Để đạt mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội, nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương,... đã đẩy mạnh thu hút đầu tư và đốc thúc các doanh nghiệp khởi công sớm hàng loạt dự án quy mô lớn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Sau những chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng và sự vào cuộc từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhiều địa phương đã "thay đổi quan điểm, thay đổi cách làm" để nhanh chóng “nhập cuộc,” đẩy mạnh thu hút đầu tư và đốc thúc các doanh nghiệp khởi công sớm hàng loạt dự án nhà ở xã hội quy mô lớn.
Một số địa phương đi đầu về phát triển nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng đánh giá cao điển hình như Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai…
Triển khai đồng bộ giải pháp
Từ một địa phương “đi sau” về phát triển nhà ở xã hội trong những năm trước đây, Hải Phòng hiện đã lọt top những địa phương “đi đầu” trong cả nước về thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, đạt mục tiêu đề ra.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, địa phương này có hơn 2 triệu dân, trong đó một bộ phận người dân thu nhập không được cao, nên nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn là rất lớn.
Ngoài ra ở nội đô thành phố có nhiều chung cư cũ xuống cấp, vùng lõi chật chội và các khu công nghiệp thu hút khoảng 500.000 công nhân (phần lớn từ tỉnh bạn). Vì vậy thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội.
Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030, trong đó tập trung xây dựng 33.500 căn nhà ở xã hội. Thành phố này cũng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng hơn 14.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025.
Để đạt mục tiêu đề ra, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã nỗ lực thay đổi quan điểm của nhiều người khi cho rằng nhà ở xã hội là “không gian cho các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp” bằng mục tiêu rộng mở hơn. Đó là xây dựng nhà ở xã hội thực sự là không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội như có bệnh viện, trường học, mà quan trọng là phải vừa túi tiền, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân.
Đến nay, Hải Phòng có 6 dự án với tổng số khoảng 4.068 căn hộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Happy Home là dự án thứ 7 đã được khởi công ngay trong những ngày đầu năm mới 2024 với quy mô 4.300 căn hộ.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư cho 9 dự án với tổng số 8.890 căn. 6 dự án khác với tổng số 15.377 căn cũng đã có chủ trương đầu tư, thành phố đang lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai…
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng nhấn mạnh đến năm 2025, thành phố này cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 Chính phủ đặt ra.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Tại Bắc Ninh - địa phương được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực và thế giới đến năm 2050, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đào Quang Khải cho biết tỉnh đã triển khai thực hiện 54 dự án cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Dự kiến các dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ cho khoảng 231.000 người.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Ninh phát triển 30.671 căn hộ và 41.514 căn trong giai đoạn 2026-2030. Sau khi đề án được phê duyệt, tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức rà soát quy hoạch để bổ sung, xác định quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; lập danh mục thu hút đầu tư; giao sở xây dựng chủ trì xây dựng cơ chế chính sách riêng nhằm thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp.
Qua công tác rà soát, quy hoạch xác định khoảng 172ha đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội được giao theo Đề án 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 giai đoạn 2021-2025.
Về kết quả triển khai gói hỗ trợ gói 120.000 tỷ đồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo sở xây dựng tổng hợp nhu cầu vay vốn của các chủ đầu tư; rà soát từng trường hợp cụ thể và hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo đủ điều kiện vay vốn theo quy định.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 6 dự án với tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng với số vốn dự kiến vay khoảng 3.380 tỷ đồng.
Huy động nguồn lực, thêm ưu đãi
Ngược vào phía Nam, Bình Dương là tỉnh phát triển nhiều khu công nghiệp, thu hút lực lượng lao động lớn đến làm việc và sinh sống. Đây cũng là địa phương được lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá là "điểm sáng" đi đầu về phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân ở trên cả nước.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết trong những năm qua, địa phương này đã huy động các nguồn lực để giải quyết các vấn đề nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững trong quá trình phát triển; nhất là vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, doanh nghiệp đối với vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội. Theo dự thảo Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương dự kiến sẽ đầu tư khoảng 172.879 căn nhà ở xã hội, đáp ứng khoảng 678.307 dân số.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong số các địa phương làm tốt, Bình Dương là điểm sáng đi đầu về phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế một số địa phương mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của đề án; thậm chí một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
Vì thế để hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân; xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp…
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu kiến nghị về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, các địa phương cần triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực và khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất công (đất sạch).
HoREA cũng đề nghị bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án hơn, như ưu đãi về lợi nhuận định mức, vay vốn ưu đãi, thuế./.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, trong đó có Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030,” cả nước hiện có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong số đó có 71 dự án đã hoàn thành; 127 dự án đã khởi công xây dựng và 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. |
Theo Hùng Võ (Vietnam+)