Thứ ba 07/05/2024 01:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lào Cai: Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới

22:59 | 20/11/2023

(Xây dựng) – Sau 5 năm triển khai thực hiện, tỉnh Lào Cai đã thu được nhiều kết quả khả quan từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, liên kết các hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Lào Cai: Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới
Việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP đã giúp người nông dân ở Lào Cai tăng 10% thu nhập so với ngày trước.

Phát triển vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực của địa phương

Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đó là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Bởi vậy, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 phê duyệt Chương trình OCOP, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt để triển khai Chương trình như thành lập bộ máy quản lý, bổ sung nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP vào Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, chỉ đạo xây dựng Đề án, tổ chức cho các cơ sở sản xuất đăng ký dự thi sản phẩm và đánh giá sản phẩm OCOP thường niên. Tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ cho sản phẩm đạt sao OCOP để tạo ra phong trào phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, tỉnh có lợi thế về thị trường rộng lớn để tiêu thụ các sản phẩm nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng. Tỉnh còn có cửa khẩu quốc gia, quốc tế giao thương với Trung Quốc, có các khu du lịch Sapa, Bắc Hà, Y Tý mỗi năm đón hàng triệu lượt khách và hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy liên thông với quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, Lào Cai có địa hình phong phú, đa dạng, phân tầng rõ rệt tạo ra tiểu vùng khí hậu đặc trưng, thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi của vùng nhiệt đới lẫn ôn đới. Hiện nay, tỉnh đã có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như chuối, dứa, chè, quế, lê Tai Nung, mận Bắc Hà, cá nước lạnh…

Cả tỉnh đang có 167 sản phẩm OCOP đang hoạt động sản xuất kinh doanh của 81 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn. Các sản phẩm thuộc 5 nhóm ngành là thực phẩm (140), đồ uống (13), thủ công mỹ nghệ (5), dược liệu (8) và dịch vụ du lịch (1) sản phẩm.

Trong năm 2022, hầu hết các sản phẩm OCOP ở tỉnh Lào Cai đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tăng trưởng nhiều nhất là nhóm thực phẩm với các sản phẩm tiêu biểu như trà giảo cổ lam Sapa, đông trùng hạ thảo Sapa, gạo Séng cù Mường Khương, thịt lợn đen, chè Shan hữu cơ Bản Liền, cải kale Bắc Hà…

Sau khi sản phẩm được công nhận, tỉnh đã tổ chức xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP của Lào Cai đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định lâu dài.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai chia sẻ: “Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã lan tỏa đến nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã chú trọng phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất”.

Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các cơ sở sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận OCOP vẫn hoạt động tốt, sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến và tin dùng. Số lao động làm việc tại cơ sở sản xuất tăng so với trước khi được công nhận. Thu nhập của người lao động được tăng lên khoảng 10%, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tăng doanh thu từ 15-30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết: “Việc phát triển sản phẩm OCOP, ở xã chúng tôi là cây chè hữu cơ, đã giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sau khi có chương trình OCOP, giá chè tăng lên, người dân cũng có thêm động lực để tham gia. Diện tích và sản lượng chè ngày càng tăng lên, chất lượng chè cũng được cải thiện tốt hơn so với ngày trước nhờ sử dụng phân bón hữu cơ và canh tác theo đúng kỹ thuật”.

Lào Cai: Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới
Tỉnh Lào Cai có nhiều lợi thế về khí hậu và địa hình để thực hiện Chương trình OCOP.

Mỗi năm tiêu chuẩn hóa 30 sản phẩm

Tuy đạt được nhiều thành tích, nhưng các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước. Một số sản phẩm như chuối, dứa, chè, quế đã xuất khẩu ra nước ngoài nhưng chủ yếu là nguyên liệu thô, chưa phải sản phẩm có tem nhãn của OCOP.

Mặt khác, nhận thức của người sản xuất về chương trình OCOP chưa đầy đủ, sản xuất chưa tập trung. Người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng. Thương hiệu OCOP chưa được nhiều người biết đến nên việc tiêu thụ sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Vàng A Vận, một người dân trồng chè ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà tâm sự: “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sẽ giúp đỡ người dân giữ gìn bản sắc riêng của chè Bản Liền, không mang cây chè nơi khác đến trồng ở đây. Việc xây dựng thương hiệu chè Bản Liền rất quan trọng vì chè ở đây chưa được biết đến rộng rãi, nhưng chất lượng thực sự tốt, đã được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao”.

Một vấn đề khác là sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nhiều hộ nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP quy mô còn nhỏ, tính hàng hóa chưa cao, ít tác động đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai sẽ phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 150 sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương, mỗi năm 30 sản phẩm. Tỉnh cũng sẽ triển khai xây dựng và phát triển 1 – 2 làng, bản du lịch cộng đồng; Củng cố ít nhất 60 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương (công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã...) và phát triển mới ít nhất 30 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Để nâng cao nhận thức của người dân và tăng cường sự liên kết, hợp tác của các bên liên quan, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu đào tạo, tập huấn 100% cho các đối tượng là thành viên Ban chỉ đạo, thành viên của các Hội đồng, tổ giúp việc OCOP các cấp, trưởng thôn, bản và cán bộ chủ chốt cấp xã; Đào tạo, tập huấn phương án, kế hoạch quản lý sản xuất, kinh doanh cho 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Về mặt xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên được giới thiệu, quảng bá trên Đài phát thanh, truyền hình tỉnh và tham gia các hội chợ cấp tỉnh, Trung ương tổ chức. 100% chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP có website riêng phục vụ quảng bá và xúc tiến thương mại điện tử. Các huyện, thị xã, thành phố cũng sẽ phấn đấu xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm.

Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã xác định 6 nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện. Trước hết là tiếp tục triển khai thực hiện Chu trình OCOP theo 6 bước của Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP.

Lào Cai: Phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực xây dựng nông thôn mới
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai sẽ rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP.

Tỉnh sẽ tập trung rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; Khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm. Một số dự án phát triển sản phẩm OCOP theo Đề án được duyệt tại Quyết định số 2997/QĐ-UBND ngày 28/09/2018 của UBND tỉnh Lào Cai cũng sẽ được triển khai thực hiện.

Hai nhiệm vụ quan trọng khác là đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP. Sau đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, tập trung thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao. Công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa Chương trình OCOP cũng phải được đẩy mạnh để các tầng lớp xã hội và người dân trên toàn tỉnh thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện Chương trình OCOP.

Hữu Mạnh- Ảnh Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load