Chủ nhật 13/10/2024 23:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Ngành Xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như thế nào?

Kỳ 2: Tiết kiệm năng lượng trong công trình - Tăng tốc đột phá

08:23 | 21/09/2024

(Xây dựng) - Như đã đề cập, công trình xây dựng là một trong 3 đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng trong ngành Xây dựng. Tính đến tháng 9/2024, Việt Nam có khoảng 500 công trình xanh (CTX) sử dụng năng lượng (SDNL) tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ), đạt hơn gấp 3 lần so với mục tiêu đến năm 2030 phát triển 150 CTX mà Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP 3) đặt ra. Đây thực sự là bước đột phá trong phát triển CTX và là một tín hiệu khả quan trong nỗ lực thúc đẩy SDNL TK&HQ công trình.

Kỳ 2: Tiết kiệm năng lượng trong công trình - Tăng tốc đột phá
Trụ sở Daikin Việt Nam đang được triển khai xây dựng là hình mẫu về công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Tăng tốc bất ngờ

CTX là những công trình thiết kế, thi công xây dựng và vận hành theo các tiêu chí như địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên hiệu quả; SDNL TK&HQ; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; chú trọng giải pháp giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường. “Đích” đến sau cùng của CTX là SDNL TK&HQ trong toàn bộ vòng đời công trình; giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường...

Tiêu thụ năng lượng trong công trình xây dựng chiếm tỉ trọng cao trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, do vậy VNEEP 3 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019) đã đưa ra mục tiêu: Đến năm 2025, cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận CTX; Đến năm 2030 có 150 công trình được chứng nhận CTX.

Đáng mừng là theo ghi nhận của các tổ chức cấp chứng nhận CTX tại Việt Nam như Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (với chứng chỉ CTX LOTUS), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC, thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, với chứng chỉ CTX EDGE) thì đến tháng 9/2024, Việt Nam có khoảng 500 CTX, tương đương 12 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã phát triển CTX gấp hơn 3 lần so với mục tiêu đến năm 2030 mà VNEEP 3 đặt ra.

Nếu so với số lượng CTX được ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023, Việt Nam đã phát triển tăng gần 200 CTX trong vòng 1 năm, với đa dạng loại hình công trình, từ nhà ở, văn phòng, trụ sở, trường học đến bệnh viện, nhà xưởng, nhà máy, khu công nghiệp. Và nếu so với tiến độ phát triển hơn 300 CTX trong vòng 15 năm trước đó, thì con số tăng trưởng CTX riêng trong năm 2024 quá ấn tượng, là sự đột phá lớn.

Lý giải về sự phát triển CTX đột phá này, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, “cú hích” đầu tiên là do hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CTX đang có sự chuyển biến tích cực. Nội dung này, chúng tôi đã đề cập ở kỳ 1 bài viết.

Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Công Thương xét Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng; Giải thưởng sản phẩm hiệu suất năng lượng…, qua đó nhận thức của các chủ thể công trình xây dựng về SDNL TK&HQ được nâng lên thực chất…

Về phía các địa phương, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chương trình khuyến khích việc SDNL TK&HQ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng cũng đã được ban hành.

Kỳ 2: Tiết kiệm năng lượng trong công trình - Tăng tốc đột phá
Tại công trình Diamond Lotus Riverside, chủ đầu tư đã sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời cung cấp điện cho các khu vực công cộng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống.

Ông Hoàng Minh Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, UBND Thành phố đã nỗ lực chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy hoạt động SDNL TK&HQ trên địa bàn. Công tác hỗ trợ kỹ thuật cho các công trình xây dựng cũng luôn được chú trọng.

Cụ thể, Hà Nội đã ban hành Bộ tiêu chí để đánh giá công trình SDNL xanh, được phân loại theo các cấp độ 3 sao, 4 sao, 5 sao, dựa trên Quy chuẩn 09:2017/BXD. Hàng năm, Thành phố Hà Nội hỗ trợ khoảng 20 - 30 tòa nhà triển khai các giải pháp quản lý SDNL TK&HQ.

Hà Nội cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền và tập huấn, qua đó nhiều chủ đầu tư, nhà thầu và người dân đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng các CTX, công trình tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Nhiều công trình mới đã áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn về hiệu quả SDNL cũng như các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Nhiều loại vật liệu xây dựng xanh và thiết bị TKNL đã được nhận diện và dán nhãn, phổ biến rộng rãi trên thị trường. Hiện Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về số lượng CTX.

Doanh nghiệp hào hứng phát triển CTX

Một trong những lý do quan trọng khác giúp số lượng CTX đang tăng nhanh ở Việt Nam là sự thay đổi về tư duy lẫn hành động của các chủ thể liên quan, từ chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế kiến trúc, tư vấn xanh đến nhà sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng…

Đơn cử, Công ty Cổ phần Điều hòa Daikin Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt đồng thời 3 tiêu chuẩn CTX quốc tế là LEED V4; LOTUS Platinum; Tiêu chuẩn về điều kiện tiện nghi, sức khỏe văn phòng làm việc WELL (Mỹ). Đây là tòa nhà văn phòng đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn Daikin và là một trong những tòa nhà đầu tiên tại Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á có thể đạt cùng lúc 3 tiêu chuẩn CTX nói trên.

Chia sẻ lý do vì sao Daikin Việt Nam đầu tư CTX với tiêu chuẩn rất cao, bà Lý Thị Phương Trang, Tổng Giám đốc Daikin Việt Nam cho biết: “Nhân viên Daikin được làm việc trong môi trường thoải mái, tiện nghi, đảm bảo sức khỏe, khi đó năng suất lao động sẽ cao hơn, nhân viên sẽ gắn bó và công hiến lâu dài cho Công ty. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng muốn đóng góp cho xã hội một công trình kiểu mẫu TKNL của Nhật Bản tại Việt Nam”.

Kỳ 2: Tiết kiệm năng lượng trong công trình - Tăng tốc đột phá
Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc của Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC).

Dù mới được đưa vào vận hành từ năm 2023, tòa nhà Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc của Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) sớm được biết đến là tòa nhà đạt nhiều chứng chỉ xanh như tiêu chuẩn về quản lý năng lượng, tiêu chuẩn về quản lý tác động môi trường. Đây cũng là trung tâm dữ liệu (TTDL) đầu tiên cam kết hướng tới SDNL tái tạo đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Viettel IDC, một TTDL cần tiêu thụ nguồn năng lượng lớn. Để đầu tư xây dựng một TTDL đạt chuẩn “xanh” thì cần hội tụ rất nhiều yếu tố, từ thiết kế, công nghệ, đến các vấn đề liên quan đến hiệu năng, công suất sử dụng, thậm chí là bộ máy nhân sự vận hành.

Đề cập các giải pháp TKNL cho công trình, ông Lê Hoài Nam cho biết, tòa nhà TTDL Viettel Hòa Lạc được thiết kế lấy cảm hứng từ thiên nhiên, thân thiện và gần gũi với môi trường. Các bề mặt được xây dựng 2 lớp, với 1 lớp kín và 1 lớp đục lỗ thoáng, vừa đảm bảo an toàn công năng kỹ thuật, vừa tạo khoảng không giúp đối lưu không khí.

Tất cả thiết bị trong dự án như hệ thống máy phát điện, tủ điện phân phối, bộ lưu điện UPS, hệ thống làm mát chiller… đều là công nghệ mới nhất của các hãng lớn trên thế giới, có hiệu suất năng lượng cao.

Với hệ thống chiller giải nhiệt có hiệu suất sử dụng cao, tiết kiệm điện, kết hợp với các công nghệ tiên tiến, AI giám sát, quản trị, tối ưu thông minh, giúp tòa nhà tiết kiệm khoảng 30% - 35% chi phí điện năng tiêu thụ hàng năm.

Bộ lưu điện UPS hiệu suất cao Ecoconversion được đưa vào sử dụng giúp tạo ra mức hiệu quả SDNL cao hơn trung bình ngành, tiết kiệm khoảng 2% so với UPS thường. Hệ thống chiếu sáng đèn LED TKNL được sử dụng cho toàn phòng máy.

Phòng máy chủ của TTDL được thiết kế sử dụng sàn nâng thổi gió lạnh âm sàn, kết hợp với việc quy hoạch hành lang nóng lạnh, sử dụng lồng ngăn cho hành lang lạnh và các tấm blanking panel để ngăn chặn khí nóng trộn lẫn với khí lạnh. Theo Viettel IDC, đây là sự kết hợp giải pháp hiệu quả nhất để TKNL cho TTDL…

Việc áp dụng tổng hòa các giải pháp trên giúp mức TKNL của tòa nhà Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc có thể đạt 35,8% so với các TTDL khác mà Viettel đã đưa vào sử dụng trước đó.

Kỳ 2: Tiết kiệm năng lượng trong công trình - Tăng tốc đột phá
Sàn nâng thổi gió lạnh âm sàn kết hợp với lồng ngăn lạnh được sử dụng để tiết kiệm năng lượng cho TTDL.

Tương tự, tòa nhà Capital Place (Hà Nội) cũng là một trong những công trình điển hình trong việc SDNL TK&HQ. Ông Nguyễn Nhất Vinh, cán bộ Ban quản lý tòa nhà Capital Place cho biết, ngay từ khi xây dựng, tòa nhà đã được đầu tư theo tiêu chuẩn LEED của Hội đồng CTX Mỹ, hướng tới mục tiêu TKNL và bảo vệ môi trường.

Tòa nhà ưu tiên sử dụng ánh sáng tự nhiên, cây xanh, tạo không gian thoải mái cho chính người lao động và khách hàng đến tòa nhà. Các hệ thống kỹ thuật trong tòa nhà được kiểm soát và điều khiển bằng hệ thống BMS (Building Management System – hệ thống quản lý tòa nhà), đảm bảo cho việc vận hành các hệ thống trong tòa nhà được chính xác, kịp thời, hiệu quả.

Tòa nhà có lắp đặt hệ thống đo thu thập điện năng tự động GELEX, phục vụ công tác giám sát tiêu thụ điện của khách hàng và các thiết bị. Nhờ đó, Ban quản lý tòa nhà nắm bắt được công suất điện tiêu thụ thực tế của tòa nhà tại các khu vực, giúp điều tiết vận hành thiết bị thực tế và có biện pháp kịp thời khi có sự biến động chỉ số tiêu thụ điện.

Hệ thống chiller (một hệ thống tiêu thụ nhiều điện năng nhất tòa nhà) được tối ưu toàn diện. Hệ thống nước giải nhiệt của các chiller được áp dụng công nghệ tách canxi. Việc này tiết giảm chi phí hóa chất, TKNL điện, giảm thời gian dừng máy thực hiện công việc vệ sinh bình ngưng chiller. Chiller được sử dụng là hệ thống đệm từ, TKNL hơn các các loại chiller khác.

Tòa nhà còn có hệ cảm biến chuyển động được lắp đặt tại các thang thoát hiểm, khu vực hành lang chung, nhà vệ sinh. Khi không có người đi lại đèn sẽ tự tắt để TKNL cho công trình.

Kỳ 2: Tiết kiệm năng lượng trong công trình - Tăng tốc đột phá
Tòa nhà Capital Place (Hà Nội) cũng là một trong những công trình điển hình trong việc SDNL TK&HQ.

Toàn bộ mặt ngoài của công trình, với diện tích khoảng 151.000m2, được lắp đặt kính Low-E nhiệt đới với 3 lớp kính, giúp giảm chi phí cho hệ thống sưởi ấm không khí trong phòng đến 48%, giảm công suất hệ thống điều hòa 69%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe người sử dụng.

Tòa nhà Capital Place còn lắp đặt hệ thống PAU (Primary Air Units) cấp khí tươi và làm lạnh có tính năng thu hồi nhiệt, xử lý độ ẩm trong không khí. Thiết bị đảm bảo độ ẩm không vượt quá mức 60%, kiểm soát tốt tình trạng nhiệt độ cũng như độ sạch của không khí trước khi được chuyển vào trong phòng.

Hệ thống thang máy được vận hành và kiểm soát trung tâm, sử dụng phần mềm điều khiển thông minh AI, tự động thống kê được lưu lượng khách hàng đi lại và tự động phân bổ thang máy gần nhất nhằm TKNL tiêu thụ điện…

Chia sẻ về lợi ích của CTX, ông Nguyễn Nhất Vinh cho biết: Việc đầu tư bài bản, với các công nghệ mới, hiện đại, cũng như áp dụng các tiêu chí CTX LEED GOLD (giai đoạn thiết kế và xây dựng), LEED PLATINUM (giai đoạn vận hành và bảo trì) đem đến cho chủ đầu tư và khách hàng nhiều lợi ích. Chi phí năng lượng thấp hơn 20% - 30% so với các công trình cùng quy mô. Môi trường làm việc trong tòa nhà đảm bảo theo đúng thiết kế, được khách hàng và khách đến thăm quan đánh giá tốt…

Kỳ 2: Tiết kiệm năng lượng trong công trình - Tăng tốc đột phá
Chi phí năng lượng của Tòa nhà Capital Place thấp hơn 20% - 30% so với các công trình cùng quy mô.

Chia sẻ giải pháp phát triển CTX cho dự án chung cư cao tầng Diamond Lotus Riverside (tại Thành phố Hồ Chí Minh), bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) cho biết, đây là chung cư cao tầng đầu tiên được chủ đầu tư Việt Nam áp dụng cùng lúc chứng nhận CTX LEED GOLD (của Hội đồng CTX Mỹ) và LOTUS GOLD (của Hội đồng CTX Việt Nam).

Tại Diamond Lotus Riverside, Phuc Khang Corporation đã sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời cung cấp điện cho các khu vực công cộng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống. Công trình có hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa để giảm thiểu lãng phí nước; sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước trong các căn hộ. Hành lang căn hộ thông thoáng hai đầu đảm bảo các luồng không khí tươi đến từng căn hộ.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu nhấn mạnh, tại dự án, diện tích ở có ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên, tầm nhìn ra bên ngoài đạt 100%. Hệ thống tưới cảnh quan bằng nước tái sử dụng đạt 100%. Giảm thiểu năng lượng tiêu thụ đạt 44%, giảm sử dụng nước thông qua các thiết bị vệ sinh đạt 35%. Diện tích cảnh quan giúp hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt lên đến 21,6%. Tổng diện tích mái trồng cây xanh 15,4%.

Đối với các cư dân, lợi ích thiết thực mà dự án đem lại là giảm đến 50% hóa đơn tiền điện, tiền nước; có môi trường sống chất lượng cao, an toàn, thân thiện. “Những dự án nhà ở theo hướng xanh – TKNL là một giải pháp thiết thực giúp nâng cao chất lượng sức khỏe và sự tiện nghi của người dùng, đồng thời mang lại nhiều lợi ích tích cực cho môi trường, góp phần phát triển đô thị bền vững” – bà Lưu Thị Thanh Mẫu nhấn mạnh.

Những ví dụ trên cho thấy, việc phát triển CTX, công trình TKNL không còn là phong trào, không còn là “xanh” thời trang mà ngày càng thực chất hơn. Trước hết là vì chính lợi ích của doanh nghiệp, sau đó là góp phần vào công cuộc phát triển bền vững, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26 giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050...

Tuy vậy, sự phát triển CTX tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều “rào cản” như chi phí đầu tư ban đầu cho CTX cao hơn so với các công trình thông thường; Khó khăn trong tìm kiếm các loại vật liệu xây dựng xanh, TKNL; Thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ xây dựng xanh; Thiếu chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển CTX…

Chúng tôi sẽ đề cập giải pháp tháo gỡ các “rào cản” trong phát triển CTX, công trình TKNL tại kỳ 5 của tuyến bài viết.

Kỳ 3: Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng - Chuyển đổi mạnh mẽ

Tâm Anh – Mạnh Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load