Thứ hai 18/11/2024 11:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

"Mở lối" cho các dự án đường sắt đô thị

08:57 | 20/11/2023

Từ tính cấp thiết của việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, giải pháp giải quyết ách tắc giao thông Thủ đô, các đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô đều chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đường sắt đô thị.

Đáng chú ý, quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là giải pháp chính sách nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đặc thù trong triển khai các dự án đường sắt đô thị vốn tồn tại từ nhiều năm nay.

Tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông). Ảnh: Quang Thái

Nhiều bất cập trong quy hoạch

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 (Quy hoạch 519), thành phố sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới các tuyến kết nối đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 342,2km trên cao, kết hợp đi bằng và 75,6km đi ngầm.

Tuy nhiên, đến nay, mới có tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) do Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện, có tổng chiều dài 14km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km đặt lộ trình chạy thử vào tháng 12-2023 và dự kiến vận hành chính thức vào ngày 30-4-2024.

Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, trong quá trình thực hiện, Ban đã có ý kiến với các cơ quan chuyên môn cũng như báo cáo UBND thành phố về việc cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với thực tiễn phát triển mới của Thủ đô.

“Trong hơn 20 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành khoảng gần 400km đường sắt đô thị còn lại của Thủ đô. Đây là thách thức hết sức nặng nề đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng, đề xuất mô hình đầu tư xây dựng đường sắt đô thị mới”, ông Lê Trung Hiếu nêu.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vận tải đường sắt, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đến năm 2023 là hơn 39.500 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án và nếu đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 (căn cứ theo Quyết định 519) thì cần khoảng 321.484 tỷ đồng (tương đương 13,31 tỷ USD). Như vậy, giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư cho các siêu dự án đường sắt đô thị đặc biệt cũng cần phải tính đến.

Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) cho biết, định hướng Quy hoạch Thủ đô về hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục phát triển đầy đủ các hạ tầng kết nối, trong đó đặc biệt ưu tiên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đường sắt đô thị.

Còn Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thông tin, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch 519 đã bố trí hệ thống đường sắt đô thị khá hoàn chỉnh. Cơ bản kế thừa các quy hoạch cũ đã được phê duyệt và nhu cầu giao thông thực tế, tại đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, hệ thống đường sắt đô thị gồm 10 tuyến.

Cụ thể, tuyến số 6 được điều chỉnh bỏ đoạn Xuân Đỉnh - Hà Đông (trên nền đường sắt quốc gia hiện hữu); kéo dài đoạn Xuân Đỉnh kết nối với tuyến số 8 (theo hướng Vành đai 3) và điều chuyển đoạn Hà Đông - Ngọc Hồi về tuyến số 7. Tuyến số 7 kéo dài đoạn Hà Đông - Ngọc Hồi. Tuyến số 8 sẽ tách đoạn Hoài Đức - Hồ Tây khai thác với tính chất hướng tâm. Tuyến số 9 là tuyến bổ sung kết nối Ga Ngọc Hồi với Thường Tín, đô thị vệ tinh Phú Xuyên và khu vực dự kiến quy hoạch cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô. Tuyến số 10 cũng là tuyến bổ sung trên cơ sở hướng tuyến Monorail M3 kết nối từ huyện Mê Linh đến Dương Xá (Gia Lâm)…

Ngoài hệ thống 10 tuyến đường sắt đô thị, sẽ có hệ thống tuyến Monorail trên cao chạy 2 bên sông Hồng kết hợp du lịch, cảnh quan và tuyến chạy khu vực phố cổ và hệ thống tuyến đường sắt chạy ngầm khu vực nội đô theo mô hình định hướng giao thông công cộng (TOD). Liên quan đến mô hình này, điểm đáng lưu ý tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chỉ lựa chọn quy định dự án TOD áp dụng cho đường sắt đô thị mà không áp dụng sang các loại hình giao thông khác. Theo nhiều chuyên gia giao thông, đây là quy định phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô cũng như tính phức tạp của một dự án đường sắt đô thị đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù. Quy định dự án TOD là một dự án tổng thể cũng sẽ khắc phục nhược điểm là các nhà đầu tư chỉ lựa chọn dự án có lợi nhuận cao như nhà ở, trung tâm thương mại mà không chú trọng các dự án đường sắt đô thị.

Ngoài ra, giải pháp chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong triển khai các dự án TOD đường sắt đô thị cũng hướng đến gỡ khó về nguồn vốn, thu hút nguồn lực xã hội thông qua khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm và không gian trên cao ở các nhà ga.

Theo Bảo Hân/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load