Thứ tư 08/01/2025 12:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Điểm đến hấp dẫn của vốn FDI toàn cầu

07:59 | 07/01/2025

Liên tục từ năm 2022 đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam luôn duy trì con số hơn 20 tỷ USD/năm, cho thấy dòng vốn ngoại tiếp tục đi vào thực chất và ngày càng có nhiều dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao.

Điểm đến hấp dẫn của vốn FDI toàn cầu
Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Từ dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam, quý IV/2024, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định, năm 2024 có thể là một năm thành công trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam với mục tiêu thu hút khoảng 39-40 tỷ USD và đạt mức giải ngân kỷ lục 25 tỷ USD.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Và đúng như kỳ vọng, lần đầu tiên, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã cán mốc 25 tỷ USD vào cuối năm 2024. Như vậy, một trong những mục tiêu thành phần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã về đích sớm một năm so với chiến lược đề ra.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2024 giảm 3% so với năm 2023. Tuy nhiên, vốn thực hiện và vốn tăng thêm của các dự án lại có sự tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, có 1.539 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn 13,96 tỷ USD, tăng 50,4% so với năm 2023, chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong khi đó, vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023. Đây là những con số cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam, đồng thời khẳng định cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là thực chất.

Đáng lưu ý, năm 2024 đánh dấu những bước tiến quan trọng về chất lượng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam với nhiều sự kiện quan trọng diễn ra dồn dập vào cuối năm. Đó là sự kiện tỷ phú Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Các trung tâm này sẽ không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho đội ngũ nhân tài tại Việt Nam. Như vậy, sau hai chuyến thăm và làm việc trực tiếp, “phù thủy công nghệ” Jensen Huang đã quyết định “biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của NVIDIA”.

Đó cũng là thành quả của quá trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ liên tục trong hai năm qua để thực hiện mục tiêu “xây tổ đón đại bàng” công nghệ như đã tuyên bố với giới đầu tư quốc tế. “Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Dự án tỷ USD đầu tiên trong năm 2024 cũng thuộc về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, với sự kiện Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh trao giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology tăng vốn 1,07 tỷ USD mở rộng dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ đào tạo đối với ngành bán dẫn.

Một trong những kết quả ấn tượng trong hợp tác đầu tư của địa phương là đã thu hút được các dự án tỷ USD vào lĩnh vực điện tử, công nghiệp bán dẫn, qua đó hình thành chuỗi cung ứng công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng.

“Cú huých” cho thu hút đầu tư

Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP về kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo kế hoạch, trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ được thành lập và vận hành trong năm 2025.

Đây là “cú huých” và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mà cho cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với việc xây dựng các trung tâm tài chính, Chính phủ cam kết sẽ tăng cường đối thoại kinh tế, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt cho các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, chuỗi giá trị trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, xây dựng chính sách đủ mạnh để kết nối kinh doanh, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Cũng trong ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Đối tượng được hưởng hỗ trợ là các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Quỹ cũng thực hiện hỗ trợ chi phí dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao…

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự ra đời của quỹ là cần thiết, nhằm bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, giúp ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024.

Theo ông Mại, Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.

Tuy nhiên, sự giảm nhẹ của vốn đăng ký cấp mới trong năm 2024 cũng cho thấy đang có những điều chỉnh trong chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và xu hướng này cần được theo dõi, phân tích kỹ để kịp thời có những chính sách phù hợp thu vốn FDI trong tình hình mới.

Đặc biệt, xu hướng chung của dòng vốn FDI toàn cầu được dự báo vẫn tiếp tục suy giảm và cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các quốc gia ngày càng gay gắt hơn. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng để tiếp tục duy trì là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu, nhất là vốn chất lượng cao.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2024 đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 19,73 tỷ USD, giảm 7,6%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt 13,96 tỷ USD, tăng 50,4%; giá trị góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4,54 tỷ USD, giảm 48,1%. Trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 4,2%.

Theo Phương Anh/Nhandan.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load