(Xây dựng) – Như đã đề cập ở các kỳ trước, mặc dù ngành Xây dựng đã đạt được một số thành tựu trong việc sử dụng năng lượng (SDNL) tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) trong công trình xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và chiếu sáng công cộng, nhưng ở cả 3 lĩnh vực đều còn tồn tại những khó khăn, thách thức. Tại Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về SDNL TK&HQ giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Bộ Xây dựng đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 14% tổng tiêu thụ nhiệt năng và 9,68% tổng tiêu thụ điện năng so với giai đoạn 2015 – 2018. Để khắc phục những “rào cản” thực tại và mục tiêu nói trên, ngành Xây dựng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển CTX, công trình TKNL trước hết cần có thay đổi thể chế, chính sách. |
Các giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng
Thời gian qua, việc phát triển công trình xanh (CTX) tại Việt Nam dù có sự tăng trưởng đột phá, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh (VLX), vật liệu tiết kiệm năng lượng (TKNL); thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về CTX. Nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dich vụ về CTX chưa cao. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án CTX còn hạn chế...
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển CTX, công trình TKNL, ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trước hết cần có thay đổi thể chế, chính sách; Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, quy định hiện hành về TKNL, tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Bộ Xây dựng sẽ chủ động lồng ghép và nghiên cứu xây dựng mới, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển CTX, SDNL, tài nguyên TK&HQ, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong quá trình xây dựng; Ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Ông Phạm Minh Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh, trong đó có các dự án CTX; Quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; Nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho VLXD vào nội dung dự thảo Luật SDNL TK&HQ sửa đổi.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức triển khai và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí CTX trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội theo tiêu chí CTX.
Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng SDNL hiệu quả; Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn về TKNL; Nghiên cứu, công bố suất vốn đầu tư cho đầy đủ các loại hình công trình để tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư xây dựng CTX.
Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết thêm, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thường xuyên nghiên cứu, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng thiết kế, thi công xây dựng, vận hành đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, CTX, phát thải thấp, trung hòa carbon.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động nghiên cứu, xây dựng, lồng ghép và triển khai nội dung phát triển CTX trong các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án về phát triển đô thị xanh, SDNL TK&HQ, bảo vệ môi trường, giảm phát thải trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển các CTX, giảm phát thải, trung hòa carbon đến các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, trang thiết bị, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công xây dựng và người sử dụng công trình.
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy sử dụng TKNL trong công trình xây dựng, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh các giải pháp từ việc quy hoạch đô thị, kiến trúc, thiết kế trong tòa nhà, công trình xây dựng theo hướng TKNL; Sử dụng vật liệu tiêu thụ ít năng lượng, trang thiết bị hiệu quả năng lượng như thông gió, chiếu sáng, thiết bị gia dụng khác…; Áp dụng các giải pháp công nghệ để vận hành các tòa nhà, công trình xây dựng một cách tối ưu, hiệu quả.
Ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật SDNL TK&HQ, trong đó dự kiến xem xét, sửa đổi một số chính sách.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên nghiên cứu, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng. |
Thứ nhất là chính sách xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về SDNL TK&HQ, trong đó có công trình xây dựng.
Thứ hai là chính sách về nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cơ quan tại địa phương trong việc giám sát thi hành Luật SDNL TK&HQ.
Thứ ba là ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tài chính và ưu đãi tài chính cụ thể hơn, rõ ràng hơn, trong đó có việc kiến nghị xem xét hình thành Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ, năng lượng tái tạo…
Với đa dạng các giải pháp tổng thể nói trên, hy vọng trong thời gian tới, sự phát triển CTX, công trình TKNL tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
Cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng
Đối với lĩnh vực sản xuất VLXD, tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng (XM), sắt thép và VLXD diễn ra vào tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm, phát triển ngành XM, VLXD phải sử dụng TK&HQ tài nguyên, TKNL, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; Khai thác sử dụng tiết kiệm khoáng sản; Áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất…
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất XM và các nhà máy sản xuất VLXD khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo… trong sản xuất; Nghiên cứu quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ nguồn thải về chi trả chi phí vận chuyển và xử lý rác thải, tro xỉ, thạch cao… để làm nhiên liệu, nguyên liệu trong sản xuất XM và sản xuất VLXD khác.
Về phía doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư và nguyên liệu đầu vào để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm.
Cụ thể, doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đối với công nghệ, thiết bị của các nhà máy sản xuất hiện có để tiết giảm chi phí sản xuất, TKNL, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Doanh nghiệp đầu tư các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư, tiết giảm chi phí điện năng; Đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm…
Các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. |
Đại diện Bộ Xây dựng, ông Hoàng Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD cho rằng, để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp XM, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thực hiện một số giải pháp, bao gồm: Rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành VLXD nhanh và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền để sản xuất điện, sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải một số ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao,… làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế trong sản xuất XM.
Các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; Rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện; Áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất SDNL trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất.
Doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đổi mới công nghệ, thiết bị để tiết giảm chi phí sản xuất, TKNL, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Đầu tư các hệ thống nguồn điện tự dùng, điện mặt trời, phát điện tận dụng nhiệt dư trong các nhà máy sản xuất clinker xi măng, để sử dụng cho sản xuất, giảm chi phí điện năng, giảm phát thải; Đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất.
Nghiên cứu, ban hành quy định bắt buộc sử dụng thiết bị TKNL
Đối với lĩnh vực chiếu sáng công cộng, để thúc đẩy SDNL TK&HQ trong thời gian tới, ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý điện chiếu sáng, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (HAPULICO) đề xuất, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về xây dựng chính sách, cơ chế tài chính và hoàn thiện công tác phân cấp; Sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh và TKNL; Nâng cao năng lực đơn vị quản lý vận hành.
Nghị định 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị được Chính phủ ban hành năm 2009, Quyết định 1874/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010, đến nay đã trên 10 năm. Hiện đã có nhiều thay đổi từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi về quản lý vận hành khai thác hệ thống CSCCĐT, về công nghệ chiếu sáng, yêu cầu mới đáp ứng đô thị thông minh... Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về CSCCĐT theo hướng rà soát và hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành tập trung vào các vấn đề liên quan.
Ngoài ra, Chính phủ cũng phải thực hiện các giải pháp về tài chính trong phát triển hạ tầng CSCCĐT theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững; Hỗ trợ tài chính và ban hành các chính sách khuyến khích đối với công nghệ chiếu sáng công cộng xanh; Hoàn thiện phân cấp quản lý hệ thống CSCCĐT.
Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nhu cầu đáp ứng đô thị thông minh, xu hướng xây dựng hệ thống CSCCĐT theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững sẽ phải ứng dụng các thành tựu mới nhất về IoT (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Đối với giải pháp nâng cao năng lực đơn vị quản lý vận hành CSCCĐT, theo ông Lê Trung Kiên, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp cần phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành kết hợp với đầu tư mở rộng các xe chuyên dùng sửa chữa lưới điện giúp đảm bảo công tác quản lý hệ thống CSCCĐT được hiệu quả.
Cần ban hành quy định bắt buộc sử dụng các thiết bị xanh và thông minh trong các công trình CSCCĐT lắp đặt mới. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam thì nhấn mạnh, cần đổi mới và hoàn thiện nội dung quy hoạch chiếu sáng, trong đó bổ sung các nội dung có liên quan đến chiếu sáng thông minh, chiếu sáng LED; Tiếp tục tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chiếu sáng để làm cơ sở lập kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn cho chiếu sáng đô thị.
Thứ hai, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến chiếu sáng LED (thiết kế, xây dựng, sản xuất vật tư, thiết bị, vận hành, khai thác…); Đẩy nhanh công tác dán nhãn năng lượng theo lộ trình trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng chiếu sáng LED - chiếu sáng thông minh trong đô thị (vốn, thuế doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu, giá…) và chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển chiếu sáng, đặc biệt ứng dụng cộng nghệ mới.
Về phía doanh nghiệp, Công ty Signify Việt Nam có đề xuất 4 giải pháp để thúc đẩy hệ thống chiếu sáng công cộng SDNL TK&HQ hơn trong thời gian tới. Giải pháp thứ nhất là tăng cường sử dụng đèn LED và các nền tảng chiếu sáng IoT. Các đèn LED tiêu thụ ít năng lượng hơn so với các loại đèn khác và tuổi thọ của chúng cũng cao hơn. Điều này sẽ giảm chi phí hoạt động cho hệ thống chiếu sáng công cộng và giúp TKNL.
Giải pháp thứ hai là cài đặt cảm biến chuyển động để bật đèn chỉ khi có người hoặc phương tiện di chuyển qua đó. Điều này sẽ giảm lượng năng lượng tiêu thụ không cần thiết và tăng tuổi thọ của đèn.
Giải pháp thứ ba là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió để sản xuất điện. Điều này sẽ giúp giảm lượng khí thải và tiết kiệm chi phí hoạt động.
Giải pháp thứ tư là tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng để giảm lượng năng lượng tiêu thụ không cần thiết. Các biện pháp như tăng độ sáng của các đèn tại các khu vực có mật độ dân cư thấp và giảm độ sáng tại các khu vực có mật độ dân cư cao có thể giúp TKNL.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đang nghiên cứu nhằm đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị. Trong đó, dự kiến bổ sung một số nội dung về chiếu sáng thông minh, các chính sách ưu đãi, khuyến khích chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; Bổ sung quy định hướng dẫn hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống CSCCĐT.
Các đơn vị chiếu sáng có thể tập trung tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng để giảm lượng năng lượng tiêu thụ không cần thiết. |
Ngoài ra, Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng muốn đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025, trong đó bổ sung nội dung chiếu sáng thông minh vào trong mục tiêu tổng quát, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị thông minh hiện nay.
Cục Hạ tầng kỹ thuật hiện đang rà soát lại các chỉ tiêu về chiếu sáng sử dụng nguồn sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện, chỉ tiêu tỷ lệ đường phố được chiếu sáng để điều chỉnh phù hợp với giai đoạn tới. Đối với chỉ tiêu chiếu sáng sử dụng nguồn sáng hiệu suất cao tiết kiệm điện, có thể ấn định luôn là sử dụng nguồn sáng LED.
Hy vọng với những giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, công tác SDNL TK&HQ trong ngành Xây dựng sẽ ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực hơn, góp phần hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030; Cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.
Tâm Anh – Mạnh Mai
Theo