(Xây dựng) – Ngày 6/1, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024.
Toàn cảnh Họp báo. |
GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước
Thông tin tại Họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%. Về sử dụng GDP quý IV/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.
GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011 - 2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27% mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Trong đó, sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022 trong giai đoạn 2019-2024. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, thấp hơn mức tăng các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011 - 2024. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%. Ngành Khai khoáng giảm 7,24%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm. Ngành Xây dựng tăng 7,87%.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023. Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: bán buôn và bán lẻ tăng 7,96% so với năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 10,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,11%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,76%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đến các địa phương phía Bắc. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng chống và khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 duy trì mức tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp quý IV/2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm nên chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4% so với năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2024 đạt 233,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,1% so với năm 2023; 197,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,7%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải, du lịch năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng. Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước; vận chuyển hành khách tăng 8,3% và luân chuyển tăng 11,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,0% và luân chuyển tăng 11,8%; khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt gần 17,6 triệu lượt người...
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%).
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng khởi sắc hơn. Trong quý IV/2024, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước đó tăng 5,1%, còn nhóm giữ ổn định tăng 0,4% và khó khăn giảm 5,5%.
Thu nhập cải thiện, tỷ lệ lao động có việc làm tăng
Về xã hội chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện. Tình hình lao động, việc làm quý IV/2024 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.
Trong năm 2024, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%. (Ảnh minh họa) |
Lao động có việc làm quý IV/2024 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 414,9 nghìn người so với quý trước và tăng 639,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 585,1 nghìn người (tương ứng tăng 1,1%) so với năm trước.
Tình hình thu nhập và đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2023. Mức sống tối thiểu của người dân Việt Nam sơ bộ năm 2024 khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó khu vực thành thị khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng và khu vực nông thôn khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng tháng 11/2024, cả nước có 6.318/8.155 (khoảng 77,5%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 2.204 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 482 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,3 tiêu chí/xã. 297 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 14 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được các địa phương quan tâm và thực hiện. Năm 2024, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, kết nối, lan tỏa tình đoàn kết giữa nhân dân cả nước và truyền bá hình ảnh về phẩm chất tốt đẹp về con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng trong năm qua tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025. Đây là năm mà nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước, cần có những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực.
“Với những định hướng và giải pháp đã được vạch ra, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một năm mới với nhiều thành công và những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Mai Chi
Theo