Chủ nhật 05/05/2024 04:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những hướng đi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng

18:08 | 25/04/2024

(Xây dựng) – Xây dựng là một trong những ngành đóng vai trò xương sống của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành, các cơ sở đào tạo đã và đang đổi mới nội dung, phương pháp theo hướng hiện đại, áp dụng những công nghệ tiên tiến vào chương trình giảng dạy.

Những hướng đi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng
Nhân lực ngành Xây dựng cần nâng cao trình độ, tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Đào tạo nguồn nhân lực bám sát nhu cầu của xã hội

Trong thời gian qua, trước tốc độ phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa, ngành Xây dựng đã góp phần không nhỏ trong công cuộc thay đổi diện mạo đất nước và giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển các ngành kinh tế khác. Từ đó, nguồn nhân lực cho ngành cũng không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Theo dự đoán của các chuyên gia, nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động làm việc trong ngành Xây dựng vào năm 2030 có thể đạt khoảng 12 triệu - 13 triệu người. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động chuyên ngành vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030 đã xác định mục tiêu đưa nguồn nhân lực ngành Xây dựng trở thành lợi thế quan trọng để phát triển bền vững đất nước nói chung và phát triển ngành Xây dựng nói riêng. Để làm được như vậy, nhân lực ngành Xây dựng cần nâng cao trình độ, có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, đồng thời phù hợp chính sách phát triển của ngành Xây dựng và mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước thực tế trên, đòi hỏi các cơ sở đào tạo ngành Xây dựng cần có những hướng đi mới trong công tác bồi dưỡng, đào tạo, nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng.

Những hướng đi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng
TS.Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng).

Theo TS.Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng), những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng; sự quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên và người lao động; Học viện đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành, phối kết hợp với các hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tổ chức lớp tại Học viện, tại địa phương và doanh nghiệp theo yêu cầu của đối tác, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2021, Học viện đã tổ chức 174 lớp với 12.092 học viên. Năm 2022, tổ chức 265 lớp với 19.498 học viên. Năm 2023, tổ chức 247 lớp với 18.496 học viên.

Đáng chú ý, năm 2023, Học viện cũng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ công chức, viên chức từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 47 lớp với 4.583 học viên. Trong đó: Đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Xây dựng gồm 18 lớp, 2 hội thảo với 2.016 học viên. Hoàn thành 100% kế hoạch Bộ giao và tăng 25% so với năm 2022. Tập huấn từ các dự án sự nghiệp, Chương trình Mục tiêu quốc gia có 27 lớp với 2.567 học viên.

Ngoài các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn bằng nguồn ngân sách, Học viện tích cực tìm kiếm đối tác để triển khai các lớp ở địa phương và doanh nghiệp, kết quả tổ chức được 184 lớp với 13.102 học viên, gồm các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp phòng; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh Thẩm kế viên, kiến trúc sư; phối hợp với các địa phương như: Hà Nội, Quảng Nam, Hà Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Ngoài ra, thông qua các Dự án hợp tác quốc tế, Học viện tiếp nhận, xây dựng mới các chương trình phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế trong quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Năm 2023, thông qua các Dự án ODA đã xây dựng được 15 chương trình mới. Phối hợp với các chuyên gia quốc tế, Học viện đã triển khai thí điểm các chương trình tại 8 địa phương trong lĩnh vực phát triển đô thị.

Xác định rõ sứ mệnh, cũng như nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong những năm gần đây, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã phát triển thêm nhiều chương trình đào tạo, mở các chuyên ngành mới bám sát nhu cầu xã hội và đã thu được những kết quả đáng khích lệ trong tuyển sinh. Cụ thể, các chuyên ngành được mở mới gồm: Quản lý dự án xây dựng, thiết kế đô thị, quản lý bất động sản, công nghệ cơ điện công trình, kinh tế đầu tư, thiết kế nội thất… Các chương trình đào tạo được chủ động rà soát, phát triển theo chu kỳ 2 năm, đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đảm bảo đủ điều kiện về chất chất lượng để người học được cấp chứng chỉ hành nghề lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng do Bộ Xây dựng quản lý.

Theo PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, để nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua, mô hình thông tin công trình (BIM), hệ thống thông tin địa lý (GIS) trở thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn trong tất các các chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng với thời lượng phù hợp tính chất chuyên sâu của từng chuyên ngành. Công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) đã được đưa vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo công nghệ thông tin, công nghệ đa phương tiện và sẽ triển khai là môn học Tin học ứng dụng trong các chương trình đào tạo lĩnh vực kiến trúc - Xây dựng, nghệ thuật trong kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi số và chủ trương đầu tư các living lab, mô phỏng tại Viện Nghệ thuật thuộc Nhà trường.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng xác định hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khẳng định vị thế của Nhà trường trong khu vực và trên trường quốc tế. Chính vì vậy, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã ký kết hợp tác với các đối tác uy tín quốc tế cao từ Anh Quốc, Pháp, LB Nga, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…để liên kết đào tạo, triển khai các dự án nghiên cứu khoa học quốc tế.

Năm học 2023 - 2024 đã có 11 đoàn cán bộ, giảng viên đi học tập và tham gia các chương trình hợp tác quốc tế. Ở chiều ngược lại có 40 đoàn giảng viên, chuyên gia các tổ chức giáo dục quốc tế từ Úc, Pháp, Anh Quốc, Hà Lan… đến trường làm việc và trao đổi với đội ngũ giảng viên Nhà trường những kinh nghiệm, kiến thức học thuật và giảng dạy tại trường. Số lượng sinh viên đi học nước ngoài và tham gia các chương trình trao đổi trong những năm qua đã tăng rõ rệt.

Muốn trò giỏi thì phải có thầy hay

Những hướng đi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Chulalongkorn Thái Lan.

PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng khẳng định: Đội ngũ giảng viên là một yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho ngành, cho xã hội. Nhà trường đã đầu tư, khuyến khích giảng viên cơ hữu học tập nâng cao trình độ, tham gia các khóa học cập nhật công nghệ mới. Riêng trong năm 2023, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có 3 giảng viên đạt tiêu chuẩn, được bổ nhiệm học hàm Phó giáo sư, 13 giảng viên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà trường còn có chính sách mời giảng viên trình độ cao trong và ngoài nước, các nghệ nhân có kinh nghiệm tham gia thỉnh giảng và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.

Theo TS.Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng), thời gian qua, đội ngũ giảng viên của Học viện đã có nhiều cố gắng, luôn cập nhật kiến thức thực tiễn và những đổi mới trong cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng bài giảng, vì vậy đã tăng cường được tính thời sự và sự hấp dẫn trong các khóa đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu của Học viện. Đảng ủy và lãnh đạo Học viện luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tích lũy kiến thức thực tế, với phương châm động viên cả về vật chất và tinh thần để khai thác năng lực giảng dạy của các giảng viên lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, khuyến khích tinh thần học tập, nâng cao trình độ của các giảng viên trẻ, coi đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Học viện.

Những hướng đi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng
Khai giảng lớp Bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương K10 năm 2023 của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị.

Bên cạnh đó, hiện nay, Học viện còn có hàng trăm cán bộ giảng dạy kiêm chức, là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên của các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, Hội nghề nghiệp, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Xây dựng và các Bộ ngành khác có liên quan. Đây là những giảng viên có trình độ chuyên môn cao, kiến thức sâu rộng, có nhiều kinh nghiệm, tham gia giảng dạy với tinh thần nhiệt tình và trách nhiệm cao.

Các giảng viên của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã xây dựng được nhiều chương trình mới đáp ứng nhu cầu thời đại và công tác chuyển đổi số của ngành Xây dựng, ví dụ: Chương trình chuyển đổi số trong quản lý dự án xây dựng, công tác quy hoạch – kiến trúc dành cho cán bộ quản lý xây dựng và phát triển đô thị, công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản, chương trình bồi dưỡng về mô hình thông tin công trình (BIM), chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, GIS…

“Trước yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng nhằm giải quyết một số tình trạng còn tồn tại về kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ nhân lực ngành Xây dựng. Học viện sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ Xây dựng giao; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước” – TS.Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh.

Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load