Thứ bảy 21/12/2024 19:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Ngành Xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như thế nào?

Kỳ 1: Các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng

09:00 | 20/09/2024

LTS: Ước tính ngành Xây dựng tiêu thụ khoảng 37 – 40% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia và phát thải trên 34% tổng lượng khí nhà kính. Việc sử dụng năng lượng (SDNL) tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) trong ngành Xây dựng có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn về mặt môi trường, góp phần hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030; Cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.

Câu hỏi đặt ra là việc thực thi SDNL TK&HQ trong ngành Xây dựng hiện đang ở mức độ như thế nào?

(Xây dựng) - Trong ngành Xây dựng, 3 lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng là công trình xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và chiếu sáng công cộng. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về SDNL TK&HQ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng…

Kỳ 1: Các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng
Nhiều chính sách về TKNL đã và đang được ngành Xây dựng tập trung ban hành và triển khai. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi xanh mạnh mẽ từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà, quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh cũng kéo theo những áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải, tác động đến môi trường và gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Đứng trước những thách thức toàn cầu và của quốc gia, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình SDNL TK&HQ, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Năm 2013, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra nhiệm vụ “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Năm 2020, tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Bộ Chính trị định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng (TKNL), đô thị xanh, đô thị sinh thái…

Cũng trong năm 2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW về tiếp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra định hướng chuyển đổi xanh nền kinh tế.

Gần đây nhất, năm 2024, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH; có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển NƠXH theo hướng mô hình xanh, sử dụng TKNL, phát triển bền vững, phát thải carbon thấp…

Các chỉ đạo của Đảng đã được cụ thể hóa tại nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến SDNL TK&HQ nói chung, SDNL TK&HQ trong ngành Xây dựng nói riêng.

Năm 2010, Luật SDNL TK&HQ được Quốc hội thông qua. Tiếp đó, Nghị định 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết Luật SDNL TK&HQ được ban hành. Pháp luật về hoạt động TKNL lĩnh vực xây dựng bắt đầu được đề cập.

Năm 2020, lần đầu tiên Luật Xây dựng và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng TK&HQ năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…

Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 về phân loại đô thị. Theo đó, phát triển công trình TKNL, công trình xanh (CTX) là một tiêu chuẩn mới để đánh giá, phân loại đô thị. Các đô thị có một CTX đã được cấp giấy chứng nhận sẽ được cộng thêm 0,75 điểm; có từ hai CTX đã được cấp giấy chứng nhận trở lên sẽ được cộng thêm 1 điểm trong tổng số điểm để phân loại đô thị…

Mới nhất, Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/07/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 cũng lựa chọn CTX, SDNL TK&HQ là một tiêu chí để phân hạng chung cư…

Hiện thực chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch hành động quan trọng, tác động đến sự chuyển biến của ngành Xây dựng trong SDNL TK&HQ.

Kỳ 1: Các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng
Vật liệu xanh, TKNL như kính Low-E rất được ưa chuộng cho công trình, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, năm 2019, tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP 3). Xác định tiêu thụ năng lượng trong công trình xây dựng chiếm tỉ trọng cao trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, VNEEP 3 đã đưa ra mục tiêu: Đến năm 2025, cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận CTX; Đến năm 2030 có 150 công trình được chứng nhận CTX…

Năm 2020, tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 với quan điểm phát triển vật liệu sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để TKNL, nguyên liệu, nhiên liệu…

Năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam đã hiện thực hóa cam kết này trong nhiều chính sách như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26…

Sự vào cuộc khẩn trương của Bộ Xây dựng

Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về SDNL TK&HQ, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về cơ chế, chính sách.

Điển hình, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng SDNL hiệu quả (QCXDVN 09) lần đầu vào năm 2005; sửa đổi lần 1 vào năm 2013, sửa đổi lần 2 vào năm 2017. QCXDVN 09:2017/BXD hiện hành yêu cầu công trình xây dựng đầu tư công thực thi thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng bảo đảm SDNL TK&HQ từ 25% trở lên so với công trình thông thường…

Kỳ 1: Các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng
Các công trình sử dụng giải pháp xanh hóa trong thiết kế nhằm TKNL. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, ngày 30/12/2020, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 1677/QĐ-BXD về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ về SDNL TK&HQ giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Theo đó, Kế hoạch tập trung vào ba nhóm đối tượng gồm: SDNL TK&HQ trong các công trình xây dựng (trong đó tập trung vào các công trình có tổng diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên thuộc phạm vi áp dụng của QCXDVN 09:2017/BXD); SDNL TK&HQ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; SDNL TK&HQ trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng.

Cụ thể, đến năm 2025, Ngành Xây dựng phấn đấu giảm 2,86% tổng tiêu thụ nhiệt năng và 8,77% tổng tiêu thụ điện năng so với giai đoạn 2015 - 2018 (mục tiêu chung VNEEP 3 đặt ra là giảm 7,5% tổng tiêu thụ năng lượng lĩnh vực sản xuất xi măng so với giai đoạn 2015 - 2018); Đến năm 2030, phấn đấu giảm 14% tổng tiêu thụ nhiệt năng và 9,68% tổng tiêu thụ điện năng so với giai đoạn 2015 - 2018 (mục tiêu chung VNEEP 3 đặt ra đến năm 2030 là giảm 10,89% tổng tiêu thụ năng lượng lĩnh vực sản xuất xi măng so với giai đoạn 2015 - 2018).

Tiếp đó, ngày 12/05/2022, tại quyết định số 385/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo đó, trong giai đoạn 2022 – 2025, ngành Xây dựng sẽ ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá khu đô thị xanh hay khu đô thi phát thải carbon thấp; Ban hành tiêu chuẩn sản phẩm vật liệu xây dựng TKNL, vật liệu xây dựng xanh, vật liệu xây dựng tái chế từ chất thải rắn xây dựng; Ban hành tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải carbon thấp trong xây dựng và quản lý công trình.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% đô thị loại III trở lên lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào quy hoạch đô thị; Ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí đô thị xanh, carbon thấp; 25% vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh; Giảm ít nhất 25% phát thải khí nhà kính trong đầu tư, vận hành nhà ở chung cư; 100% công trình mới và công trình sửa chữa, cải tạo tuân thủ QCVN 09:2017/BXD.

Giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lồng ghép thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% khu đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp; 100% công trình mới kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải; trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí CTX; 100% tòa nhà thương mại, chung cư được chứng nhận carbon thấp...

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành dự thảo, lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, tổ chức cho Hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng.

Dự thảo Hướng dẫn đang được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân tại Trang thông tin của Bộ (moc.gov.vn). Theo tiến độ, vào cuối năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư Hướng dẫn…

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, để thúc đẩy việc SDNL TK&HQ, những năm qua, Bộ Xây dựng còn có nhiều hoạt động hơp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chính phủ Đan Mạch, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC-World Bank), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Vương quốc Anh để kêu gọi các hỗ trợ về tài chính, về kỹ thuật nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bộ đồng thời mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ của ngành Xây dựng nhằm nâng cao năng lực của các chủ thể liên quan trong việc phát triển CTX, công trình TKNL, vận hành các tòa nhà hướng tới mục tiêu SDNL TK&HQ, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển vật liệu xây dựng xanh…

Kỳ 1: Các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng
Văn phòng xanh là loại công trình kết hợp nhiều giải pháp TKNL, tạo không gian làm việc hiệu quả như tối ưu ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên; sử dụng hệ thống điều hòa TKNL… (Ảnh minh họa)

Điển hình, trong giai đoạn 2016 – 2020, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã tài trợ cho Bộ Xây dựng thông qua UNDP dự án “Nâng cao hiệu quả SDNL trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam”.

Dự án có mục tiêu dài hạn là cắt giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ ngành Xây dựng ở Việt Nam và mục tiêu trực tiếp là cải thiện việc SDNL TK&HQ của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam.

Dự án đã tài trợ Bộ Xây dựng sửa đổi và ban hành QCXDVN 09:2017/BXD; tài trợ một công trình trình diễn và nhân rộng giải pháp công nghệ TKNL trong ngành Xây dựng… nhằm chứng minh được rằng công trình sẽ đạt được hiệu quả về TKNL tốt hơn nếu áp dụng các giải pháp TKNL trong toàn bộ vòng đời công trình, từ thiết kế, xây dựng đến quản lý vận hành.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Tuần lễ Công trình xanh thường niên, nhằm thúc đẩy triển khai VNEEP 3 nói chung, thúc đẩy phát triển CTX, công trình TKNL, vật liệu xây dựng xanh, vật liệu xây dựng TKNL nói riêng.

Những chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý nói trên đã và đang là những “cú hích”, thúc đẩy sự chuyển dịch trong hành động SDNL TK&HQ ngành Xây dựng theo hướng ngày càng thực chất hơn.

Kỳ 2: Tiết kiệm năng lượng trong công trình - Tăng tốc đột phá

Tâm Anh – Mạnh Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load