(Xây dựng) - Xã Lay Nưa là địa bàn duy nhất của thị xã Mường Lay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực, cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Một góc thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên (ảnh: Phượng Nguyễn). |
Nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng NTM
Xã Lay Nưa là một xã phía Nam của thị xã Mường Lay, nằm dọc theo hai tuyến đường giao thông chính là đường Tỉnh lộ 142 và đường Quốc lộ 12, với diện tích tự nhiên là 6.045,81ha, có 1.290 hộ và 5.496 nhân khẩu, được phân bổ thành 16 bản, trong đó có 03 bản vùng cao, chủ yếu là dân tộc (Thái, Mông và Kinh) sinh sống. Điều kiện phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ.
Ông Mai Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Lay Nưa cho biết, công tác xây dựng NTM trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thị ủy, HĐND thị xã, UBND thị xã và sự hướng dẫn của các phòng, ban chuyên môn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân; công tác triển khai lập quy hoạch, xây dựng đề án xã theo tiêu chí nông thôn mới được triển khai thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng như thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa, chợ nông thôn và xây dựng nhà ở dân cư… phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh khu vực nông thôn được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình và lồng ghép từ các nguồn lực khác đã góp phần hoàn thành nhiều tiêu chí xây dựng NTM. Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng được coi trọng, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiên và từng bước nâng cao.
Thực hiện dự án Tái định cư thủy điện Sơn La, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, trường, trạm, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng văn hóa... được đầu tư xây dựng đồng bộ. Các khu điểm dân cư được bố trí đúng theo quy hoạch là điều kiện thuận lợi lớn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã.
Nhiệm vụ tuyên truyền của xã là một trong những giải pháp quan trọng góp phần chỉ đạo thành công xây dựng NTM. Thông qua tuyên truyền đông đảo người dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”, phụ nữ thi đua thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”, nhiều công trình được nhân dân đóng góp công lao động, hiến đất và tài sản đất để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Phát triển kinh tế nông thôn của địa phương được dựa trên cơ sở xác định các sản phẩm có ưu thế vượt trội để phát triển hàng hóa, ngành nghề truyền thống cũng được xã quan tâm như: Sản phẩm bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp đã thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đảm bảo bền vững, thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được công nhận sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, công tác phát triển kinh tế của xã chủ yếu tập trung vào diện tích đất nông nghiệp gồm đất sản xuất lúa nước và đất nương rẫy. Xã đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống, nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, các mặt hàng gia công, chế biến nông - lâm sản. Tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho các ngành sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết lao động tại chỗ của địa phương.
Để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, xã tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, tỉnh để thúc đẩy sản xuất nâng cao thu nhập. Các ngành liên quan và địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xác định đây là tiêu chí quan trọng quyết định chất lượng và tính bền vững của Chương trình xây dựng NTM. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của người dân, khuyến khích người dân trong việc cải thiện đời sống và phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Vừ Thị Choa - người dân tại bản Hô Huổi Luông chia sẻ, trước đây đường giao thông lên các bản rất khó khăn, song được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đến nay các tuyến đường đã được bê tông hóa, rải nhựa đường asphalt, mở rộng đường, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều.
Tiếp tục duy trì các tiêu chí xã NTM nâng cao
Những năm qua, xây dựng NTM là chủ trương lớn và mang tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội, xã đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn thị xã triển khai, thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí. Năm 2017, xã Lay Nưa đã được UBND tỉnh Điện Biên công nhận xã đạt chuẩn NTM theo Quyết định số 520/QĐ-UBND ngày 26/6/2018 của UBND tỉnh Điện Biên.
Đến nay, xã đã đạt nông thôn mới nâng cao với 19/19 tiêu chí. Trong đó, về quy hoạch chung xây dựng NTM, xã Lay Nưa được phê duyệt và công bố công khai theo đúng quy định, quy hoạch thực hiện cho giai đoạn từ năm 2012 - 2020. Thị xã Mường Lay đã có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu tái định cư trên địa bàn thị xã, bao gồm cả quy hoạch chi tiết xã Lay Nưa. Đã có 5/16 quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng phát triển đô thị. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn, trên địa bàn có 1050/1.290 hộ đạt 81,39% vượt 1,39% so với quy định.
Bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp được công nhận sản phẩm OCOP tại Bản Bắc II, xã Lay Nưa, thị xã Mường La. |
Xác định tiêu chí hạ tầng giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Các tuyến đường giao thông luôn được xã bảo trì hàng năm đảm bảo sáng - xanh - sạch đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn đường, chiếu sang, gờ giảm tốc, cây xanh…). 100% các đường thôn, bản và đường liên thôn - bản được cứng hóa và bảo trì hàng năm đều đạt quy định, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa, trong đó cứng hóa 5,47/5,47km, đạt 100% đạt theo quy định.
Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới nâng cao. Chợ Lay Nưa đã đáp ứng các yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm đã được quy định tại TCVN 11856:2017 bao gồm: Yêu cầu về vị trí, địa điểm, bố trí, thiết kế, hệ thống chiếu sáng, nước sử dụng trong chợ và hệ thống thoát nước...
Ngoài ra, năm 2022 xã đã triển khai đầu tư làm mới 03 đường điện ở 03 bản vùng cao với tổng kinh phí là 14.902 triệu đồng. Duy trì và nâng cao tiêu chí, đánh giá 100% hộ sử dụng điện an toàn. Toàn xã đã đạt tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn xã là 1050/1.290 hộ đạt 81,39%, vượt 1,39% so với quy định. Số hộ nghèo của xã 158 hộ/1.290 hộ dân cư, chiếm tỷ lệ 12,25%; số hộ cận nghèo 36 hộ/1.290 hộ dân cư, chiếm tỷ lệ 2,79%. Tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 13,05%.
Ông Trần Thanh Mai, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay chia sẻ, thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản kiểu mẫu. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Phượng Nguyễn
Theo