Thứ tư 24/04/2024 04:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Long An: Thu hút đầu tư nước ngoài hơn 9,3 tỷ USD

16:42 | 10/03/2022

(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út vừa ký ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Long An.

long an thu hut dau tu nuoc ngoai hon 93 ty usd
Tỉnh Long An trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà đầu tư trong và nước ngoài.

Thông tin từ UBND tỉnh Long An cho biết, năm 2021 tỉnh Long An đã tiếp nhận mới 47 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư cấp mới 3.332,7 triệu USD; về số dự án đăng ký mới giảm 23 dự án và vốn tăng 3.059,7 triệu USD so với cùng kỳ. Điều chỉnh tăng vốn cho 41 dự án với vốn đầu tư tăng thêm là 126,0 triệu USD; giảm 29 dự án và vốn giảm 26,6 triệu USD so với cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 1.127 dự án với vốn đăng ký 9.385,2 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Hiện có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Long An, trong đó Singapore đứng đầu về vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo là các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa

Kỳ, Hồng Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn chủ yếu là: Dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp chế tạo,…

Hầu hết, các dự án FDI tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh

giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh như: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức và thành phố Tân An; số dự án FDI có trên 50% nằm trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh với vốn đăng ký FDI tương đối lớn là: Vina Capital GS Energy, Vina Eco Board, Sapporo, 4 Oranges, Kyodo Sojitz, Songwol Vina, Japfa Comfeed, CJ VINA Agri, Le Long Việt Nam, Formosa Taffeta, Greenfeed, Lavie…

Để thu hút FDI vào Long An nhiều hơn, Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Long An sẽ chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư FDI chất lượng cao. Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, nguồn nhân lực và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết để đón nhận dòng vốn FDI đang chuyển dịch, tái đầu tư phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch.

Thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo điều kiện về công nghệ, tham gia sản xuất và liên kết chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm. Không thu hút các dự án công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên và nguồn lao động.

Tận dụng và khai thác hiệu quả các cơ hội, xu hướng kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc...). Đồng thời mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư các đối tác là nước thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA. Chủ động tìm hiểu xu hướng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước để tiếp cận, kết nối đầu tư vào những ngành nghề tỉnh có lợi thế.

Tổ chức Tọa đàm, tiếp và làm việc với các cơ quan đại diện, tổ chức, nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Đức, ...). Tổ chức đối thoại giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI nhằm hỗ trợ các dự án đã được cấp phép, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, dự kiến sẽ tổ chức định kỳ hàng quý của năm.

Huỳnh Biển 

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load