(Xây dựng) - Hà Nội nhuộm sắc thu có chút se mát nhẹ nhàng, những tia nắng vàng như rót mật phản chiếu làm rạng rỡ thêm những công trình Pháp cổ giữa lòng Thủ đô.
Mùa Thu - Hà Nội phố… |
Một sáng đầu thu, bầu trời trở nên thoáng đãng và trong trẻo hơn sau cơn mưa rào ban đêm. Thu Hà Nội có cái gì đó rất riêng khiến ai cũng cảm nhận được cái khoảnh khắc giao mùa rõ rệt ấy. Ranh giới thời gian bỗng chốc xoá nhoà, một Hà Nội lung linh, rực rỡ trong mọi khoảnh khắc, dưới mọi góc nhìn.
Ngôi nhà cổ số 86 Hàng Bạc |
Giống như bao vị khách từ phương xa, tôi tản bộ giữa những lối quanh co trong lòng phố cổ, ngắm nhìn và chiêm nghiệm vẻ đẹp mộc mạc của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Có một điều đặc biệt và rất dễ nhận ra ở Hà Nội là những giá trị mộc mạc, xa xưa theo dòng chảy của thời gian vẫn còn nguyên vẹn và in hằn lên các công trình Pháp cổ với mảng tường vàng thấp thoáng sau tán lá cây. Những ngôi nhà mang nét rêu phong lặng lẽ nằm ở từng ngõ ngách nhỏ, cái nắng Thu vương qua như bừng sáng, khơi lại một vẻ đẹp mà ta vô tình xếp ở quá khứ.
Chính bởi chút dư vị được chắt lọc, còn lắng lại của những kiến trúc cổ đã trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô, khiến bao du khách nao lòng. Tôi dừng chân tại số 8 phố Chân Cầm, bị cuốn hút trước vẻ đẹp kín đáo, diễm lệ và có cái gì đó rất riêng của căn biệt thự cổ thời Pháp thuộc tọa lạc nơi đây. Những đường nét kiến trúc khá hài hòa với không gian chung quanh. Ngôi biệt thự gần 100 năm tuổi tuy đã nhuộm màu năm tháng với những mảng tường phủ lớp rêu phong, những khung cửa gỗ xanh đã sờn nhạt nhưng lại vô tình trở thành một không gian yên bình với lối kiến trúc Pháp, mang nét hoài niệm, cổ xưa.
Từng đường nét, hoạ tiết chạm trổ hay những góc cạnh của ngôi nhà khiến tôi bất giác thấy chút gì đó mang màu sắc không chỉ đơn thuần là cổ kính mà hơn thế vẫn pha được sự tinh tế hiện đại trong đó. Một nét khá “điệu” trong căn biệt thự là những dây hoa hồng được vẽ trên trần nhà. Đó là chi tiết nguyên bản được vẽ từ khi xây dựng. Hai cây cột chịu lực cũng được đắp hoa lá khá cầu kỳ và tinh xảo. Những viên gạch đã bị mưa nắng bào mòn, chiếc cầu thang sắt đã gỉ, những mảng tường bong tróc, những viên ngói xô lệnh và một vài chỗ cơi nới chắp vá... cho thấy ngôi biệt thự đã phải gồng mình để đứng vững trước bao biến cố của lịch sử và thời gian.
Tất cả những công trình kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội đều sở hữu chính là lớp sơn màu vàng được chọn để làm lớp sơn tường bao phủ xung quanh. |
Ngồi nhâm nhi li cà phê trong quán cà phê có tên “Loading T cafe” - nằm ở vị trí chính giữa của căn biệt thự, tôi được anh chủ quán cũng là một người am hiểu nghệ thuật kiến trúc và hoài cổ kể cho nghe về lai lịch ngôi biệt thự. Được xây từ năm 1930 theo lối kiến trúc Đông Dương, ngôi biệt thự có diện tích 345m2 gồm 1 tầng trệt và 2 lầu. Trước đây, chủ sở hữu của ngôi biệt thự này là một vị luật sư có tiếng thời Pháp thuộc nhưng sau Cách mạng tháng Tám 1945, ngôi nhà được chia nhỏ cho hơn 10 hộ gia đình cùng ở.
Nắng Thu chiếu rọi qua từng ô cửa sổ, len lỏi vào trong ngôi nhà khiến mọi thứ trở nên sống động hơn. Điều đặc biệt mà không chỉ ngôi biệt thự này có mà tất cả những công trình kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội đều sở hữu chính là lớp sơn màu vàng được chọn để làm lớp sơn tường bao phủ xung quanh. Lý do cho sự lựa chọn này cũng khá thú vị, nó là màu tượng trưng cho nghệ thuật vì người Pháp dựa vào khí hậu thời tiết ở Việt Nam, ánh nắng của mùa Thu khi rọi vào các toà nhà màu vàng sẽ mang đến một cái nhìn đậm chất Paris tráng lệ giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, rất dễ xuất hiện ẩm ướt và rêu mốc trên các nền tường nên màu vàng cũng là một yếu tố giúp mờ đi những vết đó, đồng thời vẫn đem lại tính thẩm mỹ cho các thiết kế ngày xưa.
Hà Nội càng khiến người ta xao xuyến hơn, nhớ nhung hơn bởi vẻ đẹp vừa mộc mạc, cổ kính mà đậm chất Thu Hà Nội qua những công trình kiến trúc đó. |
Như lời bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”, có lẽ Hà Nội càng khiến người ta xao xuyến hơn, nhớ nhung hơn bởi vẻ đẹp vừa mộc mạc, cổ kính mà đậm chất Thu Hà Nội qua những công trình kiến trúc đó. Dẫu cho năm tháng dần qua đi, nhưng những đường nét kiến trúc thân thương ấy đã, đang và sẽ mãi trường tồn với thời gian, làm nên vóc dáng của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Có thể nói nét đẹp và lãng mạn của mùa Thu Hà Nội cứ thế nối tiếp nhau và vô tình đi dần vào lòng người, không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai khi đến Hà Nội vào thời điểm đặc biệt này sẽ đều cảm nhận được. Thu Hà Nội làm đẹp hơn các công trình kiến trúc và ngược lại, các công trình cổ xưa cũng làm tôn nên giá trị của mùa Thu Hà Nội theo cách khéo léo và nhẹ nhàng nhất.
Nguyễn Ngọc
Theo