Thứ ba 16/07/2024 18:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành Dệt may nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

11:35 | 12/07/2024

(Xây dựng) - Các chuyên gia cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, các doanh nghiệp ngành Dệt may cần ứng phó linh hoạt, bám sát thị trường, xây dựng phương án sản xuất và chuyển đổi để tìm kiếm đơn hàng để đạt mục tiêu đặt ra cho 2024 là xuất khẩu đạt 44 tỷ USD.

Ngành Dệt may nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD
Bức tranh dệt may năm 2024 có nhiều triển vọng tươi sáng.

Nỗ lực bứt phá trong 2024

Một số chuyên gia cũng cho rằng, mục tiêu mà ngành dệt may Việt Nam đặt ra là xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm nay là khá thách thức khi vẫn còn nhiều rủi ro trong chuỗi cung ứng. Chi phí vận tải cũng như các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng về xanh hóa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), chuyển đổi số… Theo đó, việc tìm kiếm bạn hàng mới, thị trường mới cũng như phát triển các nguồn nguyên phụ liệu mới cho các doanh nghiệp dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định về những cơ hội mới cho ngành dệt may trong năm 2024 và cho rằng, ngành dệt may trong nước còn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Đó là 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đang được thực thi, 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán và sớm có hiệu lực. “Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, VITAS đặt mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD”, ông Giang kỳ vọng.

Ngành Dệt may nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực hết mình để hoàn thành mục tiêu cho năm 2024.

Còn theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện nay tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang có dấu hiệu phục hồi. Điều này làm tăng khả năng cải thiện nhu cầu về hàng dệt may cao hơn năm 2023. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt Việt Nam nhận định, bức tranh dệt may năm 2024 có nhiều triển vọng tươi sáng hơn năm 2023, trong đó nổi bật là toàn bộ lao động trong tập đoàn vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023. Đây là điều rất vui mừng vì khi có thị trường, doanh nghiệp lập tức có lực lượng để sản xuất, giữ chân khách hàng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho hay, doanh nghiệp hiện có hơn 30 nhà thiết kế và khoảng 200 người làm trong khâu thiết kế sản phẩm mới… Cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế như công nghệ 3D, AI, ông Việt nhận định, tính hội nhập của các nhà thiết kế Việt Nam đã bắt kịp với trình độ thiết kế của thế giới.

May 10 vẫn tiếp tục phối kết hợp với các nhà thiết kế hàng đầu ở Ý, Pháp, Mỹ, Anh để giao thoa, hội nhập nhanh, sớm với các nhà thiết kế hàng đầu của thế giới để sản xuất các bộ sưu tập cho người Việt Nam nhưng chất lượng kiểu dáng mẫu mã ngang tầm với quốc tế.

Tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường

Nhận định về ngành dệt may nửa cuối năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, dự báo 6 tháng cuối năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn với ngành dệt may. Do nhu cầu hàng may mặc tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15 - 20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện. Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để ứng phó với những khó khăn, bất định của thị trường, theo lãnh đạo đơn vị này, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, các chính sách phúc lợi cho người lao động, cần tiếp tục hiện đại hóa mô hình quản trị, đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, xã hội và người lao động, minh bạch thông tin truy xuất chuỗi cung ứng.

Ngành Dệt may nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD
Các doanh nghiệp ngành dệt may có nhiều chiến lược để tăng đơn hàng xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực.

Liên quan tới hoạt động xuất khẩu thời gian tới, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước còn eo hẹp.

Hoàng Hồng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load