(Xây dựng) - Gần đây, dư luận xôn xao với bao câu hỏi, tại sao Hà nội lại mua nước sông Đuống cao gấp 2 lần nhà máy nước sông Đà cùng tiêu chuẩn? Tại sao UBND thành phố Hà Nội lại bỏ ra nhiều tỷ đồng để bù giá cho Nhà máy nước sông Đuống?
Đồng thời cũng nhiều chuyên gia cho rằng: Đã một thời Nhà nước phải bù giá điện, bù giá nước cho dân bởi lúc đó Nhà nước chưa có chủ trương xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực này. Các công ty cung cấp điện, các công ty cung cấp nước là 100% vốn nhà nước và là công ty phục vụ công ích. Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp, hệ thống đường dẫn để cấp điện và cấp nước cho nhân dân. Nếu tính giá thành đầu tư vào giá trị một m3 nước hoặc một kw điện thì người dân không thể chịu được, vì vậy việc bù giá cho các doanh nghiệp là việc đương nhiên, nhưng Nhà nước cũng phải quản lý một cách rất chặt chẽ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn dẫn đầu Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình cấp nước sạch Hà Nội ngày 26/11/2019 (Ảnh: Thiên Trường). |
Bù giá hiện nay đã trở thành câu chuyện dĩ vãng khi mà các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực cấp điện và cấp nước cũng như các dịch vụ khác đã được cổ phần hóa, tư nhân hóa thì tất cả những vấn đề giá cả do thị trường quyết định. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt như: Giá điện, giá nước, giá xăng dầu… Nhà nước vẫn phải quản lý và có những biện pháp cần thiết khi giá tăng đột biến. Trong những biện pháp đó thì có cả vấn đề bù giá khi thật cần thiết. Nhưng bù giá lúc này phải hiểu là việc bù giá trực tiếp cho nhân dân, cho người tiêu thụ chứ không phải bù giá cho nhà đầu tư?
Chính vì vậy khi phát hiện ra UBND thành phố Hà Nội phải bỏ ngân sách để bù giá cho nhà máy nước sông Đuống thì người ta thấy có điều gì “rất lạ”. Hình như không chỉ thuần túy là việc quản lý kinh tế yếu kém, mà còn có gì khuất tất?
Nếu hiểu theo quy định của Luật Xây dựng thì UBND thành phố Hà Nội cũng không cần chờ xem nhà máy nước sông Đuống thông qua kiểm toán đã chi phí hết bao nhiêu, trả lãi ngân hàng ra sao để xác định giá thành một m3 nước. Việc phải làm là kiểm tra xem công nghệ nhà máy nước có đúng “tiên tiến” như lúc quyết định chủ trương đầu tư hay không? Chất lượng xây dựng nhà máy, đặc biệt là hệ thống đường ống dẫn đã chôn trong lòng đất có đảm bảo chất lượng như đã đề ra ban đầu không? Chất lượng nước đầu ra có đảm bảo theo tiêu chuẩn y tế không?
Đó là những việc quản lý Nhà nước mà trách nhiệm UBND thành phố phải làm.
Một vấn đề khác, để thực hiện Quyết định 499/QĐ –TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về việc Phê duyệt quy hoạch cấp nước thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã xác định bổ sung 3 nhà máy nước mạch có công suất lớn để cấp cho thành phố Hà Nội theo từng giai đoạn đó là: Nhà máy nước sông Đà; Nhà máy nước sông Hồng; Nhà máy nước sông Đuống đã xác định đến năm 2020 xây dựng khoảng 156km đường ống có D >=1000mm và 686km có D<=1000mm.
Đúng ra UBND thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng đường ống theo quy hoạch hệ thống cấp nước theo các mạch vòng của thành phố, hệ thống đường ống cấp 1, cấp 2 và hệ thống phân phối phù hợp với công suất của các nhà máy đã nêu trên để đảm bảo cấp nước theo tiêu chuẩn đối với người dân đô thị và người dân nông thôn. Đảm bảo an toàn, an ninh và hiệu quả kinh tế trong việc cung cấp nước, đảm bảo cho người dân sử dụng nước với chất lượng cao và giá hợp lý. Nhưng việc này không được quan tâm, Hà Nội vẫn tiến hành theo phương án từng nhà máy cấp nước theo địa bàn hành chính. Các nhà máy nước không được đấu nối với nhau. Sự cố nhà máy nước sông Đà vừa qua khiến hàng triệu người dân không có nước sạch dùng trong nhiều ngày đã chứng minh điều đó. Trong trường hợp Nhà nước thiếu vốn đầu tư xây dựng đường ống dẫn chính để đấu nối với nhau thì có thể khuyến khích các nhà đầu tư để xây dựng đường ống đấu nối.
Gần đây, bạn đọc chuyển đến Báo điện tử Xây dựng một vài hợp đồng mua bán nước nội dung “rất lạ”. Cụ thể là Hợp đồng số 375/NS-HĐKT về mua bán nước giữa Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà và Công ty TNHH Hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, với nội dung chính như sau:
Ngày ký kết: Ngày 7/5/2019
“Đại diện các bên hợp đồng:
Đại diện bên bán nước sạch (Bên A): Công ty TNHH Hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai.
Đại diện bên mua nước sạch (Bên B): Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà
Điều 1: Nội dung mua bán
Bên A đồng ý bán cho bên B, đồng ý mua nước sạch từ nguồn nước của hệ thống nhà máy nước sông Đuống.
1.3 Mục đích sử dụng:
Phục vụ sinh hoạt khu dân cư và sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Điều 2: Sản lượng nước tiêu thụ - áp lực thời gian
2.1: Sản lượng nước tiếp nhận:
Năm 2019: Từ 1.500m3/ngày đêm – 4.000m3/ngày đêm. Yêu cầu bên B tiếp nhận tối thiểu 1.500m3/ngày đêm.
Năm 2020 – 2025: Từ 4.000 – 10.000m3/ngày đêm
Năm 2025 – 2030: Từ 10.000 – 27.000m3/ngày đêm
Điều 5: Giá nước sạch, phương thức thanh toán
5.1 (d): Giá bán nước sạch là 5.200 đồng/m3 (chưa bao gốm thuế VAT)
Bên A sẽ hỗ trợ bán giá nước sạch cho bên B trong 3 tháng đầu tiên từ thời điểm cấp nước để bên B vận hành ổn định với giá bán nước sạch qua đồng hồ tổng: 4.700 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT).
5.1 (c): Trong thời gian chưa hoàn thành điểm cấp nước số 1 quy định tại điều 1 và chưa có hệ thống đường ống riêng cấp cho bên B, Bên A cấp nước cho bên B qua hệ thống đường ống của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, bên A sẽ chịu 50% chi phí giá trị hợp đồng và được trừ vào tiền thanh toán nước hàng tháng giữa 2 bên.
8.2 (j): Bên B cam kết không được sử dụng chung hệ thống cấp nước, nguồn nước của bên A với các hệ thống cấp nước, nguồn nước khác. Cam kết chỉ sử dụng nguồn nước sạch từ nhà máy nước mặt sông Đuống của bên A để cung cấp cho các cư dân, khách hàng trong khu đô thị mà bên B đang quản lý, vận hành cấp nước…”
Nếu hợp đồng này có thật và đang thực thi, thì chắc chắn có nhiều nhận xét khác nhau. Riêng chúng tôi cho rằng:
Trong tình hình hiện nay, việc đầu tư các công trình cấp nước, cấp điện đang được các nhà đầu tư quan tâm. Chính vì vậy hãy coi giá nước sạch là giá thị trường cạnh tranh cũng như các loại nước khác đóng chai… Nhà nước chỉ quan tâm đến hệ thống mạch vòng cấp 1, cấp 2 và phát triển hệ thống ống dẫn đến các khu vực cung cấp và chịu trách nhiệm về nguồn nước thất thoát do ống dẫn. Theo hợp đồng nêu trên thì hiện nay giá nước sạch của Sông Đuống là 5.200đồng/m3 và khuyến mại còn 4.700 đồng/m3. Vậy cơ sở nào để Hà Nội bù giá? Tuy nhiên, với giá nước sạch trong từng giai đoạn HĐND thành phố cũng phải ban hành “giá trần” phòng khi có những sự biến động đột ngột về giá cả thì nhà đầu tư và người tiêu thụ nước có cơ sở thỏa thuận về giá nước.
Nếu làm được như vậy thì việc tổ chức cấp nước cho nhân dân trong toàn đô thị sẽ đảm bảo được sự công khai minh bạch và công bằng giữa nhà đầu tư và người mua nước. Cách làm theo hợp đồng bán nước nêu trên sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường do việc cạnh tranh thiếu lành mạnh của một vài nhà đầu tư được chính quyền ưu ái.
Chính vì vậy công việc đầu tiên là thành phố phải xem xét hệ thống doanh nghiệp từ việc đầu tư cấp nước cho đến việc bán nước cho từng hộ, để tổ chức gọn nhẹ, rõ trách nhiệm, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Không lý do gì mà việc cấp nước cho khu đô thị Xa La – Hà Đông, Văn Phú, Kiến Hưng mà phải kéo một đường ống dài nhiều km từ nhà máy nước sông Đuống về đây, trong khi nguồn nước sông Đà đã cấp tại đó với công suất theo quy hoạch giai đoạn đầu đã hoàn thành 300.000m3/ngày đêm; giai đoạn sau 600.000m3/ngày đêm. Không những thế, UBND thành phố Hà Nội lại quyết định đầu tư một nhà máy nước cũng thuộc tập đoàn của nhà máy nước sông Đuống tiếp tục đầu tư 300.000m3/ngày đêm tại Xuân Mai trong khi Thủ tướng chưa ký Quyết định phê duyệt quy hoạch cấp nước? Liệu có cần nhà máy nước này không, đó là câu trả lời của các cơ quan chức năng tham mưu cho thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Chúng tôi hy vọng UBND thành phố Hà Nội sẽ nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân thủ đô với giá cạnh tranh, hợp lý nhất.
Nhóm PV
Theo