Thứ ba 07/01/2025 17:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản

23:34 | 27/05/2016

(Xây dựng) - Mặc dầu ngành khoáng sản có những đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, nhưng hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.

Một số thí dụ điển hình minh chứng cho ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản được nêu dưới đây.

Vấn đề ô nhiễm môi trường của ngành than

Vấn đề bức xúc nhất về góc độ bảo vệ môi trường là đất đá thải. Để sản xuất 1 tấn than, cần bóc đi từ 8 - 10 m3 đất phủ, thải từ 1 - 3 mét khối nước thải mỏ. Chỉ tính riêng năm 2006, các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt nam đã thải vào môi trường tới 182,6 triệu mét khối đất đá, khoảng 70 triệu mét khối nước thải mỏ, dẫn đến một số vùng của tỉnh Quảng Ninh bị ô nhiễm đến mức báo động như Mạo Khê, Uông Bí, Cẩm Phả...


Ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác than (ảnh minh họa)

Đất đá thải loại trong khai thác khoáng sản cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm môi trường không khí do nhiễm bụi ở các khu dân cư ở trong vùng khai thác. Trên các mỏ than thường có mặt với hàm lượng cao các nguyên tố Sc, Ti, Mn... Các khoáng vật sulphua có trong than còn chứa Zn, Cd, Hg... làm cho bụi mỏ trở nên độc hại với sức khỏe con người.

Vấn đề ô nhiễm môi trường của mỏ kim loại

Với các mỏ kim loại, tác động rõ nét nhất là tàn phá mặt đất, ảnh hưởng lớn đến rừng và thảm thực vật và chất thải có khối lượng rất lớn, chứa nhiều thành phần độc hại, nhất là các mỏ kim loại màu (chì, titan, thiếc, đồng, cromit, wolfram, kẽm…) .

Thảm họa môi trường do khai thác titan ven biển

Theo Trung tâm tư vấn và công nghệ môi trường - Tổng cục Môi trường năm 2014, Bình Thuận có trữ lượng gần 600 triệu tấn titan, chiếm 92% trữ lượng cả nước, phân bổ trong tầng cát xám và cát đỏ trên diện tích 800 km vuông ven biển. Trên địa bàn tỉnh có đến 67 dự án khai thác titan ở đây, nhưng hiện mới chỉ có 3 dự án được cấp phép khai thác.

Mặc dù vậy, mức độ tàn phá môi trường đã vô cùng lớn. Do sa khoáng titan nằm sâu hàng chục mét, có nơi hàng trăm mét dưới mặt đất, nhưng các công ty khai thác chỉ có công cụ khai thác thô sơ, sau khi khai thác không hoàn thổ nên mặt đất bị cày nát, loang lổ hố. Những đồi cát xanh ngày nào trở thành vùng đất chết không cây, không con.

Các doanh nghiệp vì lợi nhuận, dùng nước biển lọc quặng thô nên về lâu dài vùng khai thác sẽ bị nhiễm mặn không thể trồng trọt. Khó khăn hơn cho người dân nơi đây là nguồn nước giếng bị ô nhiễm không thể sử dụng trong sinh hoạt. Trong báo cáo của tỉnh cũng ghi nhận, khu vực khai thác titan có tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, tổn thương sinh vật, ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, gây mất ổn định cuộc sống người dân xung quanh, nhất là các khu vực xã Hòa Thắng (Bắc Bình), xã Thuận Quý, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam)… Sâu xa hơn là sự biến mất của một vùng đồi vốn làm nơi chắn gió, bảo vệ hoa màu rất tốt cho nông dân. Ngoài ô nhiễm do hóa chất,  nhiễm mặn khai thác Titan còn gây ô nhiễm do phóng xạ.

Nguy cơ môi trường do khai thác, chế biến bauxit

Chưa bàn việc tác động rất xấu đến các hệ sinh thái tự nhiên, dân cư bản địa và hiệu quả thực sự về kinh tế, ô nhiễm môi trường do khai thác bauxit ở Tây Nguyên là vấn đề rất khó kiểm soát và có thể gây tác động nghiêm trọng đến nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam): muốn sản xuất 1 tấn alumina, phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng bauxite và thải ra đến 1,5 tấn bùn đỏ.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Bauxit Nhân Cơ, nước thải và bùn thải có khối lượng tới 11 triệu m3/năm. Bùn đỏ (Red Mud) là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bauxite thành alumina, gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, khá bền vững trong điện phong hoá như Hematit, Natrisilicoaluminate, Canxititanat, Monohydrate nhôm, Trihydrate nhôm và đặc biệt là chứa xút - một hoá chất độc hại dùng để chế biến alumina từ bauxit v.v..

Ở Tây Nguyên, nếu chế biến bauxit thành alumina, bắt buộc phải xây dựng các hồ chứa bùn đỏ tại chỗ. Chỉ riêng dự án Nhân Cơ, theo báo cáo ĐTM, dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới 8,7 triệu m3. Tương tự, dự án Tân Rai có lượng bùn đỏ thải ra môi trường khoảng 0,8 triệu m3/năm, tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên cả đời dự án Tân Rai 80-90 triệu m3. Nhưng tổng dung tích của hồ chứa của dự án chỉ có 20,25 triệu m3, số còn lại sẽ được chứa trong các hồ mới sau này sẽ xây dựng thêm ở đâu đó.

Đáy hồ theo thiết kế sẽ được lót một lớp đất sét và một lớp vải địa kỹ thuật, hồ được chia thành một số khoang và có xây dựng hệ thống hào ngăn nước mưa chảy vào hồ. Phần bùn khô lắng dần sẽ được phủ một lớp vải địa kỹ thuật chống thấm, rồi phủ một lớp đất dày 1m.

Có thể hy vọng rằng trong điều kiện bình thường hồ sẽ được bảo vệ và tu bổ tốt, đảm bảo an toàn trong suốt giai đoạn sản xuất. Tuy nhiên nguy cơ hồ chứa bùn đỏ bị xói lở, tràn bùn đỏ vào sông suối chung quanh và đổ về sông Đồng Nai - nguồn nước cấp cho sinh hoạt chủ yếu của trên 12 triệu dân là rất lớn, nhất là trong điều kiện mưa lũ bất thường do biến đổi khí hậu. Ngoài ra sau khi kết thúc dự án các hồ bùn đỏ được chôn vĩnh viễn trên cao nguyên sẽ tiếp tục phát sinh các vấn đề môi trường.

PGS.TS. Lê Trình (Viện Khoa học Môi trường và Phát triển)

Khánh Phương (Tổng hợp)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load