Thứ hai 09/12/2024 11:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật về quản lý, phát triển đô thị bền vững

15:49 | 09/11/2024

(Xây dựng) – Ngày 8/11, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Triển khai chính sách trọng tâm trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam”.

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật về quản lý, phát triển đô thị bền vững
Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị chia sẻ định hướng chính sách phát triển đô thị Việt Nam bền vững.

Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong những năm qua, hệ thống đô thị cả nước đã tăng nhanh về số lượng, hình thành các vùng đô thị hóa cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.

Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Đô thị hóa tăng nhanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị mới hình thành và phát triển, đô thị hiện hữu từng bước được nâng cấp cải tạo, mở rộng về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường...) và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...). Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống dân cư đô thị từng bước được nâng cao.

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật về quản lý, phát triển đô thị bền vững
Ông Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Những kết quả tích cực trong quản lý phát triển đô thị trong thời gian qua là đóng góp quan trọng để các đô thị thực hiện và phát huy vai trò trong phát triển kinh tế các vùng, miền và là một động lực chủ đạo trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Các kết quả đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của hệ thống pháp luật hiện hành. Hành lang pháp lý về quản lý phát triển đô thị được nghiên cứu, ban hành đã giải phóng và đa dạng hóa nguồn lực nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển đô thị, định hướng các mô hình phát triển và phát huy tính chủ động của các cấp chính quyền ở đô thị.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực trạng phát triển đô thị Việt Nam đang có một số tồn tại, hạn chế lớn tác động đến sự phát triển bền vững, cần được tập trung khắc phục như các quy định pháp luật hiện hành về quản lý phát triển đô thị chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết.

Một số nội dung về quản lý phát triển đô thị, quản lý phát triển hạ tầng đô thị chưa quy định cụ thể, chưa đủ hiệu lực pháp lý. Việc tổ chức thực hiện pháp luật hiện hành còn hạn chế. Một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi điều chỉnh văn bản pháp luật, hiện chưa có luật quản lý phát triển đô thị…

Để sớm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đồng ý.

Trong khi đó, bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển - Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là đối tác ưu tiên về hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sĩ trong nhiều năm qua. Quan hệ đối tác lâu dài này thể hiện cam kết sâu sắc của Thụy Sĩ trong việc hỗ trợ tầm nhìn đầy tham vọng của Việt Nam về phát triển đô thị bền vững.

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật về quản lý, phát triển đô thị bền vững
Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển - Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế và môi trường đầy tham vọng của mình, tăng trưởng đô thị bền vững là điều cần thiết và Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong hành trình này. Trong đó, phát triển đô thị thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là trụ cột chính trong sự hợp tác giữa hai bên.

Trong thời gian tới, phía Thụy Sĩ sẽ có một khoản tài trợ lớn để giúp Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, phát triển đô thị nhằm thúc đẩy các đô thị phát triển bền vững.

Nhân dịp này, bà Sibylle Bachmann có đưa ra một số kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong việc xây dựng chính sách về đô thị như tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững, chuyển đổi số để triển khai các giải pháp đô thị thông minh…

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã cùng nhau trao đổi về khung pháp lý về quản lý phát triển đô thị; Xác định những thách thức chính trong việc thực thi luật quản lý phát triển đô thị; Đóng góp những chính sách và giải pháp thực hiện trong Luật Quản lý phát triển đô thị; Những định hướng chính sách phát triển đô thị Việt Nam bền vững; Các mô hình quản trị và công cụ quản lý đô thị có hiệu quả; Trách nhiệm của Nhà nước trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị; Trao đổi những bài học kinh nghiệm về xây dựng Luật đô thị của một số quốc gia trên thế giới có thể vận dụng trong bối cảnh tại Việt Nam…

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để phát triển đô thị bền vững

Chia sẻ về định hướng chính sách phát triển đô thị Việt Nam bền vững, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 06) nêu rõ: “Cần sớm xây dựng và ban hành Luật về quản lý và phát triển đô thị bền vững; hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”.

Nghị quyết số 06 xác định mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt trên 50% với khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá của nước ta sẽ thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Cục Phát triển đô thị có đề xuất 5 nhóm quy định cần được xây dựng, hoàn thiện, ban hành để phát triển đô thị Việt Nam bền vững trong thời gian tới. Thứ nhất là quy định về phát triển hệ thống đô thị, đánh giá phân loại đô thị. Thứ hai là quy định về tổ chức phát triển đô thị thực hiện quy hoạch được duyệt. Thứ ba là quy định về quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị. Thứ tư là quy định về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị. Thứ năm là quy định về trách nhiệm quản lý phát triển đô thị.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu đến từ trường Đại học Việt Đức đã chia sẻ về các mô hình quản trị và công cụ quản lý đô thị hiệu quả, trong đó nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm như quản lý phát triển đô thị chống dàn trải diện rộng và chống quá tải tại trọng điểm, công cụ quản lý tăng trưởng thông minh, chuyển đổi mô hình quản trị - khoảng trống chính sách, dịch chuyển mô hình quản trị, quản lý phát triển theo khu vực và công cụ kiểm soát phát triển chống dàn trải, dịch chuyển mô hình chính quyền đô thị từ kỹ thuật đến kinh tế và hợp tác…

Trong khi đó, chuyên gia Anne Amin của Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) cho rằng, Việt Nam có thể cân nhắc điều chỉnh một số vấn đề phù hợp với bối cảnh thể chế, văn hóa và kinh tế - xã hội của đất nước, bao gồm: Định nghĩa và phân loại khu vực đô thị; chức năng thể chế và quản trị thông minh trong phát triển đô thị; cơ chế thu hồi giá trị đất và đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị; sự tham gia và tham vấn của công chúng vào phát triển đô thị; phát triển đô thị thân thiện với khí hậu và tăng trưởng xanh; tái thiết đô thị và phát triển đô thị nén; phục hồi các khu định cư không chính thức; cơ chế giải quyết tranh chấp phát triển đô thị.

Trên cơ sở đánh giá khung pháp lý về quản lý và phát triển đô thị của Việt Nam, UN-Habitat có đưa ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng. Trước hết, Việt Nam cần có một định nghĩa rõ ràng ở cấp quốc gia về các nguyên tắc, chuẩn mực tiêu chuẩn và khuôn khổ để đặt ra các mục tiêu và hướng dẫn nội dung của phát triển đồ thị bền vững được quy hoạch tốt. Việt Nam cũng cần xây dụng một định hướng chính sách đô thị rõ ràng và cụ thể, được phản ánh trong Luật Quản lý phát triển đô thị mới, đảm bảo rằng Luật trở thành một cơ chế thực hiện cho Chính sách đô thị quốc gia và Chiến lược không gian quốc gia. Luật Quản lý Phát triển đô thị nên bổ sung quy định bảo vệ thêm các quyền cơ bản của con người. Phân cấp thẩm quyền và tài chính của các chức năng lập kế hoạch cho chính quyền địa phương sẽ cho phép một hệ thống phát triển đô thị hiệu quả hơn và ít gánh nặng hơn…

Đổi mới trong lập quy hoạch đô thị

Cũng tại Hội thảo, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã chia sẻ nội dung quản lý Nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, trong đó lưu ý 3 vấn đề chính cần được quan tâm.

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật về quản lý, phát triển đô thị bền vững
Ông Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ nội dung quản lý Nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam.

Thứ nhất là hệ thống pháp luật hiện hành. Hiện nay, Luật Quản lý phát triển đô thị đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình Chính phủ để Quốc hội xem xét. Nhưng để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả không chỉ cần thống nhất, đồng bộ, có kế thừa hệ thống Luật hiện hành mà còn cần quyết liệt đổi mới để phát huy vai trò đô thị hóa, nhất là về áp dụng các mô hình phát triển đô thị bền vững, hiện đại và phân cấp, phân quyền mạnh với chính quyền đô thị.

Vấn đề thứ hai là hệ thống quy hoạch. Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần sớm được ban hành, để tạo cơ sở pháp lý thực hiện và cùng với Luật và các văn bản cụ thể hóa của Chính phủ, Bộ ngành liên quan và công tác điều chỉnh của các cấp địa phương.

Vấn đề thứ ba là nguồn lực thực hiện và giải pháp nâng cao năng lực quản lý. Để xác định nguồn lực quản lý phù hợp, trước hết cần nhận diện việc phân loại đô thị hiện hành. Thực tế và tồn tại hiện nay đòi hỏi phải có nghiên cứu về phân loại đô thị trên cơ sở khoa học tiếp cận từ các chỉ tiêu đã xác định trong Nghị quyết 06-NQ/TW, tạo thuận lợi trong thực hiện gắn với nâng cao chất lượng đô thị và hiệu quả trong quản lý.

Về năng lực quản lý, Trung ương và các địa phương cần quan tâm hơn đến nhiệm vụ nâng cao năng lực quản lý từ tổ chức hệ thống quản lý, cơ chế chính sách tuyển chọn cán bộ và công tác đào tạo, tái đào tạo.

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật về quản lý, phát triển đô thị bền vững
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận một số nội dung trọng tâm về chính sách quản lý, phát triển đô thị Việt Nam.

Trong tham luận cuối cùng về hệ thống quy hoạch đô thị Việt Nam hướng đến tương lai, ông Ngô Trung Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam đã nêu ra những xu thế đổi mới trong lập quy hoạch đô thị. Đó là phân cấp cho địa phương; xã hội hóa và sự điều tiết của thị trường; tích hợp quy hoạch và thực hiện quy hoạch; kiểm soát phát triển dựa trên quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng xanh, thông minh; đầu tư phát triển hạ tầng công (PPP); quản lý rủi ro các vấn đề bất cập của thị trường nhà ở xã hội, thiên tai, y tế, sức khỏe, giáo dục, môi trường...

Việc đổi mới quy hoạch đô thị được thực hiện bằng phương pháp tiếp cận đa ngành, tích hợp, đổi mới quy trình các bước lập quy hoạch, rút gọn thời gian lập quy hoạch bằng quy hoạch lồng ghép và nội dung quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, linh hoạt.

Trên cơ sở đó, ông Ngô Trung Hải có đề xuất quy trình quy hoạch đô thị đổi mới. Đối với các đô thị đặc biệt, tích hợp quy hoạch chi tiết và thiết đô thị riêng vào một loại quy hoạch gọi là thiết kế đô thị. Đối với các đô thị còn lại, tích hợp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu vào một loại gọi là quy hoạch chung.

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật về quản lý, phát triển đô thị bền vững
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề: Triển khai chính sách trọng tâm trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam.

Trong phần Tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận một số nội dung trọng tâm về chính sách quản lý, phát triển đô thị Việt Nam, bao gồm: Nội hàm quản lý và phát triển đô thị trong Luật Quản lý phát triển đô thị; Quy định về hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm và hạ tầng ngầm trong Luật Quản lý phát triển đô thị; Khuyến nghị để nâng cao chất lượng hệ thống phân loại đô thị tại Việt Nam; Giải pháp huy động nguồn lực để phát triển đô thị; xu hướng dựa vào nguồn lực đất đai để phát triển đô thị…

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load