(Xây dựng) - Sau phản ánh của Báo điện tử Xây dựng về việc bãi đá cổ Karang có dấu hiệu bị khái thác đất, cát tràn lan và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đi kiểm tra, khảo sát thực trạng bãi đá và yêu cầu triển khai các giải pháp quản lý và bảo vệ bãi đá trên.
Toàn cảnh khu vực bãi đá Karang. |
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Văn bản kết luận của ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi đi khảo sát thực trạng của bãi đá Karang. Theo đó, Chủ tịch UBND đã yêu cầu các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai ngay các giải pháp quản lý và bảo vệ bãi đá.
Trong đó giao UBND huyện Ninh Phước chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản tại khu vực bãi đá, không để người dân san ủi lấn chiếm diện tích để sản xuất nông nghiệp và khai thác khoáng sản trái phép làm biến đổi hiện trạng, môi trường sinh thái tại khu vực bãi đá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Khẩn trương thực hiện đo đạc, kiểm kê chính xác và khoanh vùng bảo vệ, xác lập bản đồ ranh giới tổng thể diện tích của bãi đá để có biện pháp quản lý hiệu quả trong thời gian tới.
Trước mắt, khẩn trương thực hiện việc cắm mốc, quy định khu vực cần bảo vệ (nhất là vùng lõi và vùng có nguy cơ người dân xâm lấn) trong tháng 4/2021. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương trong khu vực cùng chung tay tham gia công tác bảo vệ, bảo tồn bãi đá vì lợi ích chung.
Giao Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Ninh Phước và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức khảo sát chi tiết, đánh giá sơ bộ về mặt địa chất, thành phần cấu tạo bãi đá, báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo triển khai các giải pháp tiếp theo.
Bãi đá Karang có cảnh quan còn hoang sơ, độc đáo. |
Đồng thời khẩn trương tham mưu trình UBND tỉnh trước ngày 16/4/2021 để xem xét báo cáo Thường trực tỉnh ủy và có văn bản đề nghị Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các Viện nghiên cứu về địa chất khảo sát, nghiên cứu triển khai đề tài khoa học về địa chất, khoáng sản nơi đây… để có cơ sở khoa học đánh giá, làm rõ giá trị của bãi đá về địa chất, quá trình hình thành, thành phần cấu tạo và niên đại của các khối đá làm cơ sở để tham mưu quy hoạch, sử dụng bãi đá đúng mục đích, ý nghĩa và phát huy giá trị.
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), UBND huyện Ninh Phước và các cơ quan liên quan căn cứ quy định của pháp luật về tiêu chí xếp hạng di tích và trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học về cảnh quan thiên nhiên của bãi đá gắn với truyền thống văn hóa của đồng bào Chăm trong khu vực, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tiếp theo để phát hu giá trị về văn hóa, du lịch của bãi đá trường hợp hội đủ điều kiện theo quy định.
Bãi đá cổ có tên Karang nằm tại khu vực thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước có diện tích khoảng 52.760m2, phân bố tại khu vực giáp ranh giữa xã Phước Hải và thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, có cảnh quan độc đáo và còn khá hoang sơ.
Duy Quan
Theo