Thứ tư 11/12/2024 10:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Nắn thẳng tuyến đường sắt qua đèo Khe Nét bằng hầm xuyên núi

21:55 | 19/03/2024

(Xây dựng) - Đoạn đường sắt Bắc - Nam qua đèo Khe Nét (Quảng Bình) sẽ được nắn thẳng bằng tuyến mới với 2 hầm xuyên núi, rút ngắn gần 2km. Nhà thầu thi công là liên danh Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả.

Cải tuyến bằng hầm xuyên núi và cầu vượt thung lũng

Đèo Khe Nét thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong 5 đèo cao nhất trên tuyến đường sắt quốc gia. Đèo Khe Nét nằm giữa tuyến Vinh (Nghệ An) và Đồng Hới (Quảng Bình), từ ga Vinh lên đến đỉnh đèo phải mất tới 200km. Tuyến đèo có địa hình phức tạp, hiểm trở với độ cao hơn 700m so với mực nước biển, độ dốc khoảng 17 phần nghìn (độ cao từ bình địa đến đỉnh 17m).

Đường sắt đoạn qua đèo Khe Nét đi qua 32 khúc cua hẹp phải dùng ray hộ bánh. Tàu khách qua đây chỉ chạy được 20 – 25km/h (tốc độ trung bình khoảng 76km/h), tàu hàng phải có thêm đầu máy đẩy mới qua được. Địa hình quanh co hiểm trở, tốc độ khai thác hạn chế khiến đèo Khe Nét trở thành một trong những nút thắt về khai thác trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Để khắc phục những tồn tại đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký Quyết định số 2215/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét với mục tiêu đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải trên đoạn tuyến từ Km412+700 đến Km422+490 (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).

Nắn thẳng tuyến đường sắt qua đèo Khe Nét bằng hầm xuyên núi
Bình đồ dự án.

Dự án được chia thành 2 gói thầu bao gồm các hạng mục nâng cấp, cải tạo 2,4km đường sắt; cải dịch tuyến mới 4,36km đường sắt; cải tạo, đặt thêm đường số 3 tại ga Đồng Chuối; cải tạo 2 cầu (với tổng chiều dài 117,61m); xây dựng mới 3 cầu (với tổng chiều dài 960,2 m), 2 hầm và hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ khác.

Đặc biệt, góp phần lớn trong việc “nắn thẳng” cung đường là 2 hầm xuyên núi tại lý trình Km415+860 và Km417+152 thay vì phải đi quanh co theo các sườn núi với độ cao và độ dốc lớn. Hai hạng mục hầm này được tách riêng thành gói thầu XL01 của dự án. Trong đó, hầm 1 có chiều dài 620m dự kiến được xây dựng trong 23 tháng, hầm 2 có chiều dài 393m dự kiến được xây dựng trong 13,5 tháng, khổ hầm 10m, được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.

Sau khi hoàn thành, đoạn tuyến đường sắt này rút ngắn 1,9km, nâng cao sự an toàn và khai thác vận tải. Việc thực hiện dự án có ý nghĩa to lớn đối với ngành đường sắt nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giải quyết được 1 trong 5 nút thắt chính và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngành đường sắt vào năm 2026.

Sự chuẩn bị nghiêm túc của nhà thầu

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc EDCF. Dự án được đấu thầu quốc tế rộng rãi nhằm tìm ra nhà thầu phù hợp và đủ năng lực, đặc biệt là cho hạng mục hầm xuyên núi với đặc thù riêng.

Theo kết quả đấu thầu, liên danh nhà thầu Hàn Quốc Ilsung và nhà thầu Việt Nam là Tập đoàn Đèo Cả đã vượt qua 2 liên danh khác để trúng gói thầu XL01 xây dựng 2 hầm với giá trị xây lắp 552 tỷ đồng. Đáng chú ý là thành viên liên danh Đèo Cả là một đơn vị có thế mạnh trong thi công xây dựng hầm xuyên núi.

Nắn thẳng tuyến đường sắt qua đèo Khe Nét bằng hầm xuyên núi
Ban Quản lý dự án đường sắt và liên danh Đèo Cả - Ilsung đã ký hợp đồng xây dựng 2 hầm đường sắt Khe Nét.

Ông Nguyễn Duy Sông - Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 cho biết, hiện nay nhà thầu đã hoàn thành khu nhà điều hành, huy động mở đường công vụ vào cửa Bắc hầm số 1, hoàn tất thoả thuận với địa phương để có mặt bằng thi công đường công vụ vào 3 cửa hầm còn lại, hoàn thành móng trạm trộn bê tông.

“Về yếu tố kỹ thuật, hầm Khe Nét cũng tương tự như các dự án hầm khác mà Đèo Cả đã thực hiện. Tuy nhiên, với khổ hầm nhỏ (chỉ 10m), mặc dù khối lượng đào ít nhưng không gian thi công hẹp hơn cũng là một thách thức cho nhà thầu”, ông Sông nói.

Đến nay, nhà thầu đã huy động 15 đầu máy móc thiết bị, 60 kỹ sư công nhân phục vụ công tác chuẩn bị thi công. Sau lễ khởi công dự kiến vào ngày 22/3 sắp tới, nhà thầu sẽ tiếp tục huy động lực lượng lớn nhân sự, thiết bị để chính thức triển khai xây dựng.

Nắn thẳng tuyến đường sắt qua đèo Khe Nét bằng hầm xuyên núi
Thiết kế 3D hầm Khe Nét.

Ông Nguyễn Hữu Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Đèo Cả đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực như tài chính, con người người, máy móc thiết bị, công nghệ… để sẵn sàng thực hiện các dự án có quy mô lớn, yếu tố kỹ thuật phức tạp… trong đó có Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét.

“Hầm Khe Nét không phải là dự án lớn so với các dự án mà Đèo Cả đã thực hiện. Tuy nhiên, đây là dự án đánh dấu mốc Đèo Cả tham gia xây dựng hạ tầng đường sắt. Việc trúng thầu dự án này là bước đi khá chắc chắn của Đèo Cả cho thị phần công trình đường sắt”, ông Hùng khẳng định.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, thời gian qua, công ty đã có nhiều hợp tác với các trường đại học, cao đẳng nghề, các đối tác quốc tế để tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuẩn bị cho sự tham gia các dự án đường sắt, metro.

Tháng 1/2024, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (trực thuộc trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt – metro. Các module đào tạo tại sẽ gắn liền giữa lý thuyết và thực tiễn thi công, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cho mục tiêu hoàn thành đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước mắt và định hướng lâu dài cho phát triển đường sắt - metro của đất nước trong tương lai.

Nắn thẳng tuyến đường sắt qua đèo Khe Nét bằng hầm xuyên núi

Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các trường như Học viện Công nghệ Singapore (IT), Trường Quản trị kinh doanh Hiroshima (Nhật Bản) nhằm chọn lọc “nhập khẩu” chương trình và chuyên gia đào tạo.

“Chúng tôi cũng hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… học tập công nghệ, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, củng cố năng lực tổ chức để đấu thầu”, ông Hùng nói.

Những bước đi khẩn trương và bài bản của Tập đoàn Đèo Cả cho thấy tinh thần quyết tâm, sẵn sàng nhập cuộc, không chỉ là để góp mặt, mà sẽ ghi dấu bằng chính những đóng góp cụ thể trong công cuộc phát triển hạ tầng giao thông đường sắt nước nhà.

Nguyễn Nga - Lê Cương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load