Thứ sáu 22/11/2024 01:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hòa Bình: Đình chỉ tuyệt đối Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai

11:42 | 29/08/2020

(Xây dựng) – Liên quan đến việc đầu tư xây dựng tại Dự án nhà máy nước sạch Xuân Mai thuộc tỉnh Hòa Bình. Báo điện tử Xây dựng đã có loạt bài phản ánh, về những vi phạm của chủ đầu tư cũng như việc “cầm đèn chạy trước ô tô” trong việc triển khai thực hiện dự án khi Quy hoạch điều chỉnh cấp nước Thủ đô Hà Nội vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

hoa binh dinh chi tuyet doi du an dau tu xay dung he thong cap nuoc xuan mai
Dự án chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhưng phía nhà thầu đã tổ chức khởi công xây dựng, san gạt nền, hạ cốt đồi từ tháng 9/2019.

Chính quyền “tuýt còi”, đình chỉ dự án

Như đã thông tin tại bài viết trước, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình trao Quyết định chủ trương đầu tư số 37/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 cho Công ty Cổ phần nước Aqua One.

Tuy nhiên, ngày 24/1/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án điều chỉnh tên thành: Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch.

Quy mô đầu tư cũng được điều chỉnh với công suất thiết kế: 600.000m3 nước sạch/ngày/đêm (trong đó giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày/đêm, giai đoạn 2 là 300.000m3/ngày/đêm. Các hạng mục xây dựng gồm: Công trình thu và trạm bơm, nhà máy xử lý nước, bể chứa trung gian, tuyến đường ống dẫn nước.

Diện tích đất sử dụng khoảng 52,4ha, cụ thể: Công trình thu và trạm bơm khoảng 3,4ha (xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); nhà máy xử lý nước khoảng 45,5ha (xóm Dụ 5, xã Mông Hóa, Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); bể chứa nước trung gian khoảng 3,5ha (xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Ngày 21/8/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 1787/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hạng mục nhà máy xử lý nước thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch.

Điều đáng nói, hiện dự án chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhưng phía nhà thầu đã tổ chức khởi công xây dựng, san gạt nền, hạ cốt đồi từ tháng 9/2019. Việc tổ chức thi công xây dựng dự án này đã gây lún, nứt nhà dân liền kề của dự án.

Tiếp tục tìm hiểu cho thấy, việc thực hiện dự án nhà máy này còn rất nhiều điều khuất tất trong quá trình triển khai xây dựng, bởi đến thời điểm này, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai chưa nằm trong Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, Quy hoạch cấp nước Thủ đô chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, đặt câu hỏi UBND tỉnh Hòa Bình căn cứ vào đâu khi ký và trao quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần nước Aqua One để xây dựng dự án nhà máy nước và hệ thống đường ống cấp nước cho Thủ đô Hà Nội.

Được biết, ngày 31/3/2020 UBND tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 487/UBND-NNTN gửi Công ty TNHH nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai về việc khai thác đất san, lấp trong quá trình thực hiện dự án nhà máy nước thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai.

Nội dung văn bản nêu rõ, UBND tỉnh Hòa Bình có ý kiến như sau: Tạm thời chưa xem xét đề nghị của chấp thuận chủ trương khai thác đất san, lấp trong quá trình thực hiện dự án nhà máy nước thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai của Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai, do dự án chưa được cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật và chưa đủ điều kiện để khởi công xây dựng các hạng mục dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, dự án đang bị đình chỉ tuyệt đối.

hoa binh dinh chi tuyet doi du an dau tu xay dung he thong cap nuoc xuan mai
Bản đồ quy hoạch dự án.

Chưa đủ cơ sở để đưa vào điều chỉnh Quy hoạch cấp nước?

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 92/BC-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung Báo cáo: UBND thành phố Hà Nội đã có Tờ trình số 83/TTr-UBND ngày 17/6/2017, Văn bản số 4588/UBND-ĐT ngày 16/10/2019 của UBND Thành phố Hà Nội về việc bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ và trình thẩm định Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội. Sau khi xem xét hồ sơ Đồ án Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2595/BXD-HTKT ngày 01/11/2019 gửi các Bộ, ngành lấy ý kiến góp ý về Đồ án Quy hoạch. Bộ Xây dựng đã nhận được văn bản góp ý của 04/04 Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), UBND tỉnh Hòa Bình, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, và 03 chuyên gia phản biện.

Ngày 13/12/2019, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các đơn vị cấp nước có liên quan đến một số nội dung của Đồ án Quy hoạch. Ngày 26/12/2019, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng thẩm định Đồ án Quy hoạch. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo: UBND Thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), UBND tỉnh Hòa Bình (Sở Xây dựng Hòa Bình); đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; đại diện các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ Xây dựng: Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Hạ tầng kỹ thuật; một số chuyên gia ngành nước và đơn vị tư vấn lập Đồ án quy hoạch (Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam - Viwase), Bộ Xây dựng đã có Thông báo số 487/TB-BXD ngày 31/12/2019 Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn tại Hội đồng thẩm định.

Ngày 9/3/2020, sau khi hoàn thiện hồ sơ Đồ án Quy hoạch, UBND Thành phố Hà Nội có Văn bản số 781/UBND-ĐT gửi Bộ Xây dựng trình thẩm định Đồ án Quy hoạch.

Ngày 24/4/2020, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1957/BXD-HTKT gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị rà soát, hoàn thiện Đồ án Quy hoạch theo Thông báo Kết luận tại Hội đồng thẩm định (số 487/TB-BXD ngày 31/12/2019). Ngày 10/6/2020, Sở Xây dựng Hà Nội gửi Văn bản số 4715/SXD-HT ngày 10/6/2020 và hồ sơ đã hoàn thiện, chỉnh sửa.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung của các Bộ, ngành tập trung vào các nội dung sau:

Về căn cứ pháp lý: Cập nhật QCVN 01-1:2018/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt đã được Bộ Y tế ban hành tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Bổ sung Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ về quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước (Hội Cấp thoát nước Việt Nam).

Đánh giá về hiện trạng cấp nước: Bổ sung, làm rõ những tồn tại, bất cập trong việc triển khai thực hiện quy hoạch cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn đã được phê duyệt trước đây (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Về nguồn nước: Đánh giá nguồn nước, cần có đánh giá toàn diện về nguồn nước tại Thành phố Hà Nội, đặc biệt các nguồn nước dự kiến đưa vào quy hoạch khai thác như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống,... đối với nguồn nước mặt, các tầng chứa nước Holocen, Pleitocen đối với nguồn nước dưới đất trong điều kiện thời tiết cực đoan nhất và trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, phải có đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng nước trong giai đoạn quy hoạch nhằm tránh tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số thời điểm trên sông Đà và sông Hồng như đã xảy ra trong thời gian vừa qua (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trong đồ án mới tập trung về lựa chọn nguồn cần bổ sung các giải pháp bảo đảm an ninh, bảo vệ nguồn, bảo vệ các công trình hồ chứa nước phục vụ cấp nước thô cho các nhà máy nước...và cần nêu cụ thể trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước này (Hội Cấp thoát nước Việt Nam)…

Mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch: tại Quyết định số 2055/QĐ-TTg đến năm 2020 tiêu chuẩn dùng nước dân cư đô thị trung tâm là 150-160 lít/người ngày, dân cư đô thị vệ tinh là 120-140 lít/người ngày, dân cư nông thôn là 100-110 lít/người ngày, đến năm 2030 tiêu chuẩn dùng nước dân cư đô thị trung tâm là 160-170 lít/người ngày, dân cư đô thị vệ tinh là 130-150 lít/người ngày, dân cư nông thôn là 110-130 lít/người ngày; tại Đồ án đến năm 2020 tiêu chuẩn dùng nước dân cư đô thị trung tâm là 160-170 lít/người ngày, dân cư đô thị vệ tinh là 120-150 lít/người ngày, dân cư nông thôn là 90 lít/người ngày đến năm 2030 tiêu chuẩn dùng nước dân cư đô thị trung tâm là 170-180 lít/người ngày dân cư đô thị vệ tinh là 130-160 lít/người ngày, dân cư nông thôn là 110-100 lít/người ngày.

Trong đề xuất lần này có bổ sung nhà máy nước Xuân Mai (trong Quy hoạch 2013 và Quy hoạch Vùng Thủ đô không có nhà máy này) vì vậy cũng cần làm rõ về sự thỏa thuận của Hòa Bình về vị trí, quy mô và khả năng về nguồn nước (đều sử dụng nước sông Đà); trách nhiệm của Hà Nội và Hòa Bình trong việc đảm bảo nhà máy nước khi đi vào hoạt động về an toàn trong cấp nước và việc bổ sung nhà máy nước này sẽ có tác động như thế nào về việc phân vùng cấp nước của các hệ thống khác đã xây dựng, cũng tương tự như vậy khi đề xuất bổ sung nguồn nước cung cấp từ Hà Nam (nhà máy đặt tại Hà Nam (Hội Cấp thoát nước Việt Nam)…

Về điều chỉnh quy hoạch tăng, giảm công suất khai thác các nhà máy hiện có trong quy hoạch, đề nghị thuyết minh cụ thể nguyên nhân, sự cần thiết, cơ sở pháp lý (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Đối với Nhà máy nước Xuân Mai, Nhà máy nước sông Đà cần xem xét làm rõ phần công suất cấp cho Hà Nội, phần công suất cấp cho tỉnh Hòa Bình theo từng giai đoạn quy hoạch trong tổng công suất Nhà máy nước (UBND tỉnh Hòa Bình).

Đề nghị cơ quan tổ chức lập đồ án bổ sung các giải pháp cấp nước an toàn cho các Nhà máy nước mặt quy mô lớn (trong đó có các Nhà máy nước mặt cấp nước sạch cho Thành phố Hà Nội nằm trên địa phận tỉnh Hòa Bình) (UBND tỉnh Hòa Bình)…

Một số ý kiến của chuyên gia phản biện cho rằng: Về nguồn nước và các công trình đầu mối cấp nước cho Hà Nội, trước tiên cần phân tích cụ thể trong tổng quan quy hoạch cấp nước vùng (phạm vi không chỉ Hà Nội mà còn các tỉnh/thành phố lân cận).

Một số nhà máy nước được đề xuất mới cấp nước cho Hà Nội trong Đồ án như Nhà máy nước Xuân Mai, Nhà máy nước cấp từ Hà Nam chưa được xác định trong Quy hoạch Vùng thủ đô, quy hoạch cấp nước Hà Nội 2013, do đó đồ án cần có sự thỏa thuận đồng ý về vị trí, quy mô, cơ chế quản lý nhà máy nước này từ UBND tỉnh Hòa Bình, Hà Nam…

Cơ quan thẩm định – Bộ Xây dựng đề nghị hoàn thiện, làm rõ một số nội dung như: Thực tế tổng công suất các nhà máy nước chính cấp cho khu vực đô thị của Hà Nội là 1.520.000 m3/ngđ. Cần tính toán đến khả năng khai thác tối đa công suất của các nhà máy nước hiện có trong các khu vực đã được phân bổ, kế thừa và phát triển quy mô công suất, phạm vi cấp nước các nhà máy nước đã được quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước khu vực nông thôn. Trên cơ sở đó mới có thể xem xét quy hoạch nhà máy nước mới (cụ thể như nhà máy nước mặt Xuân Mai chưa đủ cơ sở để đưa vào điều chỉnh Quy hoạch cấp nước lần này).

Về quy hoạch sử dụng nguồn nước: Đề xuất sử dụng nguồn nước chính cấp cho Hà Nội là nước mặt và giảm nước ngầm là phù hợp. Tuy nhiên, đề xuất ngừng khai thác đối với 8 nhà máy nước ngầm và các trạm cấp nước tập trung phía Nam Hà Nội phải có lộ trình, xác định cụ thể thời gian, lưu lượng cho phép khai thác và phải được cấp thẩm quyền quyết định, phải làm rõ giải pháp bảo trì các trạm nước ngầm làm nguồn dự trữ khi có sự cổ cần vận hành và cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp đang khai thác nước ngầm bị ảnh hưởng.

Về môi trường và an ninh nguồn nước: Bổ sung yêu cầu giải pháp xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm sự cố môi trường, giám sát chất lượng nguồn nước, chất lượng nước sạch và được kết nối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Như vậy, có thể thấy việc triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình đã trái các quy định của pháp luật. Nhà đầu tư có những hành vi vi phạm trong việc thực hiện đầu tư xây dựng khi khởi công xây dựng nhà máy mà chưa có giấy phép xây dựng. Việc này cần tổ chức kiểm tra, thanh tra làm rõ, xử lý thích đáng những cá nhân liên quan. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Xây dựng, trong lần điều chỉnh này không đưa nhà máy nước Xuân Mai vào bổ sung quy hoạch, tập trung xây dựng mạng lưới cấp nước vòng, hệ thống phân phối nước đô thị để đảm bảo an toàn nguồn nước cấp khi có sự cố một trong các nhà máy cấp nước. Đồng thời, tránh khả năng thừa nguồn nước cấp mà những nơi cần cung cấp nước không có đường ống. Bởi theo tính toán, các nhà máy cấp nước theo Quyết định 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã đảm bảo nguồn nước cấp cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và sau đó ít năm.

Ngọc Hân – Khánh An 

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load