh nghiệp”. Bộ trưởng cho rằng, lâu nay lãnh đạo không ít các cơ quan quản lý Nhà nước của ngành giao thông vận tải chỉ “đứng trên bờ” không chịu nhảy xuống nước. Nay phải thay đổi cách nghĩ, cách làm; phải “nhảy xuống bơi” cùng doanh nghiệp mới biết nước lạnh hay không, sóng to hay nhỏ… Hay nói một cách cụ thể thì phải xuống với doanh nghiệp, lao vào công việc với họ thì mới hiểu được doanh nghiệp cần gì, làm thế nào để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Hay quá!
Đúng là Bộ trưởng Đinh La Thăng đã dám nói lên một điều mà bấy lâu nay ai cũng biết, ai cũng ngờ ngợ nhận thấy và có lẽ ai cũng bức xúc trước cách làm việc quan liêu, trước tác phong sống xa dân, coi dân là “thớt”, chứ không phải coi dân là gốc của không ít quan chức từ cấp thấp đến cấp cao.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thị sát việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A từ Hà Tĩnh đến Huế
Khổ một nỗi là biết cả đấy, nhưng lại không dám nói thật, hoặc là nói theo kiểu ve vuốt chung chung “tuy nhiên còn có một số…”. Người ta không dám chỉ mặt, đặt tên những quan chức năng lực yếu kém, vô trách nhiệm, vô cảm và cả vô đạo đức. Chính việc không dám nói thẳng, nói thật đó đã khiến người ta cho rằng, “ông ấy nói ai, chứ có phải mình đâu”.
Đúng là nếu lãnh đạo không biết “bơi” cùng doanh nghiệp thì làm sao biết được nước có lạnh hay không, dưới đó “nông sâu” thế nào? Và doanh nghiệp đang “bơi” kiểu gì? Liệu có tới được bờ hay chết đuối giữa chừng?
Nghe Bộ trưởng Đinh La Thăng nói, lại nhớ, từ xưa đã có câu châm ngôn phê phán những người vô cảm: “Thọc gậy xuống nước chẳng giá” - nghĩa là không thò chân, thò tay xuống nước, mà thò… gậy thì làm sao biết nước có buốt giá hay không?
Và không chỉ phê phán những lãnh đạo “không dám bơi”, Bộ trưởng Đinh La Thăng còn phê phán thái độ vô cảm của một vài lãnh đạo trước những bức xúc của hành khách đi máy bay.
Rất thẳng thắn, Bộ trưởng chỉ ra, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải, sau đó đến Tổng Công ty Cảng, Tổng Công ty Quản lý bay phải chịu trách nhiệm chính, rồi mới đến các hãng hàng không. Tất cả các đơn vị đều chưa nhận thức đầy đủ vấn đề, không coi đó là lỗi của mình, chưa vì lợi ích khách hàng, lợi ích của người dân.
Nguyên nhân thì cũng không phải khó khăn lắm mới thấy mà chính là từ lợi nhuận của mình, các hãng đã “nảy nòi” ra “ngón võ” là dồn chuyến, từ đây mới sinh ra chậm chuyến, hủy chuyến… Bộ trưởng ví rất cụ thể là giống như ôtô chạy lòng vòng đón khách. Bấy lâu nay, hãng vận tải nào cũng nói xoen xoét: “Khách hàng là thượng đế”. Nhưng họ lại rất thờ ơ với “thượng đế”; để “thượng đế” cơ nhỡ nằm chờ la liệt, rồi phải bấm bụng mua bát mì với giá cắt cổ để lót lòng chờ đợi phút được lên Giời?
Bên cạnh đó, cũng có những biểu hiện như các hãng hàng không phối hợp với nhau chưa tốt, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh, không hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Rồi tiếp theo đó, Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không đã có nhiều biện pháp rất kiên quyết, tích cực để khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến… Hy vọng rằng, sẽ rất sớm, chúng ta thấy được một phong cách phục vụ mới của các hãng hàng không.
Cũng phải nói thêm rằng, nếu ai tinh ý một chút sẽ nhận thấy gần đây, tại các sân bay, nhân viên từ quầy làm thủ tục, đến nhân viên an ninh, rồi tiếp viên trên các chuyến bay đã có nhiều nụ cười hơn và đặc biệt là thường xuyên “cảm ơn” hành khách.
Đây thực sự là những chuyển biến đáng mừng. Và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, sẽ có nhiều ngành dịch vụ công cộng khác sẽ theo gương ngành hàng không… Và chỉ có như vậy chúng ta mới xây dựng được cách phục vụ văn minh, tôn trọng khách… Chứ cái tác phong phục vụ theo kiểu cửa quyền, ban phát - được tồn tại từ thời bao cấp ở phía bắc - vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ tới cách suy nghĩ và hành xử của nhiều thế hệ người Việt.
Chúng ta cũng hoàn toàn có quyền tin rằng, sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải “biết bơi cùng doanh nghiêp” thì sẽ chấm dứt được sự vô cảm, sự bàng quan, thờ ơ của những người có trách nhiệm đối với công việc, đối với dân.
Có thể khẳng định, hiện nay chúng ta vẫn còn quá nhiều những quan chức “không biết bơi”, “không dám bơi” cùng doanh nghiệp, không “chịu cái giá buốt của người dân”, chính vì vậy mới xảy ra đủ thứ rắc rối cho xã hội. Từ chuyện khiếu kiện kéo dài, chuyện đè nén, áp bức dân; rồi việc ra các quy định giời ơi đất hỡi, không có tính khả thi, hoặc trái luật… Tất cả những nỗi khổ mà người dân phải gánh chịu bấy lâu nay và cả những khó khăn của doanh nghiệp phần lớn là từ sự vô cảm, yếu kém của những người có trách nhiệm.
Gần đây, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, có một số Bộ trưởng đã không chỉ đạo theo kiểu “thọc gậy xuống nước chẳng giá”, mà đồng hành cùng cơ sở, chịu khó xuống đơn vị, địa phương, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, của đơn vị thuộc quyền mình phụ trách, từ đó đề ra được những biện pháp hợp lý, đổi mới để khắc phục những nhược điểm.
Người dân rất “yêu” và rất thích hình ảnh một ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đội mũ cối, đến từng cung đường bị hư hỏng, đến từng toa tàu bị “bốc mùi”… Và có những việc làm, những lời nói sòng phẳng, mạnh mẽ, không tránh né và rất mang phong cách của “tư lệnh”.
Ở một lĩnh vực khác mà đang từng ngày, từng giờ được dư luận quan tâm, “soi xét”, đó là ngành y tế. Ai cũng có thể chỉ dẫn ra vô vàn những điều bất hợp lý, những sự phức tạp và cả những tiêu cực về y đức của một số bác sĩ, nhân viên y tế. Và cũng đã có thời kỳ búa rìu dư luận không ngớt bổ lên vai bà Bộ trưởng.
Nhưng bây người dân cũng bắt đầu thông cảm và thương bà Bộ trưởng Bộ Y tế hơn, khi thấy bà luôn có mặt ở những “bệnh viện nóng” và đã có nhiều biện pháp quyết liệt để giúp người bệnh đỡ khó khăn, đau khổ… Và quan trọng là người dân thấy bà đang có những việc làm, có những hành động thể hiện mình là “tư lệnh”.
Có một tâm lý thế này, khi xảy ra những sự việc, sự cố ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân thì ai cũng mong là người lãnh đạo cao nhất của đơn vị đó, ngành đó có mặt… Sự có mặt của người lãnh đạo không chỉ thể hiện trách nhiệm, mà còn có thể đưa ra những quyết sách kịp thời, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà người dân đang phải gánh chịu.
Cho nên, nói giời nói bể gì thì cũng không bằng: “Tôi đã có mặt ở đây…”. Và cũng rất mong các “tư lệnh” không chỉ tự mình lao xuống nước “bơi” cùng doanh nghiệp, “bơi” cùng dân, mà còn phải biết ném các cán bộ dưới quyền mình, hoặc là đi học bơi, hoặc là để cho họ chết chìm luôn… Chứ đừng nên để cái thứ cán bộ chỉ biết ngồi trên bờ thò gậy xuống nước khua khoắng!
Theo PetroTimes
Theo