Luật Thủ đô (sửa đổi) giao cho Hà Nội quyền chủ động trong việc huy động cũng như sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách để phát triển.
Đây là những quy định chưa từng được áp dụng, giúp Hà Nội tăng tính chủ động, cũng như đánh thức tiềm năng, nguồn lực rất lớn hiện có của thành phố, phục vụ mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững.
Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo quyền chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc huy động, sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách để phát triển. Ảnh: Quang Thái |
Đánh thức tiềm năng bằng cơ chế
Thủ đô Hà Nội có các đặc thù cũng như chức năng mà ít thủ đô nào trên thế giới có. Là trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục, động lực của vùng…, Hà Nội đồng thời là địa phương đông dân và có mật độ dân số cao, nơi xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận và người dân sống ở nông thôn nhiều hơn người dân sống ở đô thị…
Với đặc thù như thế, trong giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển của Hà Nội lên tới 650 nghìn tỷ đồng. Song, khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước của Thủ đô chỉ là 284,1 nghìn tỷ đồng, thiếu hụt 365,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 56% tổng nhu cầu chi. Đáng nói, tổng nhu cầu chi giai đoạn 2026-2030 dự báo còn tăng lên tới 704,8 nghìn tỷ đồng, mức thiếu hụt cũng được dự báo sẽ tăng lên 394,2 nghìn tỷ đồng.
Xác định chỉ có những cơ chế đặc thù vượt trội mới có thể giải quyết được sự thiếu hụt về nguồn lực, từ đó tạo nền tảng đưa Thủ đô Hà Nội phát triển thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, đáng chú ý là các cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực của Thủ đô theo các cơ chế được thiết kế chủ yếu nhằm mục tiêu đánh thức tiềm năng, nguồn lực rất lớn hiện có của thành phố.
Phát huy vai trò nguồn lực
Trong số những chính sách về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội đánh giá, điểm nhấn đáng lưu ý là nguồn thu mới bổ sung cho ngân sách thành phố từ việc áp dụng một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Cùng với đó, điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Luật cũng trao quyền cho UBND thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính và các tổ chức khác trong nước, từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại và từ nguồn trái phiếu chính phủ phát hành với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn để thực hiện dự án trọng điểm của thành phố, UBND thành phố báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định.
Ngân sách thành phố được giữ lại toàn bộ phần ngân sách trung ương được hưởng theo tỷ lệ phân chia các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, cơ sở phải di dời.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển bền vững, giảm phát thải và phát triển năng lượng tái tạo, khoản thu từ giao dịch tín chỉ các bon từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon sử dụng ngân sách thành phố là khoản thu ngân sách hưởng 100%.
Cùng với trao cơ chế để tạo ra nguồn lực, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng nêu rõ lộ trình, trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Thủ đô trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể.
Với những chủ trương trên, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam hy vọng rằng các giải pháp về huy động và sử dụng nguồn lực đang được nêu trong Luật Thủ đô sẽ tạo ra những đột phá mới về phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế - giáo dục, văn hóa - thể thao, khoa học - công nghệ, môi trường, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới.
Đề cập những mong muốn cụ thể, liên quan sát sườn đến đời sống người dân, cử tri Hồ Sỹ Hồng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy kỳ vọng, ngay khi luật đi vào đời sống, lãnh đạo thành phố sẽ phát huy sự chủ động, năng động, sáng tạo, tạo nền tảng đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng sống cao. Trước hết, đó là việc đầu tư đồng bộ kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là 9 tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường nối các đô thị vệ tinh với trung tâm, các cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đà; đầu tư các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao, các công trình văn hóa, thể thao đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước.
Một nhiệm vụ khác cần thực hiện là đầu tư cải cách chế độ công vụ: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền Thủ đô chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá đi lên, nhất là đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội mũi nhọn.
Theo Hà Phong/hanoimoi.vn