Dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các đô thị lớn, các khu kinh tế gắn với bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
Tại dự thảo đưa ra lấy ý kiến ngày 8/8, những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là: Hình thành, phát triển một số hành lang kinh tế; phát triển các vùng động lực, đô thị lớn; phát triển các khu kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng.
Hạ tầng kết nối sẽ được đẩy mạnh đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà |
Điểm mặt các hành lang kinh tế
Theo đó, dự thảo định hướng Tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo trục Bắc - Nam và theo hướng Đông - Tây.
Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Cà Mau) hình thành dựa trên trục giao thông kết nối là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
Hình thành một số đoạn hành lang kinh tế dọc theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du miền núi phía Bắc. Các hành lang kinh tế này nhằm khai thác, phát triển vùng Tây Nguyên; các khu vực phía Tây của Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; Trung du miền núi phía Bắc gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.
Đối với các hành lang kinh tế Đông - Tây, ưu tiên phát triển các hành lang tham gia các hành lang kinh tế quốc tế trong khu vực, đã được triển khai xây dựng và có nhiều điều kiện thuận lợi nhất là kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị trên hành lang.
Đó là Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối vùng Trung du, miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, Hải Phòng) và là tuyến kết nối ra biển của vùng Tây Nam Trung Quốc.
Hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng: Đây là một phần của Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), kết nối các địa phương phía Nam Myanmar, miền Trung của Thái Lan và Lào ra cảng biển của miền Trung Việt Nam, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư giữa các nước, phát triển các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.
Hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á (Nam Ninh - Singapore), có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông và Tây Nam Bộ.
Hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội gồm các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và TP. Hà Nội. Đây là tuyến hành lang kết nối tiểu vùng Tây Bắc với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết với hành lang kinh tế Bắc - Nam và kết nối với khu vực phía Bắc Lào, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Tây Bắc.
Hành lang kinh tế Cầu Treo - Vũng Áng: Là tuyến hành lang kết nối Đông - Tây nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và thông qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh để Lào cũng như các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) hướng ra biển Đông
Xây dựng các vùng động lực, đô thị lớn
Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, đã triển khai xây dựng các khu kinh tế ven biển để hình thành các vùng động lực quốc gia.
Đó là Vùng động lực TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (Vùng động lực phía Nam); Vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Vùng động lực phía Bắc); Vùng động lực Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi (vùng động lực miền Trung); Vùng động lực Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang (Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long)
Ngoài ra, dự thảo quy định định hướng xây dựng Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc TƯ, các đô thị trung tâm vùng trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; trong đó phát triển một số đô thị có thể chế vượt trội, trở thành các trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do.
Các vùng kinh tế sẽ có sự kết nối chặt chẽ. Ảnh: Nguyễn Phong |
Phát triển các khu kinh tế
Lựa chọn và tập trung đầu tư phát triển một số khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu gắn với các vùng động lực, hành lang kinh tế quan trọng theo các mô hình khu kinh tế mới, có mạng lưới kết cấu hạ tầng hiện đại, với cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Rà soát, xác định trọng tâm phát triển của các khu kinh tế gắn với vị trí địa kinh tế, địa chính trị của các khu và gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển của đất nước. Nghiên cứu hình thành một số khu kinh tế chuyên biệt.
Dự thảo cũng định hướng xây dựng thí điểm một số khu kinh tế qua biên giới.
Phát triển kết cấu hạ tầng
Dự thảo đưa ra mục tiêu hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia theo trục giao thông Bắc - Nam (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không) và một số trục giao thông Đông - Tây quan trọng, kết nối với khu vực và quốc tế. Tập trung đầu tư hạ tầng năng lượng, thủy lợi và hạ tầng phòng chống thiên tai, hạ tầng xã hội...
Hình thành hạ tầng số đồng bộ, hiện đại là hạ tầng thiết yếu phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet.vn