(Xây dựng) – Dù quy hoạch điều chỉnh cấp nước Thủ đô Hà Nội vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình đã ký và trao Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần nước Aqua One để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai. Điều đáng nói, toàn bộ nước sản xuất từ hệ thống nhà máy này được cung cấp cho Thủ đô Hà Nội mà người dân tỉnh Hòa Bình sẽ không được hưởng một giọt nước nào?
Dù chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý nhưng chủ đầu tư Dự án nhà máy nước Xuân Mai đã cho tổ chức san gạt rầm rộ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh. |
Báo điện tử Xây dựng đã có loạt bài phản ánh về việc Dự án nhà máy xử lý nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) dù chưa có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, chưa có giấy phép xây dựng, nhưng đã tổ chức thi công.
Tiếp tục tìm hiểu cho thấy, việc thực hiện dự án nhà máy này còn rất nhiều điều khuất tất trong triển khai thi công, bởi đến thời điểm này, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai chưa nằm trong Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội. Hiện UBND Thành phố Hà Nội mới đang điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không biết “động lực” gì khiến UBND tỉnh Hòa Bình đã sốt sắng ký Quyết định chủ trương đầu tư số 37/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 cho Công ty Cổ phần nước Aqua One. Sau đó, ngày 24/1/2019, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục ký Quyết định số 07/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đồng chí Bí thư huyện Kỳ Sơn phải thốt lên rằng: “Dù nhà máy đặt tại địa bàn huyện, nhưng nguồn nước lại được cấp toàn bộ cho Thủ đô Hà Nội. Người dân huyện Kỳ Sơn cũng không được dùng nước sạch từ nhà máy này. Vừa qua phía huyện có đề xuất, nhà máy nằm trên địa bàn nếu được thì cung cấp nước sạch cho huyện Kỳ Sơn, nhưng không được chấp thuận”.
Một dự án chưa đảm bảo các quy định của pháp luật, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình mới đây lại tiếp tục ban hành văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết vướng mắc khi thực hiện các thủ tục thu hút đầu tư dự án liên quan đến hồ Đầm Bài, Dự án nhà máy nước Sông Đà tại huyện Kỳ Sơn.
Nội dung văn bản này, phần trên tỉnh Hòa Bình chủ yếu báo cáo về những vướng mắc và việc cần bảo vệ an ninh nguồn nước của Dự án nhà máy nước Sông Đà, nhưng cuối văn bản, người soạn thảo lại “thòng” thêm một nội dung của Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai thuộc Công ty Cổ phần Nước Aqua One khen phương thức lấy nước của nhà máy bằng ống kín, không qua hệ thống hồ sơ lắng như hồ Đầm Bài để đưa về hồ chứa nước thuộc khu xử lý đảm bảo an toàn.
Do vậy, khi triển khai dự án này sẽ không xảy ra sự việc mất an toàn an ninh nguồn nước: “Hiện nay, Công ty Cổ phần nước Aqua One đang triển khai Dự án nhà máy nước sạch Xuân Mai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, cấp nước cho Thủ đô Hà Nội (dự án cấp nước tương tự), với nguồn nước được lấy tại sông Đà, cách nguồn nước của Dự án nhà máy nước Sông Đà không xa…”.
Vậy lý do để “thòng” thêm đoạn văn bản này là gì? Trong khi Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai của Công ty Cổ phần Nước Aqua One chưa nằm trong quy hoạch cấp nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?
Trong khi đó, theo Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ có 3 nhà máy nước gồm: Nhà máy nước Sông Đà, nhà máy nước Sông Hồng và nhà máy nước Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) với tổng công suất các nhà máy nước mặt đến năm 2020 là 1.140.000m3/ngày đêm và dự kiến đến năm 2030 là 2.125.000 m3/ngày đêm.
Điều đáng bàn là nội dung Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không hề có nhà máy nước Xuân Mai. Theo kiểm tra thực tế việc thực hiện quy hoạch này, nhà máy nước sông Đà đã hoàn thành đưa vào sử dụng; Nhà máy nước sông Hồng đang được xây dựng với thiết kế với công suất 300.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước sông Đuống đã hoàn thành xây dựng. Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 của Nhà máy nước sạch Sông Đà, nâng công suất từ 300.000 m3/ngày đêm lên 600.000 m3/ngày đêm.
Theo Văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần nước mặt sông Hồng cho rằng: “Nội dung điều chỉnh vùng phục vụ cấp nước và điều chỉnh quy hoạch cấp nước theo hướng giảm công suất giai đoạn từ 2020 đến 2050, trong đó riêng giai đoạn 2020 - 2022 giảm từ 300.000m3/ngày đêm xuống 150.000 m3/ngày đêm của Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng là chưa đúng với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013. Với việc điều chỉnh vùng phục vụ cấp nước và điều chỉnh giảm công suất cấp nước của dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp… Dự án đang được gấp rút hoàn thành để sớm đạt được mục tiêu của dự án. Đến giai đoạn này, khi Công ty chúng tôi đang trong quá trình nhập khẩu toàn bộ thiết bị công nghệ đáp ứng công xuất 300.000m3/ngày đêm, nếu thay đổi công suất thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư và sẽ xảy ra tranh chấp với nhà thầu nước ngoài”.
Tương tự, với nhà máy nước sông Đà cũng vậy, vậy lý do gì để “chèn” thêm nhà máy nước Xuân Mai vào sẽ xảy ra nhiều hậu quả pháp lý, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không có nhà máy nước Xuân Mai. |
Hiện tại, Dự án nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa nằm trong Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội. Hà Nội đang điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… đến nay, hồ sơ thủ tục của dự án cũng chưa trình lên Bộ Xây dựng thẩm định.
Vậy “động cơ” để UBND tỉnh Hòa Bình ký Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai của Công ty Cổ phần nước Aqua One là gì? Việc này rất cần Chỉnh phủ chỉ đạo làm rõ. Nếu việc cho tiếp tục thực hiện xây dựng nhà máy nước mới mà ảnh hưởng đến công suất của các nhà máy nước mặt đã hoàn thành giai đoạn năm 2020 theo quy hoạch đã duyệt gây dư thừa nước cục bộ ở Hà Nội thì phải thu hồi lại quyết định đầu tư của tỉnh Hòa Bình.
Điều đáng nói, theo quy hoạch được duyệt thì trong các giai đoạn này 3 nhà máy nước trên đã và đang được đầu tư thêm cơ sở vật chất, máy móc để tăng công suất thì việc “đẻ” thêm Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của 3 nhà máy trên và phá vỡ Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là sẽ phá vỡ hệ thống truyền tải nước của Thành phố Hà Nội. Một câu hỏi lớn cần đặt ra, trong khi công suất các nhà máy nước đã và đang hoàn thành thì việc ưu tiên chính hiện nay là phải đầu tư mạng vòng phù hợp với công suất để đảm bảo an toàn cấp nước cho nhân dân; nhưng cách làm của Thành phố Hà Nội hiện nay có vẻ ngược lại điều này. Cơ quan tham mưu tại các Bộ, ngành cần biết thông tin này này để trước khi có văn bản tham mưu gửi Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch cấp nước.
UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền ký Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai để cấp nước cho Thủ đô Hà Nội thì có chịu trách nhiệm về hậu quả pháp lý cho việc cấp nước cho Hà Nội không?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Quyết định số 2055/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong Quyết định này, Thủ tướng giao cho UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan tiến hành thẩm định quy hoạch cấp nước và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Ngọc Hân – Khánh An
Theo