Thứ năm 02/01/2025 23:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Nhà máy đầu tư “nhầm” công nghệ

09:08 | 21/09/2015

(Xây dựng) - Hôm khánh thành nhà máy, cờ rong trống mở, hoa tươi rợp trời, quan khách đến rất đông, xe pháo đỗ chật ngõ. Một thập kỷ sản xuất, phú quí giật lùi, nay nhà máy đóng cửa, cỏ mọc đầy sân. Đó là nhà máy ván sợi ép MDF, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ  (Quảng Ninh).


Nhà máy bề thế, ở vị trí đắc địa

Cơ xưởng ở vị trí đắc địa, đất xây dựng bằng phẳng rộng 3,9ha, lưng tựa dẫy núi Khu Tám, chân đạp thủy suối Váo, tả hữu 2 hồ nước trong xanh, mỗi hồ rộng 0,5ha. Nhà máy xây dựng vào năm 2000, giá trị đầu tư thời điểm ấy là 22 tỷ đồng, chính thức đưa vào sản xuất năm 2006. Sản phẩm là ván sợi ép, độ dày trung bình 15mm, sản lượng 5.000m3/năm.

Cơ sở sản xuất ván gỗ này ở giữa vùng nguyên liệu dồi dào. Diện tích rừng của Hoành Bồ bằng diện tích đồng ruộng của cả tỉnh Thái Bình. Giao thông vận tải lại thuận lợi. Thời hưng thịnh, nhà máy có trên 40 công nhân, làm việc 3 ca trong ngày, sản lượng năm 2008 đã đạt mức 1.800m2, sản phẩm ván mỏng ở mức nhỏ hơn 5mm. Giám đốc doanh nghiệp khi ấy được tôn vinh như “sóng cồn”. Nhiều đơn vị bạn đến thăm quan, học hỏi. Lãnh đạo các cấp thì gửi gắm lòng tin, nuôi dưỡng mô hình làm ăn mới...


10 năm sản xuất, phú quí giật lùi, nhà máy nay đã xuống cấp.


Công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra năng suất thấp, chất lượng kém, hàng tồn kho ứa đọng. Giám đốc Lại Văn Vịnh cho biết, nhà máy đầu tư công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm  kém, càng SX càng lỗ.


Máy móc nay thành đống sắt vụn, nên giá bán 23 tỷ 400 triệu không ai mua.


Nhà máy có 2 hồ chứa nước trong xanh, mỗi hồ rộng nửa ha

Tưởng nhà máy ngày một “ăn nên làm ra”, nào ngờ sản xuất kinh doanh ngày một đi xuống. Khi khánh thành, cờ rong trống mở, hoa tươi rợp trời, quan khách về dự rất đông, xe pháo đỗ kín ngõ. Qua một thập kỷ sản xuất kinh doanh, nay nhà máy đóng cửa, cỏ mọc kín sân. Lao động chỉ còn trơ lại 2 người, gồm: Ông Lại Văn Vịnh, Giám đốc, nay kiêm bảo vệ; và bà Nguyễn Thị Thu Hà - Kế toán trưởng, nay kiêm việc phát cây dọn cỏ. Khi chúng tôi đến, gặp bà Kế toán trưởng đang chăn đàn bò ở ngay sân nhà máy, nom thật cám cảnh.


Nhà máy còn 2 người, GĐ kiêm bảo vệ, Kế toán trưởng kiêm lao công.


Bà Kế toán trưởng chăm bò ngay sân nhà máy, nom cám cảnh

Theo nhiều ý kiến, nhà máy ván sợ ép MDF phú quí giật lùi, dẫn đến giải nghệ, là do chọn “nhầm” công nghệ. Dây chuyền sản xuất lạc hậu, không đồng bộ, thiết bị được trang bị từ năm 2000. Loay hoay lắp ráp, sản xuất thực nghiệm, máy chưa vận hành đã hỏng, mãi đến năm 2008 mới được bàn giao về kỹ thuật. 5 năm sau (2013) mới hoàn thiện thủ tục quyết toán đầu tư. Nhưng nghịch lý, trên bàn giấy quyết toán, thực tế dưới hiện trường nhà máy, sản phẩm làm ra chất lượng kém, giá thành cao, bán không ai mua. Càng làm càng lỗ, nhà máy phải đóng cửa. Hiện tổng nợ (cả gốc và lãi) là 23,4 tỷ đồng, bao gồm 15,1 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư ban đầu (6,8 tỷ đồng vay từ Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; gần 8,3 tỷ đồng vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Quảng Ninh) và gần 8,4 tỷ đồng tiền lãi của 2 khoản vay này (trên 4,4 tỷ đồng lãi từ Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh và gần 4 tỷ đồng tiền lãi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Quảng Ninh).


Nhà máy này lúc cao điểm nhất có 40 công nhân…


… nay cỏ mọc đầu sân.

Nhà máy ván ép MDF, thuộc Công ty TNHH một TV Lâm nghiệp Hoành Bồ (Quảng Ninh) chết yểu đã lâu, mà không “khai tử” được. Sổ sách hằng ngày vẫn cập nhật các món nợ đọng. Số nợ ngày một phình ra, lãi quá hạn với mức tính bằng 150% lãi trong hạn. Tài sản nhà máy ngày một nâng giá, theo lãi suất ngân hàng. Tỉnh Quảng Ninh đã toan bán nhà máy này để thanh toán nợ nần, trước khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Nhưng đất thì của nhà nước, bán mớ vật liệu xây dựng trên đất giá khởi điểm 23,4 tỷ đồng (tương ứng với khoản nợ), chẳng ai mua.

Nhà máy ván ép MDF vẫn tồn tại, ngày một xù thêm giá trị tài chính, vì cõng thêm nợ nần. Như cô gái danh giá mỹ miều, nhưng quá sá, chả ai rước. Rất có thể một ngày kia sẽ được gắn cho một “anh chàng” ngân hàng nào đó, rồi ngân sách nhà nước lại phải đóng vai bà đỡ cho nhà máy đầu tư “nhầm” công nghệ này.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load