(Xây dựng) - Xa quê lâu rồi nhưng mỗi bận Xuân về, Tết đến, lại bâng khuâng nhớ Tết thời thơ ấu. Ngày đó, mong Tết đến để được mặc áo mới, quây quần cùng gia đình bên bữa cơm chiều Ba mươi và mùng 1 Tết, được đi xem múa lân, xem vô tuyến…
Tôi sinh ra và lớn lên ở quê nghèo miệt sông Hậu. Đất khô cằn, nước phèn chua, lau sậy hoang hóa, mùa màng luôn bị chuột, chim phá hoại nên lúa gạo chỉ đủ ăn. Dẫu nghèo khó nhưng Tết đến, quê tôi vẫn rộn ràng.
Bước vào tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), quê tôi vui lắm! Mới 3-4 giờ sáng, cả xóm thức dậy, gọi nhau í ới, để chuẩn bị quết bánh phồng, tráng bánh. Ngày đó, tình nghĩa xóm làng thân thương lắm. Nhà nào quết bánh phồng thì cả xóm cùng nhau tiếp giúp, người thì quết bánh, người bắt bánh, người cán bánh, người phơi bánh… vừa làm, vừa kể chuyện tiếu lâm rất vui nhộn. Còn những ngày cận Tết thì cả xóm thi nhau tát mương, tát đìa bắt cá, bắt tôm để dành ăn Tết. Xứ tôi nổi tiếng cá tôm nên gần như nhà nào cũng có cá lóc ký (cá to nặng cân) và tôm càng xanh để ăn ngày Tết.
Ngày đó, quê tôi làm lúa mùa (mỗi năm một vụ) nên nhà nào cũng có đống rơm để làm chất đốt. Tết đến, có rơm nướng cá lóc (dân miền Tây gọi là lóc nướng trui) thì ăn quên thôi. Ngày đó, bọn trẻ con chúng tôi thường được phân công nướng cá. Chúng tôi chặt những nhành tre nhỏ bằng ngón tay, đâm vào miệng con cá rồi lựa chỗ đất trống cắm con cá xuống chất rơm lên đốt. Rơm cháy hết, cào lửa ra, vẩy cá lóc chín vàng trông hấp dẫn, mùi thơm quyến rũ. Món ăn cá lóc nướng trui quê tôi đều là “cây nhà lá vườn”, cá thì bắt dưới mương đìa lên, còn bánh tráng cuộn thì đã tráng sẵn, các loại rau thơm, húng nhũi, quế đất, xà lách… trồng sẵn ngoài vườn. Cá lóc nướng trui cuộn bánh tráng với hương rau đồng nội chấm nước mắm me ăn thật đã. Còn tôm càng xanh, càng lửa cũng nhiều vô số. Dở chà, đặt lờ, đặt lợp, tát mương… đều bắt được. Để chuẩn bị Tết, bắt được tôm cho vào gọng treo dưới bến sông trước nhà. Có khách đến là kéo gọng, bắt vài con tôm lên nướng hoặc kho tàu là ăn thật ngon.
Cá lóc nướng trui món ăn phổ biến ngày Tết quê tôi. |
Đến 29 - 30 Tết, bà con xóm giềng cùng hùn nhau mần heo chia lúa để ăn Tết rôm rả. Ai có tiền, không có tiền đều được chia thịt heo ăn Tết. Hồi đó, mỗi năm, quê tôi chỉ làm có một vụ lúa mà được gọi là lúa mùa. Lúa mùa chín được thu hoạch sau Tết. Tết đến quê tôi gọi là mùa giáp hạt, nghĩa là lúa sắp thu hoạch. Nhiều nhà đã hết lúa trong bồ, chỉ một số ít là dư lúa ăn qua Tết. Ngày đó, quê tôi chỉ tự tiêu tự sản chưa biết làm ra nông sản hàng hóa như bây giờ. Mọi việc trông chờ vào hạt lúa. Lúa bán lấy tiền để mua sắm mọi thứ và ăn Tết. Vì thế Tết đến, lúa trong nhà cũng hết, không còn lúa bán để lấy tiền mua thịt ăn nên xóm quê tôi nghĩ ra cách hùn nhau mần heo chia lúa để mọi người cùng có Tết. Nhớ ngày đó, năm nào thịt heo được giá thì 1kg thịt heo đổi được 1,2 giạ lúa (một giạ lúa bằng 40 lít - đơn vị đo lường từ thời Pháp), năm nào lúa được giá thì 1kg thịt đổi 1 giạ lúa. Bà con trong xóm ai cũng được chia thịt để ăn Tết và sau Tết thu hoạch lúa sẽ trả lại cho chủ heo.
Ngày đó tuy là quê nghèo nhưng tôm cá nhiều lắm! Thường ngày ăn cá, tôm ngán, trông đến Tết để được ăn thịt heo. Chiều Ba mươi Tết, cả xóm cúng rước ông bà, pháo nổ giòn tan (ngày đó cho đốt pháo nổ) nhộn nhịp. Bữa cơm chiều Ba mươi, nhà nào cũng có món thịt ba rọi (ba chỉ) kho rệu hay còn gọi kho tàu với trứng vịt, món canh xương heo hầm (ninh) với đu đủ, cải muối… thêm hương vị đồng nội là cá lóc nướng trui, tôm càng nướng… ăn thật đã đời.
Hồi đó, bọn trẻ con chúng tôi ham vui hơn là ăn. Trông cho đến chiều Ba mươi, mẹ dẫn anh em chúng tôi xuống bến sông tắm rửa cho sạch sẽ để đón năm mới. Xong mẹ cho mặc quần áo mới, thích ơi là thích! Ăn cơm chiều xong, bọn trẻ con xóm tôi tụ họp, quây quần bên nhau khoe áo mới. Đứa thì khoe năm nay mẹ sắm cho 3 bộ quần áo mới, đứa thì 2 bộ, có đứa chẳng được mẹ sắm bộ quần áo nào mà được ông bà nội, ông bà ngoại sắm cho. Tụi “trẻ trâu” chúng tôi hồn nhiên, vô tư, không biết cha mẹ đã dày công, vất vả cả năm dành dụm sắm quần áo Tết cho chúng tôi.
Tôm càng nướng rất hấp dẫn. |
Chúng tôi thích nhất sáng mùng 1 Tết. Hồi đó, không giống như Tết bây giờ, sáng sớm, nhà nào cũng nấu cơm ăn thật sớm. Ăn xong, bọn trẻ thắp nhang cho ông bà quá cố để tỏ lòng tri ân; sau đó, “làm tuổi” ông bà và cha mẹ với lời chúc mừng năm mới “bách niên giai lão” (sống đến trăm tuổi). Mừng tuổi xong, xem như hoàn thành nhiệm vụ, bọn trẻ con chúng tôi được đi chơi. Nhà tôi cách chợ một khoảng xa. Ngày đó, ở quê chẳng có gì vui chơi giải trí nên chúng tôi mong đến mùng 1 Tết được ra chợ xem múa lân. Thích nhất là ông địa, bụng phệ luôn nhảy múa, miệng tươi cười. Hấp dẫn hơn là đoạn kết ông lân leo cây “ăn tiền” cùng múa võ điệu nghệ…
Sau màn xem múa lân, bọn trẻ xóm tôi rủ nhau đi xem vô tuyến (tivi - hồi đó gọi là vô tuyến) công cộng. Cuộc sống nghèo khó nên cả làng không có cái vô tuyến nào để xem. Đến Tết mới có dịp ra chợ xem vô tuyến màn hình đen trắng, ai cũng chen chân đứng xem các vở cải lương với các giọng ca mùi mẫn: Lệ Thủy, Minh Phụng, Minh Cảnh, Thanh Kim Huệ, Minh Vương, Thanh Nga… và bọn trẻ thích nhất là các vở cải lương kiếm hiệp.
Xa quê hơn 40 năm, giờ sống giữa phố thị ồn ào nhưng mỗi khi Tết đến, lòng tôi bồi hồi, thương nhớ một thời Tết quê, ký ức Tết xưa ùa về. Nhớ Tết hồi đó, còn cha, còn mẹ và anh chị em quây quần bên mâm cơm chiều Ba mươi Tết đầm ấm với biết bao hương vị quê nhà. Ôi, thương nhớ đến nao lòng!
Huỳnh Biển
Theo