Thứ bảy 20/04/2024 05:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mô hình nào cho đô thị phát triển?

19:48 | 06/01/2021

(Xây dựng) – Hội thảo “Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng việc định hướng phát triển các mô hình đô thị đang trở thành vấn đề cấp thiết trong quá trình quy hoạch đô thị, và phát triển thị trường bất động sản. Việc định hướng không chỉ bao gồm quy mô đầu tư các đô thị, mà còn là chiến lược trong quy hoạch phát triển đô thị của các chính quyền địa phương.

Thách thức phát triển đô thị vùng Thành phố Hồ Chí Minh

Tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định: “Thành phố Hồ Chí Minh là vùng đô thị có vai trò vị thế chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia, phát triển theo mô hình “Tập trung, đa cực, thích ứng”.

Trong điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định: Là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế, trung tâm dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương, có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

mo hinh nao cho do thi phat trien

Tuy nhiên, để phát triển thì Thành phố Hồ Chí Minh cần kết nối với các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu… Nhưng vần đề ùn tắc, quá tải về hạ tầng giao thông từ đường bộ đến hàng không đã làm đau đầu các nhà quản lý và thách thức chính quyền địa phương các cấp. Theo TS Phạm Hoài Chung - Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải – Bộ Giao thông Vận tải, thì trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng được đẩy mạnh, hình thành nhiều khu đô thị mới với tốc độ phát triển nhanh chóng như: Thành phố Biên Hoà, huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...

mo hinh nao cho do thi phat trien
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ Thủ Thiêm qua.

“Các tuyến chính kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải và đặc biệt là tình trạng ùn tắc kéo dài trong các dịp Lễ, Tết. Ngoài trục kết nối với tiểu vùng phía Đông (Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Nam phía Đông) được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, các trục còn lại hiện chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường Quốc lộ, các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai. Các tuyến đường vành đai chưa hoàn thiện khép kín, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 3, 4 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa vùng trung tâm và các tiểu vùng, gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối”, TS Chung cho biết.

Làm gì để đô thị phát triển

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thách thức lớn nhất là làm sao hiện thực hóa được các mô hình đô thị này để trở thành nơi đáng sống thu hút cư dân về ở. Quan trọng là giải quyết bài toán nhà ở thực cho người dân, người nước ngoài, chuyên gia sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trên thực tế, lựa chọn mô hình đô thị nào, và làm sao phát triển các mô hình đô thị thành công là vấn đề đặt ra không chỉ đối với Việt Nam, mà còn nhiều đô thị lớn khác trên thế giới trong quá trình phát triển, đô thị hóa.

Trả lời cho việc tạo quỹ đất sạch, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cần thực hiện “dồn điền, đổi thửa” đất đô thị trên cơ sở tái định cư tại chỗ, sắp xếp lại dân cư đô thị để có thêm quỹ đất cho phát triển. Thực hiện quy hoạch và tổ chức khai thác quỹ đất hai bên đường, vùng phụ cận; Phát triển các mô hình phát triển mô hình nhà ở hỗn hợp; Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để áp dụng điều tiết giá trị tăng thêm từ đất một cách công bằng, khách quan, minh bạch…

Để phát triển đô thị thì công tác quy hoạch luôn được chú trọng và phải thực hiện trước với tầm nhìn chiến lược mà theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh thì: Xây dựng các khu đô thị vệ tinh là giải pháp căn cơ vừa chỉnh trang đô thị, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng, nén dân số tại khu vực trung tâm, đồng thời cũng giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Quản lý phát triển bền vững các nguồn lực trong chiến lược thực hiện quy hoạch cần thu hút, kết nối, khơi thông và tạo mới để phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng đô thị.

Nhìn ở góc độ kết nối hạ tầng giao thông, TS Chung cho rằng hạ tầng giao thông cần được tập trung ưu tiên đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn kết nối, giảm áp lực hạ tầng nhằm nâng cao môi trường sống, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load