Thứ sáu 27/12/2024 08:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hà Nội hiện thực hoá tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ

12:04 | 06/11/2024

(Xây dựng) - Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, một yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Chính quyền thành phố đã thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025.

Hà Nội hiện thực hoá tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng tập trung vào các nhóm ngành nghề chất lượng cao như sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. (Ảnh minh hoạ)

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội mà còn tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng tập trung vào các nhóm ngành nghề chất lượng cao như sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử…

Cụ thể, Hà Nội hiện có gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điều này khẳng định vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.

Hà Nội hiện thực hoá tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước.

Thành phố đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với các tỉnh và thành phố lớn trên thế giới cũng được đẩy mạnh, nhằm học hỏi và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Định hướng phát triển đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và công nghiệp xanh. Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và thương mại, đồng thời phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước cũng được khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế thông qua các chương trình kết nối và hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài.

UBND Thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Kế hoạch số 301/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội đến năm 2025. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo chuỗi sản xuất cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trên cả nước.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhiều lần thẳng thắn chỉ ra thực trạng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5 - 20%; điện tử 5 - 10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo khoảng 15-20%.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn cần được cải thiện; doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu vốn, công nghệ và kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại. Đây sẽ là những vấn đề then chốt cần được giải quyết để các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trước thực tế đó, Hà Nội đã thể hiện cam kết trong việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Sở Công Thương đã chủ trì lập kế hoạch triển khai để tối ưu hóa các nguồn lực, hỗ trợ thị trường và kết nối doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) cũng đã phối hợp với Sở Công Thương để chia sẻ thông tin, động viên doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động, như hội chợ và triển lãm.

Những hỗ trợ này đã giúp tạo nên môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đã duy trì hoạt động sản xuất, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là điểm sáng thu hút đầu tư trong khu vực, bất chấp những thách thức chung từ nền kinh tế toàn cầu.

Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) cũng nỗ lực kết nối với các tổ chức kinh tế từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu để hình thành các tổ hợp sản xuất. Các doanh nghiệp tập trung hợp tác với doanh nghiệp FDI, giúp tạo ra những tổ hợp sản xuất hiệu quả. Đơn cử như Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip) đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, điển hình như Công ty TNHH Inventec Appliances (Đài Loan - Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 125 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý IV.2024.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… triển khai nhiều giải pháp thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Để đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội sẽ đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ triển khai mô hình nhà máy thông minh; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm.

Chỉ rõ những thách thức mà ngành công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội vẫn đang đối mặt, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm rằng họ đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, phân tích và cải thiện chính sách để doanh nghiệp nhận biết kịp thời ưu đãi; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới và hợp tác với các tổ chức nghiên cứu; xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường cũng là một khía cạnh không thể bỏ qua; doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn tài chính để phát triển.

Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội cho biết, sẽ kết nối đầu vào - đầu ra, gói vay tài chính ưu đãi từ Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hỗ trợ về đào tạo lao động kỹ thuật cao, xuất nhập khẩu máy móc cũ, ủy thác chất lượng sản xuất; giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Hoàng Hồng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load