Thứ sáu 27/12/2024 04:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Ngành Xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như thế nào?

Kỳ 4: Chiếu sáng công cộng ngày càng thông minh và tiết kiệm năng lượng hơn

13:10 | 23/09/2024

(Xây dựng) – Cùng với công trình xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, chiếu sáng công cộng đô thị cũng là một trong những nguồn tiêu thụ năng lượng lớn trong ngành Xây dựng. Tại đô thị, việc phát triển hệ thống chiếu sáng theo hướng thông minh và tiết kiệm năng lượng (TKNL) rất cần thiết, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Kỳ 4: Chiếu sáng công cộng ngày càng thông minh và tiết kiệm năng lượng hơn
Ứng dụng hệ thống đèn LED trong chiếu sáng đường phố.

Chính sách chiếu sáng tiết kiệm năng lượng được chú trọng

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, các chính sách liên quan đến sử dụng năng lượng (SDNL) tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) trong chiếu sáng đô thị khá đầy đủ.

Luật SDNL TK&HQ năm 2010 đã quy định rõ: Bảo đảm hệ thống chiếu sáng công cộng được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với từng công trình và khu vực chiếu sáng; Ưu tiên sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, thiết bị chiếu sáng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tận dụng nguồn chiếu sáng tự nhiên. Khi sửa chữa, thay thế, lắp đặt mới thiết bị chiếu sáng công cộng phải sử dụng thiết bị chiếu sáng được xác định là sản phẩm TKNL.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về SDNL TK&HQ trong chiếu sáng công cộng thuộc về Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND các cấp.

Trước đó, Nghị định số 79/2009/NĐ-CP quy định về quản lý chiếu sáng đô thị đặt ra các yêu cầu chung về thiết kế, xây dựng, duy trì chiếu sáng đô thị; sự cần thiết phải quy hoạch chiếu sáng đô thị cũng như các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác hệ thống chiếu sáng đô thị. Trách nhiệm của chính quyền đô thị phải ban hành quy định cụ thể về chiếu sáng đô thị tại địa phương; làm rõ trách nhiệm các tổ chức cá nhân tham gia tổ chức chiếu sáng tại đô thị.

Định hướng phát triển Chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 chỉ rõ: Phát triển chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị; từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng chiếu sáng đô thị; đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới, tái tạo trong chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo dựng hình ảnh đô thị Việt Nam có bản sắc, văn minh hiện đại.

Ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, một số giải pháp đã được xác định cụ thể, như quy hoạch và phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị (CSCCĐT) theo kế hoạch; Ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, địa phương để phát triển hệ thống CSCCĐT; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành hệ thống CSCCĐT với các hình thức khác nhau...

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng hệ thống CSCCĐT, sử dụng năng lượng mới trong chiếu sáng đô thị, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện đạt tiêu chuẩn, đa dạng về chủng loại và đẹp về mẫu mã đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu…

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tiến, hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến xây dựng công trình, tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng, tiêu chuẩn về vật tư, thiết bị sản phẩm chiếu sáng, các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức dự toán đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu và ban hành…

Đa dạng các giải pháp chiếu sáng thông minh

Ghi nhận trên thực tế, nhiều đơn vị đã nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo trong hoạt động chiếu sáng nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng điện - năng lượng và bảo vệ môi trường.

Công ty TNHH Signify Việt Nam là một thương hiệu hàng đầu với những sản phẩm, sáng kiến chiếu sáng tiên tiến nhất. Doanh nghiệp này có những chiến lược, mục tiêu và hành động rõ ràng để hướng tới phát triển bền vững.

Ông Phùng Hoài Dương, Tổng Giám đốc Signify Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 và giảm 90% lượng phát thải ở phạm vi 1, 2 và 3 vào năm 2040. Trong lĩnh vực chiếu sáng nói chung, Signify hướng tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua những chiến dịch, ra mắt sản phẩm đạt hiệu suất cao, TKNL đến 80%”.

Tại Việt Nam, Signify đã giới thiệu những thương hiệu chiếu sáng hàng đầu thế giới như Philips, WiZ, Interact… đáp ứng được cho tất cả các nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp.

Signify Việt Nam đưa ra giải pháp chiếu sáng mỹ thuật và nâng cao mỹ quan công cộng biến các tòa nhà, cây cầu và tượng đài thành những địa danh đáng nhớ bằng tính năng quản lý cảnh quan Interact Landmark.

Giải pháp này có thể lập trình và quản lý các chương trình ánh sáng động từ xa bằng ứng dụng web được tối ưu hóa cho thiết bị di động và phần mềm quản lý nội dung; Có thể hỗ trợ phản ánh tinh thần của thành phố bằng cách thường xuyên thay đổi các màn trình diễn ánh sáng để phù hợp với mùa, lễ hội hoặc sự kiện.

Bên cạnh đó là giải pháp chiếu sáng đường phố với khả năng quản lý từ xa. Hệ thống cho phép người dùng bảo trì và giám sát một cách dễ dàng. Với dữ liệu chính xác từ hệ thống, người dùng còn có thể điều chỉnh ánh sáng phù hợp với từng khu vực.

Ông Phùng Hoài Dương cho biết, Signify Việt Nam đang nghiên cứu phát triển nền tảng chiếu sáng thông minh IoT Interact cho các đô thị, trong đó tập trung vào nhóm khách hàng là các tổ chức công - tư và cộng đồng doanh nghiệp trong việc chiếu sáng kết nối trong thời đại kỹ thuật số.

Signify Việt Nam thiết kế nền tảng IoT Interact hướng đến việc thu thập và xử lý khối lượng khổng lồ các dữ liệu chiếu sáng tạo ra từ số lượng điểm đèn, cảm biến, thiết bị và hệ thống chiếu sáng IoT.

Kỳ 4: Chiếu sáng công cộng ngày càng thông minh và tiết kiệm năng lượng hơn
Green Switch – Tiên phong chuyển bước “Xanh” là chương trình được Signify xây dựng để chung tay cùng các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân xây dựng những dự án chiếu sáng bền vững.

Với khả năng kết nối IoT, hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh của Signify còn có khả năng phân tích dữ liệu, chuẩn đoán hệ thống để phòng ngừa và khắc phục kịp thời sự cố, giảm thiểu chi phí bảo trì hay cùng kết hợp với các ứng dụng đô thị thông minh khác để tạo ra các dịch vụ giá trị gia tăng mới.

Trên toàn cầu, Signify đã lắp đặt 124 triệu điểm đèn có kết nối, mang đến nhiều hiệu quả tích cực cho các đô thị, thành phố. Một trong các dự án tiêu biểu là dự án chiếu sáng đường phố thông minh lớn nhất Đông Nam Á tại Jakarta (Indonesia) khi nâng cấp 90.000 bóng đèn đường thành công suất TKNL bằng công nghệ LED và kết nối chúng với phần mềm quản lý từ xa trong vòng 7 tháng.

Tại Việt Nam, một trong những công trình hiện đang ứng dụng giải pháp Interact của Signify là tòa nhà Novotel Đà Nẵng nằm bên sông Hàn, một điểm nhấn kiến trúc đô thị thông minh giữa lòng thành phố đáng sống.

Theo đại diện Signify Việt Nam, một hệ thống Interact có thể tiết kiệm đến 80% năng lượng tiêu thụ cho chiếu sáng đô thị, cải thiện 50% hiệu suất vận hành chiếu sáng thành phố, giảm đến 80% khí thải CO2, giảm thời gian tắt đèn do sự cố xuống dưới 1% nhờ khả năng báo lỗi và xử lý sự cố kịp thời.

Là nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về sản xuất nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã đầu tư, nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái TKNL Rạng Đông.

Từ ngày 31/12/2019, Rạng Đông đã dừng sản xuất sản phẩm đèn huỳnh quang, compact hiệu suất thấp, chuyển hoàn toàn sang sản xuất các sản phẩm đèn LED hiệu suất cao được sử dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Gần 130 sản phẩm LED của Rạng Đông đã được dán nhãn năng lượng.

Ông Nguyễn Hoàng Kiên, Quản đốc Xưởng LED Điện tử và Thiết bị chiếu sáng của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, sản phẩm LED hiệu suất cao Rạng Đông được bảo hành từ 2 – 5 năm, tỷ lệ hỏng không quá 0,2%/năm, rất tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, TKNL, giảm thiểu tối đa rác thải công nghiệp và chi phí năng lượng để xử lý rác thải.

Hiện nay, Rạng Đông đang ứng dụng công nghệ chip LED Sunlike để tạo ra ánh sáng tương tự ánh sáng mặt trời, có thể điều khiển được phổ, cường độ, màu sắc theo thời gian thực như nhịp ánh sáng mặt trời, đồng thời giúp tiết kiệm 30% chi phí tiền điện so với đèn LED thông thường, giảm phát thải khí nhà kính, thời gian sử dụng dài lên tới 10 năm, giảm lượng rác thải ra môi trường.

Kỳ 4: Chiếu sáng công cộng ngày càng thông minh và tiết kiệm năng lượng hơn
Năm 2022, Rạng Đông ra mắt giải pháp “Smart City” - Chiếu sáng thông minh cho đường phố và kiến trúc cảnh quan.

Năm 2022, Rạng Đông ra mắt giải pháp “Smart City” - Chiếu sáng thông minh cho đường phố và kiến trúc cảnh quan. Với giải pháp này, đơn vị quản lý dễ dàng vận hành hệ thống đèn đường chiếu sáng toàn thành phố từ phòng điều khiển trung tâm qua giao diện web hoặc ứng dụng di động. Với kết nối không dây, người dùng hoàn toàn có thể kiểm soát, quản lý thiết bị từ xa theo thời gian thực.

Giải pháp Smart City sẽ giúp người vận hành thống kê điện năng tiêu thụ, dễ dàng điều chỉnh và cài đặt các chế độ phù hợp, tối ưu hơn. Ngoài ra, giải pháp này cũng thân thiện môi trường bởi sử dụng hệ thống đèn LED giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, giải pháp này đã và đang được triển khai tại một số thành phố như Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bắc Kạn, nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương…

Riêng tại Bến Tre, phòng điều khiển trung tâm có thể giám sát trạng thái của 4.000 đèn đường đang hoạt động tại 76 tuyến phố. Người vận hành cũng có thể chủ động hẹn giờ, cài đặt kịch bản chiếu sáng theo hoạt động thực tế, qua đó giúp thành phố tiết kiệm phần lớn điện năng tiêu thụ, giảm thiểu kinh phí khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Đại diện của thành phố Bến Tre cho biết, hệ thống chiếu sáng thông minh bằng công nghệ IoT có nhiều tính năng ưu việt như tiết kiệm 40% - 70% điện năng tiêu thụ, điều khiển thông minh, cán bộ chỉ cần ngồi trực ở phòng điều hành, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, vận hành.

Bên cạnh đó, hiệu quả về mặt xã hội cũng được chứng minh khi năng suất chiếu sáng cao hơn, phát thải khí CO2 ra môi trường giảm, đảm bảo chất lượng sống người dân thành phố.

Vẫn còn khó khăn, thách thức

Mặc dù hệ thống CSCCĐT tại Việt Nam đã được quan tâm đầu tư, quản lý một cách bài bản, có hiệu quả trong những năm qua, nhưng công tác quản lý, vận hành CSCCĐT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết để có thể phát triển theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững.

Đại diện của Signify Việt Nam cho biết, bên cạnh những thuận lợi khi ứng dụng chiếu sáng thông minh, vẫn còn nhiều vướng mắc do chi phí đầu tư ban đầu cho việc cài đặt các giải pháp chiếu sáng thông minh có thể khá cao, làm cho việc triển khai trở nên khó khăn.

Việc quản lý và bảo trì các hệ thống chiếu sáng thông minh đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực lớn. Các đặc thù về văn hóa và thói quen sử dụng điện của người dân Việt Nam cũng có thể gây khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp chiếu sáng thông minh.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý điện chiếu sáng, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (HAPULICO) thì cho rằng, hệ thống CSCCĐT tại hầu hết các thành phố tại Việt Nam vẫn sử dụng nhiều chủng loại đèn chiếu sáng với công nghệ khác nhau, có kết cấu gá lắp đèn không đồng bộ, đặc biệt là trong khu vực ngõ xóm. Tính riêng tại Hà Nội, hiện mới chỉ có gần 30% đèn chiếu sáng được sử dụng nguồn sáng LED.

Khu vực chiếu sáng ngõ xóm ít được cải tạo, nâng cấp do kinh phí ngân sách còn hạn hẹp, chủ yếu là hỏng đâu sửa đó, khắc phục các sự cố bất thường để đảm bảo bóng sáng.

Kỳ 4: Chiếu sáng công cộng ngày càng thông minh và tiết kiệm năng lượng hơn
Giải pháp chiếu sáng TKNL được ứng dụng cho các đô thị.

Ngân sách dành cho CSCCĐT còn eo hẹp, chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu cho công tác duy trì sửa chữa thường xuyên. Phần lớn kinh phí (khoảng 56% ngân sách) dành để chi trả điện năng tiêu thụ.

Đáng nói hơn, công tác phân cấp quản lý hệ thống CSCCĐT vẫn là một thách thức, khó khăn đối với các đô thị tại nước ta. Lấy ví dụ Hà Nội, qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi từ quản lý tập trung đến phân cấp cho quận, huyện và quay lại mô hình quản lý tập trung. Có thể thấy, các cấp quản lý của Thành phố vẫn đang cố gắng nghiên cứu, tìm hướng giải quyết tối ưu bài toán phân cấp cho phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô.

Ông Lê Trung Kiên cho rằng để phát triển hệ thống CSCCĐT theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững phải tổng thể các giải pháp như chiếu sáng sử dụng nguồn sáng có hiệu suất cao, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường; Được thiết kế hợp lý, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chiếu sáng; Ứng dụng công nghệ điều khiển thông minh và giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành tạo môi trường chiếu sáng tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Kỳ 5: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tâm Anh – Mạnh Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load