(Xây dựng) - Đó là nội dung chính được đề cập tại Hội thảo chuyên đề 3: Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững, diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức vào ngày 8/11.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ các đô thị
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, Ngày Đô thị Việt Nam 8/11 năm nay được tổ chức đồng hành cùng Kỳ họp thứ 12 Diễn đàn Đô thị Thế giới, với chủ đề “Nhà là nơi bắt đầu”. Chủ đề này nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các đô thị trên toàn cầu.
Ông Đặng Việt Dũng đã nhấn mạnh những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc xây dựng các đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) như hệ thống cảnh báo mưa lũ, công trình chống ngập, hệ thống thoát nước hiện đại và ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Nhưng trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra ngày càng khắc nghiệt, các chuyên gia cho rằng, việc thích ứng với những thay đổi này là điều kiện tiên quyết để bảo vệ các đô thị. Họ khuyến cáo cần thay đổi nhận thức cộng đồng về những tác động của BĐKH, đồng thời nâng cao ý thức phòng chống thiên tai. Các giải pháp toàn diện cần được triển khai từ quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng chống chịu thiên tai, đến ứng dụng công nghệ thông minh và năng lượng tái tạo. Các yếu tố như giao thông xanh, quản lý tài nguyên nước và sự tham gia của cộng đồng cũng cần được chú trọng. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng các chính sách và khung pháp lý hỗ trợ nhằm phát triển đô thị bền vững.
Ông Patric Schlager, Trưởng nhóm Phát triển Đô thị và Hạ tầng, Dự án Thích ứng với BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MCRP), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ: “Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. Các đô thị ở Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt, nắng nóng và bão. Điều này đòi hỏi cần tích hợp các giải pháp thích ứng vào quy hoạch đô thị và triển khai hiệu quả các sáng kiến quản lý ngập úng”.
Ông Patric Schlager, Trưởng nhóm Phát triển Đô thị và Hạ tầng, Dự án Thích ứng với BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ chức GIZ phát biểu tại Hội thảo. |
Ông Patric Schlager cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các đô thị trong sự phát triển kinh tế và tương lai đất nước. Theo Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 06), Việt Nam đặt mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa 45% vào năm 2025, với khu vực đô thị đóng góp 75% GDP. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo nhu cầu bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng hàng không, cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông khỏi các tác động của thiên tai.
Áp dụng mô hình “Thành phố bọt biển” để ứng phó với BĐKH
Tại Hội thảo, ông Jonathan Parkinson, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng mô hình thành phố bọt biển, dự án Thích ứng với BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ chức (GIZ) đã trình bày tham luận về “Áp dụng mô hình thành phố bọt biển trong phát triển đô thị - mô hình thí điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Ông Jonathan Parkinson đã giới thiệu mô hình “Thành phố bọt biển” trong phát triển đô thị, với mục tiêu ứng phó hiệu quả với BĐKH tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình này không chỉ giúp cải thiện quản lý nước mưa mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro ngập úng, bảo vệ hạ tầng đô thị và thúc đẩy phát triển bền vững. Dự án MCRP do Tổ chức GIZ hỗ trợ, tập trung vào việc cải thiện quản lý đất, nước và rừng ngập mặn ven biển, qua đó giúp các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang xây dựng các dự án thích ứng với BĐKH.
Ông Jonathan Parkinson, Trưởng nhóm chuyên gia dự án Thích ứng với BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ chức GIZ trình bày tham luận tại Hội thảo. |
Ông Jonathan Parkinson chia sẻ, dự án sẽ ưu tiên sử dụng đất quy hoạch sẵn cho các khu vực chống ngập và không gian xanh như công viên, đồng thời áp dụng các giải pháp thoát nước đô thị bền vững, tiết kiệm chi phí nhưng mang lại giá trị sinh thái. Một trong những mục tiêu quan trọng là thiết kế hệ thống thoát nước kết hợp các giải pháp xanh và xám, tối ưu hóa khả năng chứa nước và kiểm soát nguồn nước. Ngoài ra, dự án cũng khuyến khích tăng cường thu gom nước mưa để sử dụng cho các mục đích như vệ sinh, tưới cây, giảm áp lực lên hệ thống cấp nước đô thị.
Mô hình thành phố bọt biển được đánh giá có nhiều tiềm năng trong việc cải thiện quản lý nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển đô thị và BĐKH. Ông Jonathan Parkinson đánh giá, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng Việt Nam đã có những chính sách, công cụ pháp lý hỗ trợ việc áp dụng mô hình thành phố bọt biển. Nhưng để triển khai thành công, Việt Nam sẽ cần lồng ghép mô hình này vào quy hoạch đô thị và phát triển các mô hình kinh doanh bền vững nhằm thu hút các nguồn tài chính.
Tạo lập môi trường pháp lý rõ ràng để thúc đẩy phát triển công trình xanh
Chia sẻ về nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, sự gia tăng các hoạt động thải khí nhà kính, cùng với việc khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như rừng, sinh khối và hệ sinh thái biển, ven bờ chính là nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu trong 30 năm tới, với các hiện tượng như lũ lụt, hạn hán và bão ngày càng diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh đó, công trình xanh (CTX) được kỳ vọng là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu tác động của BĐKH. Tuy nhiên, bà Lê Thị Bích Thuận cho rằng, việc phát triển CTX tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu chính sách mạnh mẽ và sự quan tâm đầy đủ từ phía các chủ đầu tư. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đánh giá CTX chính thức, gây cản trở cho việc phát triển và quản lý bền vững loại công trình này.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Để thúc đẩy phát triển CTX, bà Lê Thị Bích Thuận đề xuất các giải pháp trọng tâm, bao gồm xây dựng một môi trường pháp lý rõ ràng, nâng cao nhận thức cộng đồng và chủ đầu tư về vai trò của CTX trong tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích sử dụng công nghệ và năng lượng sạch trong thiết kế, cùng với việc phát triển các giải pháp tổng thể bền vững.
Bà Lê Thị Bích Thuận cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần khẩn trương triển khai việc xét duyệt và cấp chứng chỉ cho các CTX. Nhà nước cần làm gương mẫu trong việc xây dựng công sở đạt chuẩn CTX và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp để tạo sự đồng thuận trong phát triển CTX. Thêm vào đó, Nhà nước cũng phải đào tạo đội ngũ chuyên môn, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển CTX mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý ngập lụt và phát triển đô thị bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ
Bà Tạ Thanh Lan, đại diện Trung tâm Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật thành phố Thủ Đức phát biểu. |
Tại Hội thảo, bà Tạ Thanh Lan, đại diện Trung tâm Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã giới thiệu Nền tảng Hỗ trợ ra quyết định và Phòng chống ngập lụt trực tuyến (FEDS) - một giải pháp công nghệ tiên tiến giúp Thành phố Hồ Chí Minh ứng phó hiệu quả với tình trạng ngập lụt. FEDS giúp thu thập và phân tích dữ liệu ngập lụt theo thời gian thực, từ đó hỗ trợ các cơ quan chức năng đưa ra quyết định kịp thời trong mùa mưa, khi hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hệ thống này đang giúp Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ứng phó với ngập lụt và giảm thiệt hại, đồng thời tăng cường sự bền vững trong phát triển đô thị thông minh.
Ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ phát biểu. |
Trong khi đó, ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ đã giới thiệu Hệ thống Thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS). Hệ thống FRMIS hỗ trợ vận hành các công trình kiểm soát ngập như cống và máy bơm, giúp giảm thiểu tác động đến giao thông thủy và chất lượng nước. Hệ thống cũng cung cấp cảnh báo ngập sớm, giám sát mực nước, lượng mưa và chất lượng nước 24/7, hỗ trợ các quyết định quy hoạch đô thị bền vững và đánh giá thiệt hại sau ngập.
Với sự hỗ trợ của FEDS và FRMIS, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ đang nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý ngập lụt, hướng tới phát triển đô thị an toàn, bền vững và thích ứng với BĐKH. Những nền tảng này không chỉ cung cấp công cụ quản lý hiệu quả tình trạng ngập mà còn giúp các đô thị chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra các quyết định ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo. |
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học đã tích cực tham gia trao đổi, thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cụ thể trong công tác phát triển đô thị thích ứng với BĐKH. Mục tiêu của những thảo luận là tìm ra các phương thức hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho các đô thị, đồng thời phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Liên Hợp quốc đề ra và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị.
Các giải pháp được đề xuất bao gồm: Xử lý nước thải và rác thải đô thị để giảm ô nhiễm, tích hợp yếu tố BĐKH vào quy hoạch đô thị, xây dựng CTX để tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, ứng dụng công nghệ thông minh như hệ thống giám sát thời tiết và cảnh báo ngập lụt, cải tạo hệ thống thoát nước đô thị…
Những đề xuất và ý tưởng được đưa ra không chỉ giúp nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị trước các tác động của BĐKH mà còn góp phần vào việc xây dựng những cộng đồng đô thị phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.
Diệu Linh
Theo