(Xây dựng) - Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, những năm gần đây, Hoằng Hóa là một trong những huyện được đầu tư nhiều công trình, dự án lớn. Trong đó có những dự án giao thông trọng điểm đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự liên kết, giao thương giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành khác và giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến ngã tư Gòng đi ngã tư Quăng trên địa bàn Hoằng Hóa hoàn thành và đi vào sử dụng năm 2019. |
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Hoằng Hóa có 324 dự án đã và đang được triển khai. Trong đó, 254 dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, 70 dự án nhà đầu tư tự thỏa thuận, với tổng diện tích đất cần thu hồi 821,96ha.
Riêng năm 2023, toàn huyện có 44 dự án, diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) 93,75ha. Đến hết quý II/2023, toàn bộ các dự án đã được ký cam kết GPMB đúng thời hạn, 80% tổng diện tích đã đo đạc, kiểm đếm, 65% đã phê duyệt phương án bồi thường, 46% đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Thi công dự án giao thông đoạn qua xã Hoằng Quỳ. |
Trong số các dự án đang thực hiện, có những dự án trọng điểm, kết nối giao thông đối ngoại và liên kết kinh tế vùng như: Dự án đường ven biển, đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa và Hoằng Hóa – Sầm Sơn; tuyến nối Quốc lộ 1A đến Quốc lộ 45, từ Hoằng Kim đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa); đường Quốc lộ 10 từ thị trấn Bút Sơn đi Khu du lịch Hải Tiến...
Trong số đó, Dự án nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 được xác định là dự án quan trọng của tỉnh, đóng vai trò kết nối giao thông giữa các huyện miền xuôi với khu vực miền núi, kết nối với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa phận tỉnh. Dự án có tổng chiều dài 14,6km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, được chia làm 3 tiểu dự án, riêng tuyến phía Hoằng Hóa dài 5,25 km. Trong đó, đoạn từ nút giao với Quốc lộ 1A đến cầu vượt sông Mã, qua địa bàn 2 xã Hoằng Xuân, Hoằng Kim, có tổng diện tích đất phải GPMB 192.800m2, thuộc 260 hộ gia đình và 2 tổ chức.
Tại xã Hoằng Kim, địa phương có 118 hộ có đất ở, đất nông nghiệp phải thu hồi, trong đó có 4 hộ diện tái định cư. Tính đến 25/6, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện đã phê duyệt và chi trả được 100/102 đối tượng có đất nông nghiệp bị thu hồi, diện tích 45.098m2. Hiện, chỉ còn lại 1 hộ có đất trang trại chưa nhất trí nhận đền bù, 4 hộ tái định cư đề nghị được hỗ trợ về tài sản, vật kiến trúc. Để xử lý, huyện đã có công văn báo cáo tỉnh đề nghị hỗ trợ 100% về tài sản, kiến trúc đối với 4 hộ này, nhưng chưa được chấp thuận nên chưa có cơ sở thực hiện.
Tại xã Hoằng Xuân, có 142 hộ và 1 tổ chức là UBND xã có đất phải thu hồi. Trong đó, 132 hộ thu hồi đất nông nghiệp, 10 hộ thu hồi đất ở, trong đó 6 hộ diện tái định cư. Tổng diện tích thu hồi 98.600m2. Đến nay đã phê duyệt và chi trả 131/143 đối tượng có đất nông nghiệp, diện tích 55.000m2, với số tiền gần 6,3 tỷ đồng. Đang hoàn thiện hồ sơ phương án bồi thường, hỗ trợ và 12/143 trường hợp, trong đó có 6 hộ tái định cư. Đồng thời, trình phê duyệt 12 hộ còn lại, gồm 11 hộ có đất ở, 1 đối tượng UBND xã, hoàn thiện phương án tái định cư, bồi thường bằng đất cho các hộ ảnh hưởng bởi dự án.
Cũng tương tự như dự án trên, các dự án trọng điểm khác như Dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông Hoằng Kim – Hoằng Quỳ cũng có hàng trăm đối tượng có đất nông nghiệp, đất ở phải thu hồi (chủ yếu là đất nông nghiệp) đã có bản hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ. Số ít còn lại chưa nhận đền bù đều thuộc diện tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, có cây trồng, công trình, vật kiến trúc khác phải đợi ý kiến trả lời của tỉnh. Ngoài ra, tại các dự án khác như Dự án đường từ Quốc lộ 10 đi Khu du lịch Hải Tiến, tổng diện tích phải GPMB 249.660m2, tổng số bị ảnh hưởng 334 đối tượng, trong đó có 328 hộ gia đình, cá nhân, 5 UBND xã, 1 trường học. Đi qua địa bàn thị trấn Bút Sơn, xã Hoằng Đạt, Hoằng Hà, Hoằng Ngọc. Đến nay cũng đã hoàn thành cơ bản công tác chi trả đền bù, hỗ trợ GPMB, số còn lại vài trường hợp có tài sản, vật kiến trúc xây dựng trái phép phải xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh.
Đáng chú ý, Dự án đường ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn, qua địa phận 5 xã Hoằng Ngọc, Hoằng Đông, Hoằng Lưu, Hoằng Phong, Hoằng Châu, chiều dài 9km đã hoàn thành kiểm kê, lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 763/763 hộ gia đình, tổ chức. Riêng xã Hoằng Châu đã tiến hành chi trả đền bù, hỗ trợ cho 186/187 hộ bị ảnh hưởng, số tiền. Đến nay đã GPMB được 8,85/9km chiều dài toàn tuyến, số chưa nhận đền bù, bàn giao mặt bằng chỉ còn duy nhất 1 hộ có nguyện vọng hỗ trợ cho số thủy sản còn lại tại ao nuôi.
Cũng như Dự án đường ven biển, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thịnh – Đông (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 6,38km, qua địa bàn 5 xã, tổng số 539 đối tượng bị ảnh hưởng với tổng diện tích thu hồi 240.85,5m2. Đến nay đã hoàn thành GPMB 5,85/638 km (đạt 87% chiều dài toàn tuyến) và bàn giao đất cho chủ đầu tư. Trong đó, các xã Hoằng Lưu, Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Thái đã hoàn thành GPMB. Riêng xã Hoằng Thịnh, đã bàn giao xong diên tích đất nông nghiệp, riêng về đất ở, có 76 trường hợp phải thu hồi, diện tích 7.706,35m2, dự toán bồi thường , hỗ trợ trên 94 tỷ đồng. Trong đó có 46 hộ diện tái định cư (50 lô đất), 11 hộ bồi thường bằng đất. Đã phê duyệt 76/76 đối tượng, diện tích 7.706,35m2, số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 94 tỷ đồng. Đã chi trả 75/76 đối tượng, còn lại duy nhất 1 hộ chưa nhận đền bù, hỗ trợ.
Lễ khởi công Dự án tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 tại địa bàn xã Hoằng Kim. |
Cùng với các dự án giao thông quan trọng trên, trên địa bàn Hoằng Hóa còn có 12 dự án hạ tầng khu dân cư, trong đó có 7 dự án do huyện làm chủ đầu tư đang được triển khai, với số lượng dự án nhiều, diện tích phải thu hồi, GPMB rất lớn, số đối tượng bị ảnh hưởng lên tới hàng nghìn trường hợp. Trong đó, các dự án giao thông trọng điểm đều có yêu cầu gấp rút về tiến độ GPMB. Để đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, không để phát sinh thắc mắc, khiếu kiện, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hội đồng đền bù, hỗ trợ GPMB huyện đã phải giải quyết một khối lượng công việc “khổng lồ”, có thời điểm phải làm việc bất kể giờ giấc, ngày nghỉ. Có người mặc dù nhà ở ngay gần công sở, nhưng buổi trưa vẫn phải ở lại để xử lý cho xong phần việc được giao.
Được biết, công tác GPMB luôn khó khăn, phức tạp và không kém phần nhạy cảm, nếu thực hiện không khách quan, công tâm. Cán bộ làm nhiệm vụ này, ngoài vững về chuyên môn, nghiệp vụ còn phải biết thông cảm, đặt mình vào vị trí của người dân có đất phải thu hồi (nhất là đối với đất thổ cư). Nếu không sẽ có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của dân. Đáng chú ý, có những thời điểm Hoằng Hóa phải cùng lúc tiến hành GPMB nhiều dự án lớn, trong khi việc xác định chủ sở dụng đất, nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, diện tích và tài sản gắn liền với đất thường rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức.
Ngoài ra còn có những khó khăn, phức tạp khác vượt thẩm quyền của huyện như: Đơn giá tài sản, vật kiến trúc, giá trị con nuôi, cây trồng trên đất thấp hơn so với giá thị trường, nhưng chậm được điều chỉnh. Đối với các dự án diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi lớn, trong đó có nhiều thửa ruộng thu hồi không hết, phần còn lại phải được xác định có đủ điều kiện sản xuất hay không (phụ thuộc vào đường nội đồng, tưới tiêu), nhưng chưa được quy định cụ thể để áp dụng nên phải lập danh sách tổng hợp báo cáo tỉnh (cho từng dự án riêng), dẫn đến phải có thời gian tổng hợp và chờ đợi, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ GPMB của dự án.
Mặc dù gặp phải không ít, khó khăn, vướng mắc, trong đó có những vấn đề vượt thẩm quyền, phải báo cáo, xin ý kiến cấp trên, nhưng với quyết tâm và nỗ lực cao độ, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân nhờ cách làm công khai, minh bạch, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên diện có đất phải thu hồi, công tác GPMB tại Hoằng Hóa đã và đang diễn ra khá thuận lợi, suôn sẻ. Đến nay, hầu hết các dự án, trong đó có các dự án giao thông trọng điểm đều đã cơ bản được bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi cho các nhà thầu triển khai thi công đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Đào Nguyên
Theo