(Xây dựng) - Là mô hình xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội, tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở cho hàng nghìn sinh viên. Vậy nhưng, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, công trình mang ý nghĩa xã hội to lớn này lại đang có nhiều dấu hiệu biến tướng thành “tổ hợp kinh doanh, dịch vụ”.
Cổng vào Làng sinh viên Hacinco tại đường Ngụy Như Kon Tum.
Theo tìm hiểu được biết, Làng sinh viên Hacinco là dự án thí điểm đầu tiên trên địa bàn Hà Nội áp dụng hình thức xã hội hóa giáo dục, do Cty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (đơn vị trực thuộc Tổng Cty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư. Theo Quyết định phê duyệt số 4289/QĐ-UB ngày 23/8/2000 của UBND TP Hà Nội, với tổng mức đầu tư ban đầu của dự án gần 90 tỷ đồng và sau đó được điều chỉnh thành 210 tỷ đồng (tại Quyết định số 7324/QĐ-UB ngày 02/11/2004), thực hiện tại giai đoạn 2 của dự án. Nguồn vốn của dự án là do vốn tự có và vốn huy động của doanh nghiệp, dựa trên cơ chế ưu đãi được xem xét vay vốn từ Quỹ phát triển nhà ở của Hà Nội và thành phố hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2000 trên diện tích 23.000m² thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đến ngày 10/10/2001, Làng sinh viên Hacinco chính thức đi vào hoạt động, gồm ba tòa nhà bảy tầng và một nhà điều hành. Đến năm 2002, tiếp tục hoàn thành tòa nhà Khách sạn Thể thao; năm 2009, đã khánh thành tòa nhà 17 và 21 tầng với tổng số 555 phòng ở chất lượng cao với mục tiêu là tạo nơi ăn, chốn ở cho sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thủ đô. Tuy nhiên, theo quan sát của PV đến thời điểm hiện tại, một phần cơ sở vật chất đã bị “biến tướng” thành chuỗi các tổ hợp kinh doanh, tụ điểm ăn chơi như nhà hàng, quán bia, đái lý xe máy, quán cafe...
Một cửa hàng của Cty Honda bủa vây tầng 1 tòa nhà A của Làng sinh viên Hacinco.
Thậm chí, tầng hầm để xe được cải tạo lại cho thuê kinh doanh trong khi xe của sinh viên và các hộ gia đình phải để ngoài trời. Đa phần diện tích dành cho các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao đã trở thành bãi đỗ xe.
Cũng theo tìm hiểu của PV, dù mục tiêu dự án là phục vụ sinh viên, nhưng để thuê nhà trong khu này, không phải sinh viên nào cũng vào được. Bởi lẽ số phòng hạn chế, nếu muốn vào thuê cũng phải đúng thời điểm. Thế nhưng, điều vô lý là trong khi nhu cầu của thuê phòng của sinh viên là rất lớn thì tại đây không ít phòng đối tượng thuê lại là những người đã đi làm, hay hộ gia đình. Phải chăng đang có sự “ưu ái” của ban quản lý tòa nhà đối với các hộ gia đình muốn thuê nhà ở đây?
Trao đổi với PV, bạn H. sinh viên năm 3 trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Ở đây không chỉ có sinh viên các trường CĐ, ĐH xung quanh mà còn có cả các hộ gia đình, người đi làm nhưng tiền thuê sẽ đắt hơn so với sinh viên”. Theo tìm hiểu, giá phòng dành cho hộ gia đình ở đây dao động theo diện tích, khoảng 3.840.000đ đối với phòng 32 m; 5.700.000đ đối với phòng 64m² chưa tính các phụ phí như gửi xe, điện nước...
Không khó để có thể thuê được nhà ở đây cho dù không phải là sinh viên.
Với thực tế nêu trên, Làng sinh viên Hacinco liệu có đạt được mục đích như chủ đầu tư đã giới thiệu ban đầu? Rõ ràng việc cho thuê tràn lan những tổ hợp dịch vụ không chỉ nhằm mục đích phục vụ sinh viên, điều này đã và đang tạo ra dư luận xấu, gây bất bình trong xã hội. Cần có sự vào cuộc từ cơ quan chức năng nhằm thanh kiểm tra để đưa công trình này về đúng mục đích ban đầu theo chủ trương thực hiện dự án.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
N.H
Theo