(Xây dựng) – Những năm qua, khu vực huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có nhiều khu đô thị mới được xây dựng, hoàn thiện phần thô, nhưng không được đưa vào sử dụng. Việc để cả một khu đô thị mới rơi vào tình cảnh hoang hóa, xuống cấp…gây lãng phí tài nguyên đất đai, nhếch nhác diện mạo đô thị.
Toàn cảnh KĐT Lideco, nhiều tòa nhà được xây thô xong từ lâu, nhưng đến nay mới chỉ có lác đác 4-5 căn được chủ nhân hoàn thiện để vào ở. |
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cộng với cơn sốt đất trước thông tin lên quận, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã xuất hiện hàng chục khu đô thị mới, khu đô thị kiểu mẫu với phân khúc biệt thự, nhà liền kề.
Tuy vậy, đến nay trên địa bàn huyện Hoài Đức đã xuất hiện một vài khu nhà ở, khu biệt thự vắng người và bỏ trống nhiều năm. Trong số đó phải kể đến loạt khu đô thị (KĐT) như: Lideco Trạm Trôi, KĐT Thiên đường Bảo Sơn, khu biệt thự Vườn cam…
Nhìn từ trên cao, KĐT này được quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh, tuy nhiên đã nhiều năm chịu cảnh “đắp chiếu”, hầu hết các biệt thự đều không có người ở. |
KĐT Lideco Trạm Trôi
Nằm trên đường 32, thị trấn Trạm Trôi, Lideco là một trong những dự án lớn nhất huyện Hoài Đức. Dự án do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư có quy mô 38,23ha với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng gồm 600 ngôi biệt thự thiết kế theo phong cách tân cổ điển.
Nhiều căn nhà đã xuống cấp, cỏ mọc chắn lối đi. |
Tổng thể không gian khu đô thị được chia thành 2 đơn vị ở nằm về hai phía của trục đường chính 31m. Đơn vị thứ nhất nằm ở phía Đông chủ yếu bố trí các nhà biệt thự song lập, nhà liền kề và nhà liền kề có vườn, nhà ở, lô phố. Đơn vị thứ hai nằm ở phía Tây cũng gồm các loại sản phẩm như trên. Điểm nổi bật là khu Tây có hồ nước lớn với đầy đủ khu hỗn hợp thể thao, giải trí, ăn uống, thương mại, hành chính…
Cảnh im lặng, đìu hiu tại KĐT Lideco. |
Dự án được xây dựng từ năm 2008, hoàn thiện từ năm 2013 song hiện nay có hàng trăm căn biệt thự, liền kề vẫn bỏ hoang. Chủ đầu tư hiện đang rao bán với giá từ 40 - 100 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích căn.
Khu biệt thự Vườn Cam
Con đường dẫn vào Khu biệt thự Vườn Cam vẫn chưa hoàn thiện. |
Ngay gần đó, Khu biệt thự Vườn Cam - Orange Graden nằm trên địa bàn xã Vân Canh (Hoài Đức), có tổng diện tích quy hoạch 46,18ha.
Tìm hiểu được biết, dự án đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ giao cho Công ty cổ phần VinaPol làm chủ đầu tư thực hiện từ tháng 12/2007.
Quanh dự án vẫn được rào chắn cẩn thận, hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện. |
Khu biệt thự Vườn Cam có quy mô dân số khoảng 7.000 người, được thiết kế xây dựng gồm 162 lô biệt thự song lập, 260 lô biệt thự đơn lập tiêu chuẩn, 174 lô biệt thự đơn lập cao cấp, 25 lô biệt thự nhà vườn cao cấp, mỗi lô có diện tích từ 200 - 800m2.
Chủ đầu tư đã thi công được một số hạng mục của dự án. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nơi đây không có bóng người qua lại, cỏ mọc vượt qua cả những hàng rào chắn xung quanh dự án.
Một số người cho rằng, thông tin huyện Hoài Đức lên quận đã làm cho mức giá thay đổi chóng mặt. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây việc triển khai xây dựng hạ tầng mạnh mẽ ở khu vực này như đường vành đai 3.5 kết nối khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và dự án nối dài đường Trần Hữu Dực với Phạm Hùng khiến việc kết nối các khu đô thị và vùng trung tâm được rút ngắn thời gian và quãng đường. Tuy nhiên, mặc dù được hưởng lợi từ hạ tầng và có mức giá tăng cao, nhưng khu đô thị này vẫn la liệt biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang không người ở, rêu mốc mọc xung quanh.
KĐT Nam An Khánh
Nhiều dãy biệt thự, nhà biệt thự liền kề tại dự án KĐT Nam An Khánh lại bị “bỏ quên”. |
Tương tự, cũng trên địa bàn huyện này, Khu đô thị Nam An Khánh cũng la liệt các biệt thự, nhà liền kề sau nhiều năm vẫn lác đác cư dân, bỏ hoang. Theo khảo sát hiện mức giá tại khu đô thị này đang dao động khoảng 75 - 135 triệu đồng/m2. Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có quy mô 288,8ha có tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư từng được quảng bá là thiên đường cuộc sống.
Một cổng vào tại KĐT Nam An Khánh. |
Đến cuối năm 2008, đầu 2009, trước bối cảnh thị trường nhà đất Tây Hà Nội lao dốc, thị trường địa ốc đóng băng, dự án Khu đô thị Nam An Khánh cũng lâm cảnh dở dang do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.
KĐT Thiên đường Bảo Sơn
Những căn biệt thự triệu đô trong KĐT Thiên đường Bảo Sơn hầu như không có người ở. |
Tọa lạc tại vị trí đắc địa trên mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), cách Đại lộ Thăng Long chỉ vài trăm mét, KĐT Thiên đường Bảo Sơn từng được rất nhiều nhà đầu tư bất động sản và những người có nhu cầu nhà ở cao cấp nhiều năm về trước săn đón.
Khu biệt thự BaoSon Paradise là một trong hai dự án cùng với Công viên giải trí Thiên đường Bảo Sơn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn làm chủ đầu tư đã hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2008. Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn thưa vắng người ở.
Dự án Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn là một phần trong tổng thể dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới tại An Khánh, Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Công trình gồm các khối văn phòng thương mại cao tầng, nhà ở cao tầng, bệnh viện, bách hóa, trường học, sân golf, khu vực vườn cây, hồ nước…
Khu biệt thự Hoa Phượng
Chịu chung số phận, khu biệt thự Hoa Phượng cũng “nằm im bất động” bên cạnh Khu đô thị Nam An Khánh và Thiên đường Bảo Sơn.
Khu nhà ở biệt thự Hoa Phượng nằm ở Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) được xây dựng với 100% sản phẩm là biệt thự nhà vườn, song lập. Tổng diện tích của khu biệt thự là 84.499m2 với quy mô 147 căn 3 tầng.
Được biết, Khu biệt thự Hoa Phượng do 3 công ty bao gồm Công ty TNHH Ứng dụng và Phát triển Công nghệ AVN, Công ty Kinh doanh Vật tư Thiết bị và Công ty CP Lý Hùng làm chủ đầu tư. Mỗi công ty đầu tư một lô trong 3 lô đất của dự án.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và nhiều chuyên gia về lĩnh vực này, biệt thự “ma”, hoang hóa, không có người ở là hệ quả của giai đoạn phát triển nóng của thị trường bất động sản. Việc quy hoạch, đầu tư vội vàng, liên tục xây dựng các dự án vượt quá nhu cầu của thị trường, không phù hợp với quy hoạch, nhu cầu người tiêu dùng… tạo ra nhiều sản phẩm không có khả năng thanh khoản là nguyên nhân cơ bản của thực trạng lãng phí.
Đồng ý kiến, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng nêu ra một số nguyên nhân khiến hầu hết các khu đô thị bỏ hoang: Trong quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và sự phát triển “nóng” của thị trường bất động sản, nhiều nơi mong muốn quy hoạch đô thị hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp tranh thủ thời cơ lập dự án, đầu tư. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đầu tư có số vốn rất lớn, diễn ra trong thời gian dài và rất khó dự báo nhu cầu thị trường trong điều kiện đó. Vì vậy mà diễn ra tình trạng như trên.
Ngoài ra, những khu vực được xây biệt thự không gắn liền với hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật… như điện nước, dịch vụ và chưa phù hợp với đời sống của người dân nên khó thu hút được người mua đến sinh sống.
Ngay sát KĐT Thiên đường Bảo Sơn là Khu biệt thự Hoa Phượng (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) cũng nhếch nhác nhiều năm qua vì bị bỏ hoang. |
Có thể thấy, nguồn cung và cầu đang có sự chênh lệch, trong khi một bộ phận không có nhà để ở, thiếu hụt quỹ đất nhưng phía Tây Thủ đô lại xuất hiện hàng loạt biệt thự bỏ hoang, nhếch nhác, xuống cấp với giá “trên trời”. Nghịch lý trên gây nên sự lãng phí về tài nguyên đất, hạ tầng một cách nghiêm trọng, nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự nảy sinh.
Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã ban hành chiến lược về phát triển nhà ở, trong đó đã giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố lập chương trình phát triển nhà ở theo từng giai đoạn, ngắn hạn và dài hạn. Năm 2021, từng có đề xuất đánh thuế đối với các biệt thự bỏ hoang nhưng việc quy định, triển khai ra sao vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc. Trước thực tế nhiều khu biệt thự cao cấp, liền kề trong các khu đô thị này vẫn diễn ra tình trạng bỏ hoang và không biết đến bao giờ đưa vào sử dụng tạo nên tình trạng lãng phí và các tác động tiêu cực, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng thanh kiểm tra, rà soát và sớm có biện pháp xử lý vấn đề trên.
Ánh Dương
Theo