(Xây dựng) - Chiều 20/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025; dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026 – 2030.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi điều hành dự thảo. (Ảnh: Việt Dũng) |
Tập trung hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong năm 2024, kinh tế Thành phố tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá.
Thành phố triển khai kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chủ đề công tác năm 2024 và cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch. Công tác chỉ đạo, điều hành được quan tâm thực hiện, các kế hoạch được xây dựng và triển khai, nội dung phù hợp với quy định và thực tế của các địa phương.
Về chuyển đổi số: Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 8 kế hoạch về triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh, triển khai Đề án 06 và tổ chức chuỗi sự kiện và tuần lễ hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.
Về thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định 44 cơ chế đặc thù, trong đó có 29 cơ chế đã áp dụng gồm 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả, 9 cơ chế đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục và các bước tiếp theo để triển khai đúng quy định; 15 cơ chế chưa áp dụng, gồm 2 cơ chế đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định; 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 5 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế Thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Các vấn đề bất cập, điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thành phố có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác. Nhiều dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Đặt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao những năm tiếp theo
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2021 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất sử dụng 22 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội và phân chia thành 5 nhóm.
Cụ thể: Nhóm 7 chỉ tiêu về kinh tế; nhóm 6 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội; nhóm 6 chỉ tiêu phát triển đô thị, bảo vệ môi trường; nhóm 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính; nhóm 1 chỉ tiêu đảm bảo an ninh.
Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những năm tới. |
Một số chỉ tiêu cụ thể về kinh tế là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 8 - 8,5%; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD;…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung góp ý cho các dự thảo, phân tích các kết quả đạt được, mặt còn hạn chế trong năm 2024, bàn nhiệm vụ, giải pháp, các chỉ tiêu đề ra trong năm 2025 phù hợp với từng lĩnh vực đơn vị phụ trách như lĩnh vực kinh tế, giao thông, văn hóa, du lịch,…
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị UBND Thành phố tập trung điều hành đạt được chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024; tập trung triển khai chỉ thị về tăng trưởng, đầu tư công, đầu tư nước ngoài…
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị, cần tập trung nhiệm vụ giải ngân đầu tư công. Hiện, qua rà soát có khả năng giải ngân đạt 81%, nhưng để có được kết quả này, ông Mãi đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải tập trung cao để giải ngân đầu tư công đạt cao nhất, kéo tăng trưởng các chỉ tiêu khác.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu tập trung cao nhiệm vụ cải cách hành chính và Đề án 06. Tập trung giải quyết các dự án dở dang theo tinh thần công điện của Thủ tướng, thường trực UBND sẽ có danh mục các công việc, dự án cần giải quyết để tập trung thực hiện.
Ngoài ra, trong năm 2024 hoàn thiện quy hoạch thành phố Thủ Đức, quy hoạch Thành phố, quy hoạch chung Thành phố và chuẩn bị triển khai ngay các kế hoạch thực hiện khi quy hoạch được duyệt. Tập trung cho đề án đường Vành đai 4, đường sắt đô thị, trung tâm tài chính quốc tế đã được phê duyệt, cảng quốc tế Cần Giờ trong năm nay, dự án di dời nhà ven kênh, chung cư cũ, nhà ở cho công nhân…
Về nhiệm vụ năm 2025, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị, cần rà soát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ, phần còn lại chuyển qua năm 2025, tinh thần phải đạt mục tiêu, với kết quả cao nhất. Tập trung cho 2 sự kiện lớn trong năm 2025 là kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại hội Đảng các cấp, Thành phố đã có chủ trương, chỉ thị của Thành ủy, các đơn vị phải có kế hoạch tập trung rà soát chỉ đạo đạt kết quả cao nhất.
Với báo cáo kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026 – 2030, người đứng đầu chính quyền Thành phố đề nghị, đây phải là bản kế hoạch hành động, tập trung những việc cần làm, tập trung nguồn lực, điều hành để đạt kết quả trong 5 năm.
“Kế hoạch giai đoạn 2026-2030 Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phải cao để là địa phương đi đầu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quốc gia, phải gắn với Nghị quyết 31, gắn quy hoạch Thành phố đã trình, kịch bản chọn là 9-10%, mặc dù đây là thách thức những vẫn phải là địa phương tiên phong”, ông Phan Văn Mãi lưu ý.
Từ đó, Chủ tịch UBND Thành phố gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung như: Tái cơ cấu mạnh mẽ công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, phát triển trung tâm dịch vụ lớn, để đạt được thành trung tâm dịch vụ lớn tầm ASEAN, châu lục. Xác định xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành Thành phố toàn cầu theo chuẩn quốc tế, phải thể hiện trong văn kiện; phải đề ra nội hàm, tiêu chuẩn, chương trình, kế hoạch thực hiện, gắn với việc phát triển đô thị sau năm 2030, gắn mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, thể thao tầm ASEAN.
Quang Hải
Theo