(Xây dựng) - Trong những ngày này, khi mà vụ án về tử tù Hồ Duy Hải vẫn còn nóng bỏng trong dân chúng về việc làm sai lệch hồ sơ ban đầu của cơ quan điều tra, khiến vụ việc rối tinh rối mù ở rất nhiều cấp trong quá trình tố tụng, thông tin giả thật lẫn lộn, lòng người chao đảo, thì thật bất ngờ mới đây, tôi đã tiếp cận được những văn bản quan trọng liên quan đến vụ Tòa nhà 8B Lê Trực chưa được công bố công khai, mà căn bệnh của nó lại cũng giống như vụ án đình đám Hồ Duy Hải.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Thật may, những tài liệu này tôi không nhìn thấy có dấu “mật” hoặc “tối mật”, nhưng qua chúng, tôi mới tự trả lời được nhiều uẩn khúc lâu nay trong lòng rằng, tại sao chỉ là vụ việc sai phạm hành chính về xây dựng của một công trình mà cả bộ máy chính quyền vào hàng uy lực nhất trong các địa phương lại bất lực trong suốt 5 - 6 năm trời?
Tại sao khi nắm trong tay một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất cho một công trình xây dựng tại địa phương, đó là quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 do chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký, cho phép công trình xây 20 tầng và độ cao không quá 70 m, nhưng chủ đầu tư vẫn “cắn răng” để cho UBND quận Ba Đình phá dỡ tầng 20 và tầng 19 của công trình mà sự đấu tranh và khiếu nại khá yếu ớt?
Tại sao trong suốt bấy nhiêu năm trời, người dân mua nhà tại tòa nhà 8B Lê Trực đã gửi hàng chục lá đơn kêu cứu đến tất cả các cấp, trong đó có một đề nghị tưởng như rất đơn gian, đó là có cuộc đối thoại trực tiếp, “ba mặt một nhời” giữa người có trách nhiệm của chính quyền, đại diện chủ đầu tư và người dân mua nhà, nhưng chưa một lần được đáp ứng?
Tất cả nguyên nhân đến giờ đây đã lộ ra thật bất ngờ, đó là “có bàn tay” làm sai lệch hồ sơ pháp lý cơ sở, làm biến dạng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thay đổi ý kiến của Bộ Xây dựng, trái với văn bản yêu cầu xử lý của UBND Thành phố vào năm 2013, khiến vụ việc rối tinh rối mù ở rất nhiều cấp trong quá trình xử lý vụ việc, thông tin giả thật lẫn lộn, lòng người chao đảo.
Với thông tin sai lệch từ cơ sở ấy, trôi qua theo thời gian, qua nhiều cấp liên quan và qua các nhiệm kỳ, sự việc ngày càng đưa lên cấp cao, càng để kéo dài thì càng trở nên phức tạp và khó xử. Cho đến ngày hôm nay, khi UBND quận Ba Đình đang tổ chức cưỡng chế, phá dỡ tầng 18 của Tòa nhà 8B Lê Trực với tâm trạng “vừa làm vừa nghe ngóng”.
Vụ việc khá phức tạp nhưng cũng rất dễ minh bạch, nếu có thể, đề nghị UBND quận Ba Đình và Công ty May Lê Trực thông tin công khai Văn bản ngày 20/9/2013 của Văn phòng Chính phủ số 7902/VPCP-KTN về việc giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng Dự án 8B Lê Trực, gửi UBND TP Hà Nội.
Thiết nghĩ, từ đây sẽ là mối nút gỡ tất cả những uẩn khúc từ bấy đến nay xung quanh vụ Tòa nhà 8B Lê Trực!
Nguyễn Hoàng Linh
Theo