Thứ bảy 14/12/2024 15:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Phát triển đô thị ở Việt Nam: Hoàn thiện thể chế để định hướng “đô thị hoá” bền vững

08:32 | 09/11/2024

(Xây dựng) - Chiều 8/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững Đô thị Việt Nam lần thứ 3 nhằm hướng tới chủ đề Kỳ họp thứ 12 của Diễn đàn Đô thị Thế giới và thúc đẩy tiến trình hướng tới tính bền vững của đô thị, chào mừng Ngày đô thị Việt Nam.

Phát triển đô thị ở Việt Nam: Hoàn thiện thể chế để định hướng “đô thị hoá” bền vững
Các đại biểu tham gia Diễn đàn Phát triển bền vững Đô thị Việt Nam 2024.

Chủ đề chính được lựa chọn “Nhà là nơi bắt đầu: Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam” với 01 phiên khai mạc và toàn thể, 03 hội thảo chuyên đề đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu, là các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển đô thị trong nước và quốc tế.

Khách mời là những chủ thể có đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, chiến lược, đề án triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động tại Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2022.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh, các đô thị Việt Nam đối mặt với hàng loạt vấn đề như mật độ dân số cao, ô nhiễm môi trường và thiếu hụt hạ tầng công cộng. Ngày Đô thị Việt Nam 2024 tập trung vào các giải pháp xanh, sáng tạo và thông minh để giải quyết những vấn đề này.

Chủ đề năm nay là “Phát triển Đô thị thông minh và bền vững” với các trọng tâm như thúc đẩy công nghệ số, bảo vệ môi trường, và nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị.

Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quy hoạch, nhà đầu tư và các lãnh đạo địa phương để chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các giải pháp khả thi. Các hội thảo chuyên đề sẽ tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh, như hệ thống giao thông công cộng và các giải pháp năng lượng sạch.

Đồng thời, cũng có nhiều hoạt động triển lãm và hội chợ nhằm giới thiệu các mô hình đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ IoT và các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã triển khai nhiều dự án thí điểm về đô thị thông minh, tập trung vào việc tối ưu hóa giao thông, quản lý chất lượng không khí và nâng cao an toàn công cộng. Những sáng kiến này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống mà còn góp phần vào mục tiêu giảm thiểu khí thải, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng môi trường xanh, sạch.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng khẳng định: “Các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 43,1% và khoảng 902 đô thị trên toàn quốc. Nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới, chất lượng sống ngày càng được cải thiện”.

Nhờ vào sự đóng góp của đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn. Chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng tăng cao với sự cải thiện rõ rệt về môi trường sống, cảnh quan đô thị, tiếp cận hạ tầng kỹ thuật đô thị và cơ hội phát triển của cộng đồng dân cư.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại mà sự phát triển đô thị chưa khắc phục triệt để như: Đô thị hóa còn dàn trải, mật độ đô thị thấp, chưa thực sự hiệu quả; chất lượng hạ tầng đô thị còn vấn đề đặc biệt đối với các thành phố lớn gây ra nhiều khó khăn trong đời sống đô thị như: Ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt cục bộ, thiếu nhà ở, thiếu hạ tầng, không gian xanh”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sự gia tăng về đất đai đô thị, mở rộng ranh giới hành chính đô thị thời gian qua tiếp tục sẽ tạo nên thách thức trong cải thiện, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị trong thời gian tới.

Đứng trước những thành tựu và thách thức này, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW với định hướng toàn diện cho việc quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là một Nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược, định hướng cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và chính quyền các đô thị đang nỗ lực thực hiện các chương trình hành động, triển khai các chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa.

Các dự án Luật như: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp, Thoát nước đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy quá trình đô thị hóa có chất lượng.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Thời gian vừa qua công tác quy hoạch và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số lượng đô thị phát triển mạnh. Tỷ lệ đô thị hóa vượt ngưỡng 40% (2020) ngang tầm trung bình của châu Á. Đô thị hóa đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Kinh tế đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Một số mô hình đô thị bền vững đã hình thành, đang phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa vừa qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có năng lực quản lý và quản trị đô thị còn chậm đổi mới như xác định chưa rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, chưa phát huy tốt sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quản lý thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, giám sát phản biện xã hội của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa phát huy hiệu quả.

Những năm gần đây nhất là từ sau Nghị quyết 06-NQ/TW đã có nhiều chuyển biến, đổi mới: Nhận diện được sâu sắc hơn những tồn tại, đẩy mạnh từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong quản lý đã thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu Đảng, Nhà nước đã xác định rất cần nhận biết, thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có công tác quản lý Nhà nước về đô thị hóa. Quản lý Nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị đã được đề cập trong nhiều luật, văn bản pháp luật, song giai đoạn tới cần được quan tâm trong quản lý.

Thời gian vừa qua đã có nhiều kết quả trong hoàn thiện hệ thống pháp luật bao gồm cả về công tác quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị. Song chưa có Luật riêng về quản lý phát triển đô thị. Luật Quản lý phát triển đô thị đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình Chính phủ để Quốc hội xem xét.

Đây là dấu ấn quan trọng trong quản lý, phát triển đô thị. Song để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả không chỉ cần thống nhất, đồng bộ, có kế thừa hệ thống Luật hiện hành mà còn cần quyết liệt đổi mới để phát huy vai trò đô thị hóa, nhất là về áp dụng các mô hình phát triển đô thị bền vững, hiện đại và phân cấp, phân quyền mạnh với chính quyền đô thị.

Hy vọng với sự quyết tâm của Bộ Xây dựng, ý kiến đóng góp khoa học của cộng đồng, các tổ chức xã hội sớm được Quốc hội xem xét ban hành để tạo bước đột phá về quản lý đô thị.

Đối với hệ thống quy hoạch, đến nay, hệ thống quy hoạch Việt Nam đã có 4 lần thay đổi, điều chỉnh. Sau khi Luật Quy hoạch ban hành 2017 có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2019. Chỉ sau hơn 3 năm thực hiện, Quốc hội đã tổ chức giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành, và đã ban hành Nghị quyết 61/2022/QH15 để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quy hoạch.

Tuy vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra cần có quyết tâm cao và tuyên truyền, đào tạo để nâng cao năng lực của nguồn lực thực hiện quy hoạch cũng như quản lý của các cấp. Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần sớm được ban hành, để tạo cơ sở pháp lý thực hiện và cùng với Luật và các văn bản cụ thể hóa của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan và công tác điều chỉnh của các cấp địa phương.

Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng: Với một đất nước đang phát triển đô thị hóa như Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, những đóng góp chia sẻ tại Diễn đàn lần này sẽ hướng tới phát triển đô thị bền vững. Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị đã hướng tới việc ưu tiên của Nhà nước xây dựng hệ thống thể chế và bảo đảm ưu tiên các chính sách an sinh xã hội, các đô thị phát triển bền vững phải giữ được bản sắc riêng.

Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12 (WUF12) đang diễn ra tại thủ đô Cairo, Ai Cập cũng tập trung nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương ở mỗi quốc gia trong việc thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, nhất là ở các khía cạnh về văn hóa, xã hội và môi trường.

Ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng khẳng định, Thụy Sĩ đang tích cực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đô thị ở Việt Nam. Giai đoạn 2025- 2028 Thụy Sĩ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển hợp tác công tư.

Phát triển đô thị ở Việt Nam: Hoàn thiện thể chế để định hướng “đô thị hoá” bền vững
Đô thị phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng xanh đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Chính phủ Thụy Sĩ và Ngân hàng Thế giới vừa ký một thỏa thuận thúc đẩy tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đô thị lớn của Việt Nam. Quỹ tín thác trị giá 5 triệu USD, do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ; hoạt động này cũng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hiện nay giữa Thụy Sĩ và Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc thúc đẩy phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các đô thị của Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh đồng thời nâng cao khả năng thích ứng với những thách thức về khí hậu. Góp phần tạo ra môi trường đô thị tích cực trong tương lai”, ông Thomas Gass.

Nam Sơn - Huyền Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load