(Xây dựng) - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Đảm bảo an ninh năng lượng, tính thống nhất trong công tác quản lý an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt, dịch vụ. |
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, việc bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực được thực hiện theo các quy định của Luật Điện lực ngày 03/12/2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012; Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện và Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP.
Hiện nay, dân số tăng cao, các dịch vụ kinh doanh, sản xuất phát triển theo đà tăng trưởng của nền kinh tế, vì vậy nhu cầu về sử dụng điện tăng cao dẫn đến phụ tải điện hàng năm liên tục tăng trưởng, có thời điểm tăng trưởng nóng đến hai con số (trên 10%). Các vụ tai nạn về điện có xu hướng tăng cao.
Các nội dung về an toàn sử dụng điện, đặc biệt là an toàn trong sử dụng điện sinh hoạt, dịch vụ chưa được quy định một cách đầy đủ và hệ thống trong Luật và các văn bản dưới luật, một số vấn đề liên quan đến các hành vi đe dọa an toàn vận hành lưới điện, đe dọa tính mạng và tài sản người dân do tai nạn điện gây nên cũng chưa có quy định cấm, vì vậy, các cơ quan đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, trong thực tế đã và đang xuất hiện các hành vi vi phạm quy định an toàn điện trong nhân dân gây mất an toàn sử dụng điện như: Tự ý sửa chữa, thay đổi kết cấu mạch điện trong nhà; tăng công suất phụ tải sử dụng điện vượt quá nhu cầu đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; tự ý kéo điện sử dụng sai mục đích đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện.
Do chưa có quy định tại Luật Điện lực nên chưa có cơ sở để quy định chế tài xử lý vi phạm hành chính, do đó chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi, vi phạm an toàn trong sử dụng điện, vi phạm quy trình vận hành dẫn đến tai nạn điện.
Theo Bộ Công Thương, Luật Điện lực cũ chưa có quy định chi tiết về công tác vận hành an toàn hồ chứa, công tác đảm bảo an toàn vùng hạ du đập thủy điện, công tác quản lý hoạt động trong phạm vi bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện, công tác phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành công trình với các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng chống thiên tai và ứng phó tình huống khẩn cấp. Các quy định này hiện đang được quy định rải rác ở Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Đứng trước lợi nhuận có được từ hoạt động phát điện, nhiều chủ hồ thủy điện xem nhẹ việc tuân thủ quy định pháp luật về quy trình vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, kiểm định, quan trắc công trình để đạt được mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, tình trạng vi phạm quy trình vận hành dẫn đến nguy cơ sự cố nghiêm trọng vẫn diễn ra phổ biến tại các chủ đập, hồ chứa thuộc khối doanh nghiệp tư nhân, ngoài nhà nước...
Theo Bộ Công Thương, công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện có đặc thù khác biệt với hồ chứa thủy lợi như: Mục tiêu vận hành công trình khác nhau; đối tượng quản lý khác nhau; chế độ vận hành khác nhau, loại hình đập thủy điện đa dạng và phức tạp hơn cần có quy định cụ thể cho từng loại hình phù hợp, đồng bộ, thống nhất với công tác quản lý an toàn điện nói chung...
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2018/NĐ-CP đã phần nào giải quyết được vấn đề khung pháp lý của lĩnh vực thủy điện. Nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý trong việc quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, cần Luật hóa một số nguyên tắc, quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP để quy định tại Luật Điện lực, đặc biệt là những nội dung mang tính chuyên ngành, đặc thù để điều chỉnh vấn đề an toàn đập, hồ chứa thủy điện so với vấn đề quản lý an toàn đập, hồ chứa nước nói chung. Theo đó sẽ phân cấp cho Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Ngoài ra, đứng trước bối cảnh sự gia tăng của nguồn điện năng lượng tái tạo, việc bổ sung quy định liên quan đến an toàn công trình điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới là hết sức cần thiết.
Do đó, Bộ Công Thương đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực nhằm bảo đảm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện lực, qua đó bảo đảm việc an toàn cho các công trình điện lực (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn công trình thủy điện tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan trước khi đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo an ninh năng lượng; bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản lý an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt, dịch vụ.
Bổ sung nhiều quy định mới
Tại dự thảo, bên cạnh việc kế thừa các quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP và Nghị định số 51/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều quy định mới như:
Tại Chương II - Bảo vệ an toàn công trình điện lực, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung quy định chi tiết về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm, trạm điện và công trình nguồn điện. Đây là những quy định trước đây đã từng được quy định tại Luật Điện lực năm 2004, nhưng Luật Điện lực mới đã rút ngắn để giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đề xuất bổ sung quy định về hành lang bảo vệ an toàn đối với công trình điện gió (cả trên đất liền và trên biển).
Không đưa các quy định cụ thể về đền bù, bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trong hành lang bảo vệ an toàn như đã quy định tại Nghị định14/2014/NĐ-CP và Nghị định 51/2020/NĐ-CP (do Điều 68 Luật Điện lực mới đã quy định việc bồi thường hỗ trợ đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực được thống nhất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Hiện nay đã có quy định chi tiết tại Nghị định số 88/2024/NĐ-CP).
Tại Chương III - An toàn điện, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung một số quy định mới như: quy định chi tiết về huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện, biển báo an toàn điện (trên cơ sở quy định từ Thông tư số 05/2021/TT-BCT cua Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện). Quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức cá nhân sử dụng điện, đơn vị bán điện về an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, dịch vụ...
Ngọc Linh
Theo