(Xây dựng) - Với lý do không có hệ thống thoát nước nên một hộ gia đình tại tiểu khu 12, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chịu cảnh ứ nước thải trong khuôn viên đất của gia đình 8 tháng nay, hệ lụy kéo theo, lượng nước ấy mặc nhiên phải xả tràn ra ngập đường giao thông nội thị.
Tình trạng này xảy ra đã lâu nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý khả thi.
Vì không có rãnh thoát nước, lượng nước thải phải xả tràn ra ngập đường giao thông nội thị
Khóc dỡ, mếu dỡ
Vừa qua, Báo Xây dựng đã nhận được phản ánh của ông Lê Thế Liên (SN 1955), địa chỉ tại số nhà 05 đường Nguyễn Khuyến, tiểu khu 12, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch trình bày về việc đã 8 tháng nay, hộ gia đình ông không được đấu nối vào hệ thống cống rãnh thoát nước chung của địa phương. Gây nên tình trạng nước thải sinh hoạt sau khi chứa đầy trong hố gas của gia đình đã xây trước đó, không tiêu thoát được dẫn đến ứ nước trong phần đất của gia đình.
“Tức nước vỡ bờ”, nên nhiều tháng qua, một lượng nước thải không nhỏ của gia đình đã mặc nhiên chảy tràn ra tuyến đường Nguyễn Khuyến. Lượng nước này bốc mùi khó chịu. Chính vì vậy, nó là khởi nguồn của một số mâu thuẫn của hàng xóm với gia đình ông hiện nay.
Trước sự tình không mong muốn này, biết là có ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan của tiểu khu mình đang sống, ông đã có Tờ trình gửi đến Chủ tịch UBND Thị trấn Hoàn Lão. Nội dung Tờ trình xin phép chính quyền địa phương tạo điều kiện, có phương án để gia đình ông được đấu nối vào một hệ thống thoát nước gần nhất.
Tuy nhiên, Ban cán sự tổ dân phố tiểu khu cùng chính quyền thị trấn Hoàn Lão và các cơ quan chức năng như quản lý đô thị, môi trường vẫn chưa có hình thức xử lý nào. Một cán bộ tiểu khu còn cho rằng: Hệ thống thoát nước tại khu vực chưa được hoàn thiện. Vậy nên gia đình tự xử lý vấn đề nước thải này trong khuôn viên gia đình, hiện tại chưa đấu nối được.
Trước tình thế này, ông Lê Thế Liên thông qua cơ quan truyền thông, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình đến chính quyền các cấp; mong muốn nhận được sự giúp đỡ hữu ích. Bởi lẽ, nếu không có phương án thoát nước khả thi, thì suốt đời gia đình mình bị dân tình chửi; hơn hết cảnh ứ nước trong khuôn viên và trước cửa nhà là điều không ai muốn.
Cần có giải pháp khả thi
Sau khi nhận được phản ánh trên, phóng viên đã đến hiện trường, quang cảnh dễ thấy nhất trong một ngày quang đãng là nước thải chảy ngập mặt đường. Lượng nước này đã đổi màu và có biểu hiện rêu mốc và một ụ đất cao được dân cư đắp lên để ngăn lượng nước đó ảnh hưởng đến những gia đình xung quanh.
Trao đổi cụ thể hơn thì phóng viên được biết: Từ khi cửa hàng Điện Máy Xanh bắt đầu hoạt động tại địa phương, cửa hàng không cho phép gia đình ông thoát nước qua hệ thống của họ. Sau đó, gia đình ông tính đến giải pháp đấu nối đường ống xả vào hệ thống rãnh thoát nước dọc quốc lộ 1A. Đã 5 lần đào đường, đặt ống thì cứ bị bà con ngăn cản. Và cuối cùng, cán bộ giao thông đường bộ không cho phép.
Tiếp đó, gia đình ông xin chính quyền cho phép đấu nối, xây cống thấm, bắt ống dẫn phi 110 vào rãnh thoát nước phía trước Trường Tiểu học ODA, kinh phí do gia đình ông tự chịu. Nhưng thị trấn không đồng ý. Đề nghị tự xử lý nước thải trong nhà. Cùng với đó, hộ hàng xóm liền kề lại không đồng ý cho đào rãnh thoát nước qua phần đất trước cửa nhà mình, xuất hiện ý tưởng tranh chấp cống rãnh thoát nước chung.
Ông Lê Thế Liên đang chỉ dẫn phần hồ gas và rãnh thoát nước mà trước đây đã xây cất hoàn thiện, giờ đây trong trạng thái ứ nước, trào ngược.
Nhưng gia đình ông cho biết, hiện không thể xử lý theo yêu cầu của chính quyền được. Bởi lẽ, từ lúc xây nhà, gia đình đã tính toán đến việc xây hố gas để lắng lọc nước thải sinh hoạt của gia đình trước, sau đó dẫn qua hệ thống rãnh thoát nước dài 15m, trước khi hết phần đất của gia đình để bắt ống dẫn, tiếp tục đấu nối vào hệ thống thoát nước của địa phương. Vì nhà đã xây cất hoàn thiện, không thể tự xử lý nước thải trong khuôn viên nhà được nữa.
“Mặt khác, một số gia đình khác đã được đấu nối vào rãnh thoát nước phía trước Trường Tiểu học ODA, thì cớ sự gì gia đình tôi xin đấu nối lại không cho, khất lần. Để bây giờ cứ bị hàng xóm chỉ trích.
Tôi đã lớn tuổi, nên muốn mọi chuyện xử lý trong êm đẹp, đúng pháp luật. Chứ suốt ngày cứ bị bà con chì chiết, chính quyền nhắc nhở thì còn tâm trí đâu để mà sống, mà làm việc khác’’, ông Liên chia sẻ thêm.
Đem tâm sự trên trao đổi cùng lãnh đạo UBND Thị trấn Hoàn Lão, được biết thêm rằng: Thực tế là hệ thống rãnh thoát nước tại địa phương vẫn chưa được hoàn thiện. Trường hợp nước thải xả tràn ra đường Nguyễn Khuyến của hộ gia đình ông Lê Thế Liên, chúng tôi đã biết. Từng tiến hành họp hòa giải mâu thuẫn giữa các hộ để tìm đến phương án chung. Tuy nhiên, phương án của gia đình là đấu nối vào hệ thống rãnh thoát nước phía trước Trường ODA thì chúng tôi không đồng ý. Người dân thì cho rằng việc để nước thải chảy tràn lan ra đường một phần nguyên nhân là do lỗi của chính quyền. Bởi đất đô thị mà lại không làm rãnh thoát nước, cán bộ tiểu khu lại yêu cầu nhân dân đào hố sâu để thấm nước dần.
Với những lý lẽ và quan điểm riêng của các bên, đến nay, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm trên đường Nguyễn Khuyến vẫn chưa được giải quyết. Việc xả nước bẩn ra đường của một hộ dân đã ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị, nhất là khi thị trấn Hoàn Lão đang chú trọng chỉnh trang đô thị để xây dựng đô thị loại IV, cơ sở để vươn mình lên thành thị xã trong nay mai.
Đề nghị UBND huyện Bố Trạch nghiên cứu kỹ thực trạng, chỉ đạo ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý vụ việc trước khi quá muộn!
Nhất Linh
Theo