(Xây dựng) – Hàng chục hộ dân tại xã Minh Hoà, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) tự ý xây dựng nhiều cây cầu bê tông cốt thép bắc qua mương, vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi, nhưng chính quyền nơi đây lại buông lỏng quản lý, không xử lý dứt điểm.
Hàng chục cây cầu xây dựng không phép vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi nằm cách UBND xã Minh Hoà chưa đầy 500m. |
Hệ thống công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong tưới tiêu, phòng, chống hạn hán, úng ngập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều công trình thủy lợi tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bị xâm lấn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Xây dựng nhà cửa trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi làm kinh doanh, trồng cây, làm cầu qua kênh, mương là những hành vi xâm hại phổ biến trên hệ thống công trình thủy lợi tại huyện Hưng Hà. Đáng nói là các cây cầu vi phạm chỉ cách UBND xã chưa đầy 500m.
Các cây cầu mới xây dựng đổ bê tông kiên cố dọc bờ mương tại xã Minh Hoà. |
Quan sát tại bờ kênh thôn Thanh Lãng, xã Minh Hoà, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận hàng chục cây cầu mới xây dựng đổ bê tông kiên cố dọc bờ kênh. Bất ngờ hơn khi đi sâu vào tìm hiểu, người dân thôn Thanh Lãng trả lời: Để được xây cầu ở đây phải có chi phí “bôi trơn”, “lót tay” cho chính quyền xã, thanh tra giao thông, thuỷ nông mất khoảng 40 triệu/cây cầu thì mới được làm...
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với ông Hoàng Tất Thắng – Chủ tịch UBND xã Minh Hoà. Ông Thắng cho biết: “Tuyến đường từ trường mầm non xã có xuất hiện nhiều cây cầu, trong đó xây dựng cầu trái phép cũng có, xây dựng chưa đủ thủ tục cũng có. Người dân ở đây rất “khôn”, mới đầu họ làm hình thức trá hình là xây kè cái móng, xong vào ngày thứ 7, chủ nhật các cán bộ xã chuyên môn nghỉ là người dân đổ dầm rồi thuê cẩu và họ lắp luôn, không biết là chuyển cầu từ đâu về. Người dân tự ý xây cầu, chính quyền UBND xã cũng ra lập biên bản xử lý, Sở Giao thông Vận tải cũng về lập biên bản yêu cầu dừng thi công, nhưng người dân vẫn cứ cố tình vi phạm chứ xã không đồng ý. Còn việc người dân phản ánh chính quyền xã nhận lót tay thì không biết”.
Chủ tịch UBND xã Minh Hoà Hoàng Tất Thắng làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng. |
Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Hưng Hà cho biết: Nhiều hộ không xin được cấp phép xây cầu nên làm liều. Đặc biệt là từ năm 2019 trở lại đây, người dân tự phát, tự ý xây cầu nhiều hơn và có dấu hiệu xây thêm nhiều cầu nữa. Khi phát hiện việc người dân tự ý xây cầu thì chúng tôi lập biên bản và yêu cầu đình chỉ luôn, thế nhưng người ta vẫn cố tình làm, theo luật thì chính quyền địa phương phải xử lý còn đơn vị chúng tôi không có chế tài xử phạt, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương và báo cáo lên huyện. Nhưng ở đây chính quyền xử lý rất ít vì người dân lý luận là xã bán đất ở cho người dân nhưng không có lối sang, không có lối vào thì người dân họ buộc phải làm việc xây cầu. Cầu tự phát ko đúng thiết kế về lâu dài ảnh hưởng lớn đến dòng chảy thuỷ lợi.
Nếu chiếu theo quy định, hành vi trên sẽ bị coi là: Lấn chiếm, huỷ hoại đất đai theo Khoản 1 Điều 12, Luật Đất đai 2013. Về mức phạt đối hành vi tự ý lấn, chiếm đất, theo Điểm d, Khoản 4 Điều 9, Nghị định 139/2013/NĐ-CP (Xây dựng nhà ở, cầu, kè, bến bốc dỡ hàng hóa, nơi sản xuất, bãi chứa vật liệu trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi) quy định mức phạt lên tới 30 triệu đồng, cùng biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu…
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Đinh Vũ
Theo