Thứ bảy 27/07/2024 07:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Liên minh HTX Việt Nam: Dùng trụ sở cơ quan ở miền Trung để… nuôi yến

17:52 | 11/08/2022

(Xây dựng) - Sau khi đăng tải bài viết “Ai đứng sau vụ hô biến đất công tại số 77 Nguyễn Thái Học”, Báo điện tử Xây dựng tiếp tục nhận được ý kiến từ bạn đọc thêm một vụ vi phạm Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định 151/NĐ-CP từ quyết định của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại trụ sở cơ quan thường trực miền Trung - Tây Nguyên, vốn dĩ được ngân sách Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang dùng để nuôi chim yến. Không chỉ vậy, hoạt động của Trung tâm Công nghệ sinh học liên quan đến trụ sở này cũng có nhiều vấn đề đặt ra nghi vấn chuyện lợi ích nhóm.

lien minh htx viet nam dung tru so co quan o mien trung de nuoi yen

Theo Nghị quyết số 1165 ngày 6/11/2018, phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm có nhiệm vụ thực hiện Chương trình hợp tác số 162/CTrHT-LMHTX-UBND ngày 15/6/2018 giữa Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam về việc hợp tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ trồng, chế biến sâm Ngọc Linh và dược liệu giai đoạn 2018-2025 nhằm hỗ trợ hợp tác xã trên địa bàn Quảng Nam phát triển cây sâm Ngọc Linh. Sau khi thực hiện nhiệm vụ nêu trên hiệu quả, Trung tâm báo cáo để Liên minh HTX Việt Nam phê duyệt thực hiện công việc khác.

Dấu hỏi hoạt động của Trung tâm Công nghệ sinh học

Mục đích, ý nghĩa thành lập Trung tâm rất cao cả nhưng ngay sau đó 3 tháng, chính ông Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo lại ký ban hành tiếp Nghị quyết 270 ngày 28/6/2019 giao tầng 5 tòa nhà 5 tầng tại trụ sở miền Trung - Tây Nguyên cho Trung tâm Công nghệ sinh học sử dụng để đầu tư thí điểm nuôi yến.

Thực tế, trong vòng 3 tháng, từ khi ban hành nghị quyết đến thực tế triển khai, thời gian đó chưa đủ để có kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ, lấy đâu ra đánh giá về tính hiệu quả của việc phát triển sâm Ngọc Linh ở các hợp tác xã. Bất chấp việc chưa có đánh giá tính hiệu quả của dự án sâm Ngọc Linh, ông Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục phê duyệt thực hiện công việc khác là nuôi yến.

Điều mà dư luận bất bình hơn là ông Bảo lại ký nghị quyết cho phép sử dụng tầng 5 trụ sở cơ quan để nuôi yến. Lúc này, Nghị định 151/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều quản lý tài sản công có hiệu lực thi hành hơn 18 tháng. Câu hỏi đặt ra là phải chăng ông Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam không biết để thực hiện hay ngang nhiên coi thường kỷ cương, phép nước?

Theo Hợp đồng số 10/7/HĐUQSDLTCSVC ký ngày 10/7/2019, tại điều 5, khoản 1: bên B (Trung tâm Công nghệ sinh học) phải đóng góp cho bên A (Liên minh HTX Việt Nam) là 30.000 đồng/m2/tháng (không bao gồm thuế VAT) trên phần diện tích sử dụng thực tế là 350m2. Thời gian bắt đầu tính lợi tức được xác định từ tháng thứ 25 kể từ ngày Hợp đồng có hiệu lực (10/7/2019).

Có nghĩa là Trung tâm Công nghệ sinh học có trách nhiệm đóng góp mức lợi tức 30.000 x 350 = 10.500.000 đồng/tháng cho Liên minh HTX Việt Nam, thời hạn nộp lợi tức từ ngày 10/7/2021.

Hợp đồng cũng quy định: nếu bên B chậm chuyển lợi tức quá 2 tháng kể từ ngày phải chuyển theo hợp đồng thì bên A sẽ cắt điện, nước và đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Đáng chú ý, trong Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học do Trưởng ban Kinh tế đầu tư Nguyễn Hùng Tiến ký trình lãnh đạo Liên minh khẳng định tại điểm 5.2 của Đề án: “Kể từ năm 2021 trở đi, Trung tâm sẽ tự chủ tài chính hoàn toàn, với cơ chế khoán “lời hưởng, lỗ phải chịu”; ngoài ra, Trung tâm sẽ cam kết đóng góp cho Liên minh HTX Việt Nam 5% tổng doanh thu hàng năm, không phụ thuộc vào lợi nhuận kinh doanh”.

Tại điểm 7.2 của Đề án tiếp tục khẳng định: Trung tâm “nộp 5% doanh thu cho Liên minh HTX Việt Nam kể từ năm 2021 trở đi (kể cả khi hoạt động của Trung tâm thua lỗ)”.

Vậy mà đến nay, đã quá thời hạn 1 năm rồi nhưng Trung tâm chưa đóng 1 đồng lợi tức nào về cho Liên minh HTX Việt Nam.

Thậm chí, ông Trưởng ban Kinh tế đầu tư Liên minh HTX Việt Nam kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Nguyễn Hùng Tiến là người ký trình Đề án khẳng định việc Trung tâm sẽ nộp 5% doanh thu ngay cả khi thua lỗ. Ấy vậy mà chính ông Tiến lại liên tục làm đề nghị gia hạn thời gian nộp lợi tức tại văn bản ngày 01/8/2021, văn bản ngày 01/4/2022 và tờ trình ngày 19/7/2022.

Phải chăng có lợi ích nhóm ở đây, nếu không thì làm sao người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam lại có sự ưu ái, hay làm ngơ như vậy?

Nhập nhằng thuê 22,77ha đất của Nhà nước và câu hỏi lợi ích nhóm?

Trong Quyết định số 1188/QĐ-LMHTXVN ngày 8/11/2018 thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học do đích thân ông Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo ký bộc lộ mâu thuẫn khi tại Điều 1 cho phép Trung tâm Công nghệ sinh học được mở tài khoản tại kho bạc, nhưng Điều 2 lại khẳng định Trung tâm không phát sinh đầu mối ngân sách.

Không chỉ vậy, việc phân công ông Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, ủy viên Đảng đoàn kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, liệu có được phép hay không khi chính ông Phó Chủ tịch này lại đứng danh chủ tịch thương hiệu sâm Nghị Gia (thương hiệu sâm của gia đình ông Phó Chủ tịch - PV).

Và điều mà dư luận bất bình là chưa thấy kết quả chuyển giao công nghệ mà chỉ thấy ông Lê Văn Nghị lấy danh nghĩa Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam để đi quảng cáo, rao bán sâm “Nghị Gia” mang thương hiệu gia đình.

Phải chăng có lợi ích nhóm nên ông Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam mới nhắm mắt làm ngơ khi ký phân công như vậy, làm ngơ để cho cán bộ cấp phó nhân danh tổ chức, lấy thương hiệu của Liên minh HTX Việt Nam để “xập xí xập ngầu”, đánh lận, gây hiểu nhầm để đi quảng cáo bán sản phẩm cho công ty của gia đình ông Phó Chủ tịch?

Nghiêm trọng hơn là trước đó, khi UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Liên minh HTX Việt Nam thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với diện tích 22,77ha tại khoảnh 2,3 Tiểu khu 858, thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My tại Văn bản số 5168/UBND-KTN ngày 03/9/2019, thì có một sự “mờ ám” không hề nhẹ xảy ra ở đây.

Trong các tờ rơi giới thiệu sâm Nghị Gia của Công ty TNHH MTV Sâm Nghị Gia Ngọc Linh và thông tin về thương hiệu sâm Nghị Gia (Công ty riêng của gia đình Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - PV) đều gắn logo của Liên minh HTX Việt Nam hoặc con dấu của Trung tâm Công nghệ sinh học với chung một lời giới thiệu: “…, Tiến sỹ Lê Văn Nghị và các cộng sự đã được UBND tỉnh Quảng Nam cho thuê 22,77ha môi trường rừng nguyên sinh trong thời hạn 40 năm”.

lien minh htx viet nam dung tru so co quan o mien trung de nuoi yen
Tiến sỹ Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch thương hiệu sâm Nghị Gia.

Kỳ lạ thay, diện tích đất mà Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam được thuê lại trùng với diện tích đất mà Công ty TNHH MTV sâm Nghị Gia dùng để trồng và sản xuất chế biến ra sâm Nghị Gia. Phải chăng đang có sự lợi dụng pháp nhân của Liên minh HTX Việt Nam để thuê đất phục vụ mục đích riêng? Số tiền thuê đất của Nhà nước theo thỏa thuận với UBND tỉnh Quảng Nam thực chất sẽ do Trung tâm Công nghệ sinh học của Liên minh HTX Việt Nam trả hay Công ty TNHH MTV sâm Nghị Gia trả? Đang có sự nhập nhằng giữa Trung tâm Công nghệ sinh học và Công ty TNHH MTV sâm Nghị Gia?

Câu hỏi đặt ra tính hiệu quả của Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học, thực tế triển khai có xa rời bản chất ban đầu đưa ra cho tập thể thường trực là để hỗ trợ hợp tác xã cũng như thực hiện chương trình hợp tác với UBND tỉnh Quảng Nam về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trồng và chế biến sâm Ngọc Linh không? Hay đây chỉ là cách “mị dân”, còn thực tế là tạo công ty sân sau phục vụ cho nhóm lợi ích? Trách nhiệm của người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam ở đâu nếu để xảy ra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thất thoát tài sản công cũng như sai phạm trong sử dụng đất đai của Nhà nước?

Chơi trội, đi thang máy để… nuôi yến?

Theo biên bản họp ngày 5/7/2019 về thống nhất cho thuê diện tích tầng 5 khu nhà 5 tầng theo đề nghị của Trung tâm Công nghệ sinh học thì diện tích tầng 5 khu nhà 5 tầng có tổng diện tích sử dụng là 350m2 (không bao gồm hành lang, thang máy, cầu thang bộ và toilet).

Như vậy có thể hiểu tòa nhà 5 tầng này có thang máy và khu vực tầng 5 để nuôi yến. Vậy ra, Trung tâm Công nghệ sinh học này chơi trội thật, dùng chính trụ sở Liên minh HTX Việt Nam tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên làm cơ sở nuôi yến và nếu cần gấp là có thể đi thang máy để… nuôi yến?

Hợp đồng số 10/7/HĐUQSDLTCSVC cũng quy định: Việc nuôi chim yến đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến và pháp luật khác có liên quan. Cụ thể tại Mục 3, điều 3, chương II quy định: Tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở để nuôi chim yến kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tuy nhiên, điều làm cho dư luận thắc mắc là có ai lạ đời khi quy hoạch một phần trụ sở cơ quan Nhà nước làm nơi nuôi yến như vậy hay không?

Cần lưu ý thêm ở Điều 4 của Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT có quy định về sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến. Theo đó, cường độ âm thanh không vượt quá 70 dBA (Đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Như vậy, nuôi yến phải có âm thanh, âm thanh lại phát ra ở trụ sở cơ quan có nghịch lý hay không?

Ngoài ra, ở Điều 5 của Thông tư có quy định về vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh. Trong đó quy định cơ sở nuôi chim yến phải có trang phục bảo hộ như quần áo, giày, ủng, khẩu trang. Người làm việc và khách tham quan phải mặc trang phục bảo hộ của cơ sở và rửa tay bằng xà phòng trước khi vào và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến. Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần…

Như vậy, lấy một phần trụ sở cơ quan để làm cơ sở nuôi yến có phù hợp với môi trường, cảnh quan làm việc của cả hai bên hay không? Và chắc chắn sẽ khó tránh chuyện gây ô nhiễm môi trường từ việc nuôi chim yến tại trụ sở cơ quan Nhà nước.

Những gì mà Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh trước đó về khuất tất quanh việc “hô biến” trụ sở công ở số 77 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình (Hà Nội) nhiều năm nay trở thành showroom nội thất, cùng với việc “biến” trụ sở cơ quan thường trực miền Trung - Tây Nguyên của Liên minh HTX Việt Nam thành nhà nuôi chim yến, chính là lời cảnh báo cho người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam nên soi rọi lại chức phận, trách nhiệm của mình là có phục vụ lợi ích của cá nhân hoặc phe nhóm hay không?

Chắc chắn các cơ quan kiểm tra Đảng, Thanh tra, cơ quan bảo vệ pháp luật khi vào cuộc không thể bỏ qua trách nhiệm của người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam trong việc ban hành các quyết định trái quy định pháp luật trong việc cho thuê tài sản công, sử dụng tài sản công sai mục đích, cũng như làm rõ có hay không hành vi trục lợi, lợi ích nhóm trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong đầu tư trồng và sản xuất chế biến sâm Ngọc Linh trên diện tích đất được Nhà nước cho thuê?

Trần Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load